4 tháng trước
Tại Sao Ngáp Rất Dễ Lây?
343

4040
Lượt xem
284
Lượt chia sẻ
11
Lượt bình luận

Lúc này là 3 giờ chiều. Bạn đang ở trong phòng họp và đang cố gắng lắng nghe bản báo cáo mà đồng nghiệp của mình đang trình bày. Đột nhiên bạn cảm thấy muốn ngáp đến không thể kìm được. Bạn cố hết sức để nén lại, nhưng, thôi rồi. Thật không đẹp chút nào. Thế rồi tất cả những người khác cũng bắt đầu ngáp, hết người này đến người kia... Tất cả chúng ta đều có thể gặp phải hiện tượng này.

Thật hoang đường khi cho rằng chúng ta ngáp để tranh giành lượng oxy hít vào với những người khác

Vậy là, bạn nghĩ mình biết lý do tại sao hiện tượng đó lại xảy ra:

Tôi đang mệt và não tôi cần oxy! Có quá nhiều người ở đây, ắt là chẳng có đủ oxy cho tất cả mọi người trong phòng. Và khi ai đó ngáp, họ hít vào lượng oxy vốn đã hạn chế ở trong phòng, thế nên phản xạ của tôi là lấy lại nhiều oxy hơn bằng cách ngáp...

Nhưng không, chúng ta không ngáp vì "đói" oxy

Thực tế các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng việc hít vào nhiều oxy hơn thực sự không làm giảm hành động ngáp.[1] Điều đó cho thấy phải có một thứ gì khác làm bạn ngáp.

Có một thứ gì đó trong não của chúng ta thực sự được kích hoạt khi ta thấy người khác ngáp

Trong lúc câu trả lời về lý do tại sao chúng ta lại ngáp vẫn chưa được tìm ra, các nhà khoa học và các nhà tâm lý học đã đưa ra nhiều lý thuyết nhằm giải thích hiện tượng ngáp dễ lây ở con người. Sau đây là một vài khả năng:

Đó giống như một hành động phản xạ, khiến chúng ta ngáp sau khi trông thấy người khác làm vậy

Ngành thần kinh học đã đề xuất ý tưởng rằng tính dễ lây có thể là một kiểu khuôn mẫu hành động đã được định sẵn.[2]

Khi chúng ta thấy người đầu tiên ngáp, cơ thể ta tự động hành xử giống như họ. Nó giống như một phản xạ, và là lý do tại sao chúng ta không thể kìm được việc há miệng to ra. Nó được gây ra bởi hoạt động vô thức của các tế bào não, được gọi là "hiệu ứng tắc kè hoa". Kết quả là bộ não khiến chúng ta làm những việc mà ta thấy người khác làm.

Điều này giải thích tại sao chúng ta không tài nào kiểm soát được nó. Nếu có ai đó ngáp, chúng ta sẽ đột nhiên cảm thấy mình cần phải ngáp kể cả khi ta không mệt mỏi. Chính bộ não đã bảo ta rằng ta vừa trông thấy ai đó ngáp. Thật kỳ lạ.

Đó có thể là một cách thuộc về tiềm thức để giao tiếp với nhau

Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng ngáp dễ lây có thể là kết quả từ một hiệu ứng được gọi là sự lây truyền cảm xúc.[3] Giả thuyết này gợi ý rằng ngáp là một "bản năng nguyên thủy" giúp chúng ta gắn kết với nhau thành cộng đồng.

Một thí nghiệm đã phát hiện ra bằng chứng để ủng hộ cho giả thuyết rằng hiện tượng ngáp dễ lây cũng có thể là một dấu hiệu của sự đồng cảm.[4]

Những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ và những trẻ rất nhỏ không phản ứng lại với hiện tượng ngáp dễ lây, có lẽ bởi vì chúng không có khả năng cảm nhận sự đồng cảm về mặt cảm xúc. Trái lại, 40% đến 60% người trưởng thành khỏe mạnh sẽ ngáp sau khi nhìn thấy người khác làm hành động đó.

Cũng có thể hiện tượng ngáp dễ lây là một kiểu hành vi bầy đàn.[5] Khi ngáp là chúng ta đang phát tín hiệu với một nhóm người quanh mình rằng chúng ta buồn ngủ, và những người khác đơn giản là không thể kìm được hành động tương tự để nói rằng họ đồng ý với ta.

Bất chấp tất cả các khả năng đó, vẫn chưa có một kết luận nào về hiện tượng ngáp dễ lây

Tất cả những lý thuyết nêu trên đều chỉ mang tính gợi ý mà thôi. Giới khoa học vẫn chưa đi đến kết luận về hiện tượng ngáp dễ lây. Ví dụ như chúng ta vẫn chưa thể giải thích tại sao hiện tượng đó không xảy ra mỗi khi có một ai đó ngáp, hay tại sao có một số người ngáp nhưng lại không phản ứng với tính dễ lây của nó.[6] Sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu nữa về những câu hỏi này.

Trong lúc đó, bạn có thể thôi cảm thấy tội lỗi về những lần mình khơi mào cho một "dây chuyền ngáp". Chắc là nó đã xảy đến với tất cả chúng ta rồi mà!

Tài liệu tham khảo