Đố bạn tìm được một ứng dụng nào ở trên Appstore mà không bị thổi phồng...
1. Đánh giá dựa trên cảm nhận chủ quan
Khi một khách hàng nhận xét về một ứng dụng hay trò chơi thì họ hoàn toàn dựa trên trải nghiệm cá nhân của họ. Đó có thể là 10,000 giờ sử dụng liên tục nhưng cũng có thể họ chưa từng mở nó ra lần nào. Tôi cũng là một người viết nhận xét cho các trò chơi và ứng dụng, và việc cài đặt và sử sụng hàng trăm ứng dụng một tháng là chuyện thường tình àm thôi.
Tôi viết về chúng trên blog rất nhiều, và khi thực sự bị ấn tượng hoặc cảm thấy bực mình, tôi sẽ đánh giá về chúng ở bất cứ nơi đâu. Tôi thường hơi thẳng tay khi nhận xét game vì tôi từng là một game thủ trong suốt một thời gian khá dài, và việc tự do thương mại đã mở cửa cho một số lượng không nhỏ những game dở tệ, chẳng có gì hơn ngoài mấy cái hoa hòe hoa sói và quảng cáo, không có giá trị giải trí gì cả. Hãy luôn nhớ rằng khi bạn đọc bất cứ điều gì, thì hãy giữ cảm nhận của riêng bạn.
2. Nhận xét không toàn diện
Đừng chỉ nhìn vào những thang điểm sao, hãy đọc hết toàn bộ nhận xét. Những nhận xét kiểu "cái game này là đồ chết tiệt" hoặc "tôi vẫn không thể dùng flash với ứng dụng này" không có gì là lạ. Dù tôi trân trọng sự đa chiều của các đánh giá này, nhưng chúng hầu như không cung cấp thông tin gì nhiều. Được thôi, Evernote không cho đồng bộ hóa dữ liệu với ứng dụng lịch của bạn, đó không phải vấn đề tôi quan tâm, nên với tôi nhận xét đó cũng chẳng có ý nghĩa gì mấy. Thường thì nhận xét mà bạn đang đọc là của một người hầu như chỉ mới dùng ứng dụng được một giờ.
3. Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng
Bất cứ ai tại bộ phận trợ giúp khách hàng cũng có thể cho bạn biết rằng đa số người mua không rành lắm về công nghệ. Tôi không thể nhớ hết số lần tôi nghe một người khác nói về "một ứng dụng thật tuyệt" nào đó mà họ cho là đã thay đổi cuộc sống của họ. Tôi làm trong lĩnh vực công nghệ và nhận được hàng tá email mỗi ngày từ các nhà phát triển ứng dụng mời chào tôi về một ứng dụng giống như Kool-Aid. Hầu hết những tính năng tuyệt vời của những ứng dụng này chẳng mới mẻ gì, và cũng không dễ dàng sử dụng; chỉ vì một ứng dụng có thể làm tốt một công việc thì không có nghĩa nó là ứng dụng duy nhất, hay là ứng dụng tốt nhất. Hãy tìm hiểu nhiều hơn xem.
4. Các nhà phát triển trả tiền cho các công ty PR để đăng tải nhận xét tích cực
Tôi đã từng làm cho các công ty marketing, PR, và các công ty tư vấn khác, và chuyện trả tiền cho người khác để họ viết các bài trên Wikipedia, blog, mạng xã hội, nhận xét về sản phẩm của họ là chuyện bình thường. Bạn có thể thấy các lời đề nghị này nhan nhản ở mọi nơi từ Fiverr đến Craiglist, eLance và có rất nhiều người sẵn sàng nhận công việc đó. Các nhà phát triển ứng dụng chẳng khác gì những người khác đâu, họ cũng đang cố gắng moi được tiền của bạn thôi, và họ sẵn sàng trả tiền cho những nhận xét tốt về sản phẩm của họ. Hãy luôn nhớ điều này khi đọc những nhận xét trên appstore nhé.
5. Cạnh tranh khốc liệt
Các nhà phát triển ứng dụng không chỉ trả tiền thường xuyên cho các nhận xét tích cực mà họ còn muốn vượt lên nhanh chóng trong cuộc cạnh tranh bằng cách đăng tải những nhận xét tiêu cực về sản phẩm của đối thủ. Đúng vậy - những trải nghiệm tệ hại mà bạn đọc thấy được nhiều khi có thể là một phần của kế hoạch marketing tinh vi của một công ty khác mong muốn lôi kéo bạn về phía sản phẩm của họ.
Có quá nhiều điều đáng ngờ và thật khó có thể biết bạn nên tin tưởng điều gì. Bạn sẽ chẳng thể chắc chắn về một ứng dụng hay một trò chơi nếu chính bạn chưa sử dụng nó, nhưng rất có thể đó chỉ là một ổ đầy virus và mã độc, hoặc là một chiêu trò để khai thác thông tin cá nhân phục vụ cho việc marketing. Hãy luôn luôn cảnh giác, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy khác nhau như Gizmodo, Lifehack, Tom’s Hardware Guide, CNet v.v... Một khi bạn đã chắc chắn rồi, thì tải về thôi.