Bất kể bạn làm công việc gì, bạn cũng sẽ phải gặp những người khó tính.
Trước khi bắt đầu tự kinh doanh, tôi làm việc cho một bệnh viện cộng đồng lớn. Mặc dù đã có những chính sách của tổ chức về quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp, với sự có mặt của các quản trị viên, và một đội được gọi là "chuyên gia", nhưng vẫn có rất nhiều người khó tính trong công việc.
Bên cạnh 9 nguyên tắc dưới đây về quản lý xung đột, thì việc hiểu được các chiến lược đối phó với những người khó tính trong công việc cũng sẽ giúp bạn có thêm một lợi thế.
Tự kiểm điểm và nhận trách nhiệm
Khi cảm thấy chán nản và bối rối về những gì mình làm, bạn nhận ra rằng bạn không phải là nạn nhân của một hoàn cảnh hay của một kẻ phiền toái nào đó. Đó là những gì mà bạn cảm thấy về người khác và về hoàn cảnh đó. Bản thân hoàn cảnh và người khác không khiến bạn cảm thấy bất cứ thứ gì cả.
Nếu bạn đặt mình vào vị trí một nạn nhân bằng việc đổ lỗi cho ai đó về những gì bạn cảm thấy, thì mọi thứ sẽ dễ dàng trở nên dồn dập và gây ra sự bối rối về việc nên làm gì. Hãy tự hỏi bản thân: tại sao mình lại cảm thấy như vậy? Đây là vấn đề của mình và cách mình cảm nhận, hay đây là vấn đề với người khác? Hãy thử tìm hiểu vai trò của những phản ứng của bạn khi ở trong tình huống này.
Đừng tám chuyện
Chia sẻ câu chuyện về những gì xảy ra với bạn và người khác dường như sẽ giúp bạn thấy khá hơn, nhưng trong công việc, sự chia sẻ có thể trở nên độc hại hơn là giúp ích. Điều này là vì việc giao tiếp hàng ngang (giao tiếp giữa các đồng nghiệp) xảy ra trong một tổ chức có thể dễ dàng trở thành một câu chuyện truyền miệng và sau đó trở nên hoàn toàn mất kiểm soát.
Hãy chống lại thôi thúc phải "sửa lại câu chuyện cho đúng" trước khi người khác làm chuyện đó. Nếu bạn được hỏi về tình huống đó, hãy thành thật. Hãy thừa nhận rằng có xung đột, nhưng hãy nói rằng bạn không thoải mái khi thảo luận điều đó ở công ty.
Tìm một giải pháp
Trước khi bắt đầu tìm kiếm một số cách để đối phó với những người khó tính, hãy động não để tìm một giải pháp khả thi.
Hãy suy tính cách nào có thể cải thiện vấn đề hoặc phát triển một mối quan hệ với người khác mà không làm ảnh hưởng đến hình ảnh, quyền riêng tư hay là hiệu quả làm việc của bạn ở công ty.
Nói chuyện trực tiếp với người có liên quan
Sau khi bạn đã tự kiểm điểm và động não về các giải pháp khả thi, hãy yêu cầu được nói chuyện riêng với người khó tính đó, không có sự tham gia của đồng nghiệp nào khác. Nếu bạn lo lắng về hậu quả hoặc đơn giản là không thoải mái khi ở một mình với người đó, hãy nhờ một người khác (chẳng hạn như một đồng nghiệp có trách nhiệm, quản lý hoặc trưởng nhóm) cùng tham gia với bạn trong cuộc trò chuyện. Họ đóng vai trò là người hòa giải, đảm bảo rằng cuộc trò chuyện vẫn mang tính xây dựng và có thể coi như người làm chứng cho những gì đã xảy ra.
Hãy chịu trách nhiệm với những điều bạn nói, hãy nói những câu bắt đầu bằng "tôi" thay vì bằng "bạn". Trên thực tế, cách sử dụng ngôn ngữ này là thay đổi đơn giản nhất mà bạn có thể làm để trở nên tự tin hơn.
Nhớ ghi lại cuộc nói chuyện của bạn
Hãy ghi chép và giữ lại những tài liệu khi bạn nói chuyện với người khó tính kia, ngày tháng, thời gian và các hành động diễn ra. Điều này giúp đảm bảo rằng những ký ức và những cuộc thảo luận trong tương lai về cuộc nói chuyện đó sẽ chính xác và giúp bạn ngăn chặn những xung đột lớn hơn.
Tuân thủ đúng các chính sách và quy trình
Rất nhiều tổ chức có các hệ thống và chính sách để giải quyết xung đột và xử lý những người khó tính trong công việc. Ngoài những tài liệu liên quan, các quy trình này thường liên quan đến cấp trên hoặc một bộ phận quản lý rủi ro để làm trung gian hòa giải giữa bạn và người khó tính kia.
Mặc dù nghe có vẻ rắc rối, nhưng việc tuân thủ đúng theo các chính sách này giúp đảm bảo rằng giá trị của bạn và của tổ chức bạn đang làm là đồng nhất.
Trưởng thành từ những trải nghiệm
Bất kể kết quả như thế nào, hãy nhận thức được rằng mỗi trải nghiệm mà bạn có đều chứa đựng một bài học. Hãy để nó làm tăng khả năng chịu đựng của bạn, nhận thấy được khả năng giải quyết vấn đề của bạn, hoặc nhận ra điểm chưa hoàn thiện trong chính sách và quy trình của công ty bạn, bạn sẽ được lợi từ những trải nghiệm đó đấy.