Bạn nói hay lắng nghe? Bạn ra lệnh hay truyền cảm hứng? Bạn muốn làm sếp hay làm một nhà lãnh đạo? Trong khi tất cả những nhà lãnh đạo đều là các "sếp" tốt, thì chưa chắc các "sếp" có thể trở thành một nhà lãnh đạo. Sự thật là dù cho một người có được đặt vào một vị trí quyền lực, không có gì đảm bảo rằng họ được những người khác tôn trọng hay tuân theo.
Chúng ta đều có thể kể ra khá nhiều "sếp", quản lý hay những người sở hữu doanh nghiệp nhỏ đang ép nhân viên chịu đựng, bị nhân viên lờ đi, hoặc thậm chí, bị nhân viên của mình không tôn trọng một cách công khai. Ngay khi họ bị liệt vào danh sách "sếp tồi", năng suất công ty sẽ nhanh chóng sụt giảm, lượng hàng bán được cũng sẽ giảm, và nhân viên sẽ bắt đầu gửi CV của mình đi những nơi khác trong giờ làm việc.
Tuy nhiên, thật may mắn rằng, chỉ với một ít kiến thức và một ít nỗ lực, mọi "sếp" đều có thể trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực.
Đây là 11 mẹo hướng dẫn bạn cách tự rèn luyện bản thân trở thành một người lãnh đạo được mọi người tuân theo, tôn trọng và ngưỡng mộ.
1. Dùng ngôn ngữ cơ thể mạnh mẽ
Khi nhắc đến ngôn ngữ cơ thể, quy tắc "hãy giả vờ như thế cho đến khi bạn thực sự như thế" sẽ có hiệu quả đáng ngạc nhiên trong việc gia tăng sự tự tin của bạn, cũng như để bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn. Có ba việc bạn có thể làm để nhanh chóng thay đổi ngôn ngữ cơ thể của mình - điều này có thể nhanh chóng cải thiện hình ảnh của bạn và giúp bạn gửi đúng thông điệp đến người đối diện:
- Giao tiếp bằng mắt. Hãy nhìn vào mắt người đối diện khi bạn nói chuyện với họ. Nếu bạn thấy mình đang ở trong những nơi công cộng hay những tình huống ứng xử thông thường, hãy nhìn quanh và nhìn thẳng vào mọi người. Tuy nhiên, đừng nhìn chằm chằm người khác, việc này kinh dị lắm.
- Hãy cười lên! Đúng, những người lãnh đạo tài ba thường hay cười. Họ không nhăn nhó. Họ không có bề ngoài lạnh giá, làm cho người ta sợ buốt sống lưng. Và chắc chắn rằng họ cũng không trông như thể họ vừa mới ngửi thấy một thứ gì đấy kinh tởm. Cười không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Nó là một thông điệp cho thấy rằng bạn là một người thân thiện, dễ gần và tự tin.
- Những hành động mạnh mẽ cho thấy sự tự tin và quyền lực, vì thế, hãy rộng vai ra, hơi ngước mặt lên và hãy đứng thẳng.
2. Hãy có những mục tiêu lớn
Thường thì người ta sẽ nghe theo tầm nhìn lớn mà người lãnh đạo triển khai. Hãy đảm bảo rằng bạn có những mục tiêu rõ ràng và bạn đang ở cùng hội cùng thuyền với mọi người. Công việc của bạn với vai trò một nhà lãnh đạo là giải thích cho nhóm của mình hiểu nhiệm vụ cũng như vai trò của họ trong việc đạt đến mục tiêu.
3. Tập trung vào toàn cảnh
Thường thì bạn sẽ rất dễ bị đánh lạc hướng bởi những xu hướng mới, những thị trường mới và những dự án mới, đồng thời đánh mất cái nhìn bao quát mọi thứ. Việc đạt đến và bảo toàn thành công sẽ đòi hỏi sự kỷ luật, tập trung và rõ ràng trong việc xác định các thứ tự ưu tiên. Khi bạn cố gắng ôm quá nhiều mục tiêu hay ngược lại, cố gắng hạn chế chúng, chất lượng công việc sẽ bị giảm xuống ngay.
4. Hãy tin tưởng và truyền cảm hứng cho nhóm của bạn
Anthony Robbins đã nói rằng: “Một người lãnh đạo thực sự là một người có thể truyền cho người khác cảm hứng để làm những việc lớn lao hơn những gì chính họ có thể tự làm lấy”. Trách nhiệm của một nhà lãnh đạo là truyền cảm hứng, nhận ra và kết nối tài năng của mọi người bằng cách tốt nhất để có thể để đạt đến những mục đích lớn lao hơn.
Đôi khi, bước nhảy lớn nhất bạn có thể làm trên cương vị một người lãnh đạo là bước qua một bên và tin tưởng nhóm của mình hơn. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi những gì người ta có thể làm khi họ được trao trách nhiệm và sự tự do để tự quyết định lấy.
5. Hãy luôn ở bên những người phù hợp
Những người phù hợp, trong trường hợp này, không phải là những người suy nghĩ và hành động y như bạn mà lại là trường hợp ngược lại. Thực ra, chiến lược đạt đến thành công hiệu quả nhất là thuê những người khác biệt, nhiệt tình và thông minh – rồi sau đó lắng nghe những quan điểm của họ.
Cái tôi của chúng ta sẽ rất khó chấp nhận sự thật rằng những ý tưởng tốt nhất sẽ không phải là của chúng ta, mà là của những người cấp dưới có thể là những người giỏi hơn và nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo tài ba, không giống như những kẻ chỉ muốn làm lãnh đạo, sẽ tập trung vào kết quả hơn là vào việc làm cho bản thân họ trông oai phong.
6. Hãy cam kết về độ tin cậy của mình
Không ai tôn trọng một người lãnh đạo không thể giữ lời hứa của mình. Những gì bạn làm sẽ cho người ta thấy nhiều hơn những gì bạn nói. Bên cạnh đó, lời nói của bạn chỉ có giá trị khi chúng từng có giá trị trong quá khứ. Vì thế, hãy tự làm một tấm gương, và đừng bao giờ để người khác có lý do nghi ngờ khả năng của bạn.
7. Hãy sẵn sàng để thách thức sự bình thường
Ý thức và kiến thức thường ngày sẽ rất hiệu quả nếu được áp dụng trong những trường hợp hàng ngày của đa phần mọi người. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo không phải là "đa phần mọi người", và không có gì gọi là "thông thường" hay "phổ biến" với họ trong việc phá vỡ vùng an toàn và đi trên một con đường hoàn toàn khác với mọi người.
Sẽ thật là ngây thơ nếu bạn tin rằng với vai trò một nhà lãnh đạo, bạn sẽ không bao giờ đối mặt với những sự phản đối hay kháng cự từ người khác. Sẽ luôn có người tin rằng việc thực hiện những ý tưởng mới quá nguy hiểm, và họ sẽ tìm một cách tiếp cận khác, thường là sẽ dẫn đến thất bại. Đó là việc hết sức bình thường. Hãy chuẩn bị để thách thức những sự thông thường. Aristotle đã nói: “Chỉ có một cách để tránh sự chỉ trích, đó là: không làm gì, không nói gì, và không là gì cả”. Và Aristotle là thầy của Alexander Đại Đế, vì thế, chúng ta có thể cho rằng ông ấy biết chút gì đó về phương pháp lãnh đạo tài ba.
8. Đầu tư vào giáo dục và luôn sắc bén
Để người khác tin tưởng mình, họ phải tin rằng bạn có đủ khả năng và giỏi giang hơn họ. Bạn nên ưu tiên việc đứng đầu bằng cách luôn rèn luyện những kỹ năng, mở mang kiến thức và cập nhật những trào lưu và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình.
9. Hãy tìm một người hướng dẫn
Được thảo luận với một người mà bạn tôn trọng về công việc, phản biện lại những ý tưởng của bạn, hay để hỏi lời khuyên là một việc rất lợi ích cho bất kỳ người lãnh đạo nào – kể cả một CEO. Niềm đam mê cần được cân bằng bởi sự khôn ngoan – thứ chỉ đến sau rất nhiều năm kinh nghiệm và thất bại liên tục. Bạn có thể chờ để đạt đến sự khôn ngoan này, hoặc bạn có thể tìm một người hướng dẫn để giúp bạn thấy mọi thứ với một tầm nhìn khác biệt – cũng như để tránh những lỗi lầm lớn.
Mọi người thành công - mọi nhà lãnh đạo thành công - đều có những người cố vấn của họ. Bạn cũng nên đi tìm cố vấn cho mình!
10. Đưa ra cách giải quyết
Sẽ luôn có một ai đó đem đến rắc rối cho bạn – đó là cách mà cuộc sống này vận hành. Tuy nhiên, với cương vị một người lãnh đạo, họ sẽ cho rằng bạn luôn có cách giải quyết. Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, bạn cần phải huấn luyện tâm trí của mình sao cho nó luôn luôn lạc quan và tập trung vào cách giải quyết. Không có nghĩa rằng lúc nào bạn cũng phải vui vẻ và phấn khích. Nhưng bạn phải nhớ rằng: không được phép rơi vào tình trạng tuyệt vọng và mất bình tĩnh khi áp lực gia tăng.
11. Công nhận nhân viên của mình
Hãy theo quy tắc mà tôi gọi là Luật PRST: Praise – khen ngợi, Recognize – công nhận, Say Thanks – nói cảm ơn. Những nhà tâm lý học nghiên cứu về năng suất làm việc đã phát hiện rằng: để gia tăng hiệu quả công việc cũng như động lực làm việc của nhân viên, tỷ lệ lời động viên – lời chê bai phải nằm trong khoảng 3:1. Nghĩa là: bạn cần 3 lời khen để trung hòa một lời phê bình. Điều này cũng áp dụng cho những mối quan hệ cá nhân và hôn nhân (tuy nhiên, tỷ lệ này cần nâng lên thành 5:1).
Hãy đảm bảo rằng bạn luôn chú ý đến những lời khen/chê của mình, và hãy cố gắng công nhận người khác vì những gì họ làm. Bộ Lao Động Mỹ đã nói rằng lý do lớn nhất khiến người ta bỏ việc là vì họ cảm thấy rằng họ "không được cảm kích". Nói "cảm ơn" hay khen ngợi người khác vì những gì họ cống hiến đâu có khó khăn lắm! Đừng xem công sức của người khác là điều hiển nhiên, và họ sẽ càng tôn trọng bạn hơn.
Bạn nghĩ thế nào? Bạn đã thực hiện những bước nào để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại?