6 ngày trước
Bí Quyết Biến Cơn Giận Dữ Của Bạn Thành Một Lợi Thế
574

6373
Lượt xem
205
Lượt chia sẻ
32
Lượt bình luận

Chẳng ai thích một người đang giận dữ nhưng đó lại là một cảm giác rất thường gặp ở tất cả chúng ta. Việc đánh mất vẻ hòa nhã và bị mô tả là dễ "đứt cầu chì" thường ngụ ý ngay rằng bạn không thể kiềm chế được những cảm giác tiêu cực bị khơi dậy bên trong con người mình.

Loại năng lượng giận dữ này bị cho là tiêu cực bởi nó tạo ra những cảm giác không tốt trong tâm trí của những người phải hứng chịu cơn giận, và thậm chí làm cho chính người đang giận dữ nhìn nhận không tốt về bản thân mình và thế giới xung quanh.

Nhưng liệu có thể sử dụng nguồn năng lượng xấu này vào việc tốt hay không? Có phải lúc nào cũng nên hiểu nó như là một khuyết điểm có ảnh hưởng nguy hại đến mọi người hay không?


Mặt tích cực của cảm xúc giận dữ

Sự giận dữ được tìm thấy ở hầu hết các loài động vật có khả năng biểu lộ cảm xúc, điều đó cho thấy rằng phải có một lí do nào đó về mặt tiến hóa để giải thích tại sao chúng ta lại có khả năng cảm nhận loại cảm xúc này ngay từ thuở sơ khai.

Lí do đó là sự sinh tồn. Việc của chúng ta là phải phản ứng với các tình huống một cách hiệu quả nhằm sống sót được và nếu chúng ta cảm thấy bị đe dọa, bị tấn công, thất vọng hay bất lực thì chúng ta cần phải để cho bầy đàn của mình biết điều đó để lánh đi hoặc ngăn chặn điều xấu đang xảy ra.

Nhưng cơn giận dữ còn có thể đóng một vai trò quan trọng khác trong đời sống của chúng ta. Các nhà nghiên cứu Jennifer Lerner và Dacher Keltner đã nghiên cứu hiệu ứng của cơn giận và nỗi sợ hãi trên những người ưa mạo hiểm và phát hiện ra rằng cơn giận cho bạn một cách nhìn nhận mối nguy hiểm giống như là niềm hạnh phúc. Điều này có nghĩa là gì? Một người giận dữ sẽ có cái nhìn lạc quan về những nguy hiểm tiềm tàng. Họ có xu hướng nhận lấy sự mạo hiểm nhiều hơn, có nghĩa là thực ra bạn có thể sử dụng thiên hướng cố hữu này để thay đổi các thói quen xấu của mình và tập hình thành các thói quen tốt, theo lời của tác giả sách và nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Marcia Reynolds.

Bí quyết sử dụng cơn giận dữ một cách tích cực

Reynolds tiếp tục giải thích rằng, “kĩ năng cần có ở đây là chuyển hướng sự tập trung của cơn giận tách ra khỏi những hoàn cảnh bên ngoài và thay vào đó là tập trung vào những gì bạn khao khát mong muốn thay đổi trong chính con người mình. Không phải ông sếp khó ưa hay những trách nhiệm chồng chất ngập đầu là thứ khiến bạn la hét vào những người lạ khi lái xe trên đường. Bạn nên giận dữ vì mình đã mất quá nhiều thời gian mới nhận ra rằng mình có năng lực để thay đổi hoàn cảnh. Hãy dùng cơn giận của bạn để khởi phát những sự chuyển đổi tích cực cần thiết để thay đổi cuộc đời mình."

Vậy làm thế nào chúng ta có thể sử dụng cơn giận một cách tích cực và thay đổi thế giới nội tại cũng như cách chúng ta nhận thức thế giới bên ngoài?

Nhận diện cơn thịnh nộ của bạn là bước đầu tiên cần làm

Việc ý thức rõ khi nào mình bắt đầu bước vào những cảm giác giận dữ có vẻ là một việc khó nhưng làm việc đó ngay tức thì sẽ giúp bạn rèn luyện sự tự ý thức về bản thân theo cách tích cực. Nghe có vẻ chẳng đáng là bao nhưng đó là một nguồn sức mạnh nội tại sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi được bạn dùng đến càng nhiều. Sức mạnh nội tại này sẽ phục vụ cho bạn suốt đời, do đó thực tế là bạn đang phát triển những công cụ cảm xúc có thể giúp mình thư giãn. Việc học cách tự tách mình ra khỏi ngoại cảnh và dùng những kĩ thuật hít thở để bình tâm trở lại sẽ giúp ích trong nhiều tình huống căng thẳng khác mà bạn phải đối mặt sau này.

Hãy sử dụng cơn giận để học cách xung đột có hiệu quả

Giận dữ thường đồng nghĩa với tranh cãi. Nếu bạn thấy mình khá hung hăng khi đang ở trong trạng thái giận dữ và thích tranh cãi, thì có nghĩa là bạn có một cơ hội để thực hành tự ý thức về bản thân nhiều hơn. Các kĩ thuật như giảm tốc độ lời nói, ngắt hơi và hít thở, và hạ giọng, đều có thể giúp tâm trí bạn lắng dịu xuống ngay lập tức. Thậm chí bạn còn có thể phát hiện ra những người khác bắt chước cách của mình nhằm xoa dịu tình hình.

Đó cũng là một cơ hội để xem xét người đang tranh luận với bạn và lí do tại sao họ lại có quan điểm như vậy, và hãy làm điều đó mà không phán xét gì cả. Có thể họ không hiểu những gì bạn đã nói hoặc họ cũng không ý thức được cảm giác của bạn trong lúc giận dữ. Những khoảng thời gian như thế là một cơ hội tuyệt vời để tự hoàn thiện mình, tự ý thức bản thân và học cách cảm thông.

Hãy biến nguồn năng lượng giận dữ thành động lực

Giận dữ là một cảm xúc thiết yếu cần có bởi nó cho phép ta xử lí những cảm giác tiêu cực và cuối cùng buông bỏ một tình huống nào đó trong cuộc sống. Khi cơn giận trở nên dữ dội và dai dẳng, đó là lúc nó có thể hủy hoại sức khỏe tổng quát của chúng ta.

Việc chuyển đổi nguồn năng lượng tiêu cực thành thứ gì đó tích cực là cách tốt nhất để đối phó với cảm giác thịnh nộ. Hoạt động thể chất là cách tốt nhất để làm điều này vì giận dữ khiến cơ thể chúng ta được tăng lực. Nếu bạn cần cải thiện thành tích trong bất kì một hoạt động thể chất nào như chạy bộ, bơi lội hay bất kì môn thể thao chú trọng thành tích nào đó, thì việc tập luyện trong trạng thái giận dữ sẽ giúp bạn cải thiện thành tích cá nhân của mình.

Mặt tốt của giận dữ, đặc biệt khi nói đến hiệu quả làm việc, là ở chỗ bạn có thể lựa chọn dùng nó để tiếp thêm năng lượng cho niềm khao khát làm việc của mình hơn là tập trung vào những sai lầm. Thậm chí nó còn có thể giúp dẫn đến các phát kiến và giải pháp hiệu quả. Bằng cách này, bạn đang gạt bỏ đi những năng lượng tiêu cực hướng về phía cảm giác giận dữ và tập trung hướng chúng nhiều hơn về phía tìm ra một giải pháp tích cực.

Hãy dùng cơn giận như một cơ hội để trưởng thành hơn

Giận dữ có thể là một vấn đề nhưng hãy hiểu rằng đó là một phần thiết yếu của con người cũng như của sự hồi phục cân bằng về cảm xúc của chúng ta. Nếu bạn tự thấy mình rất dễ bị chọc giận thì nghĩa là bạn đã để nó ăn sâu vào bản tính của mình nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng điều đó không nhất thiết là xấu. Hãy thẳng thắn xem điều đó như một cơ hội để học và hiểu thêm về bản thân mình cũng như những khả năng của mình. Hãy ý thức rằng đó là một cơ hội để hình thành thói quen sống dựa vào sức mạnh nội tại của mình, tạo ra các giải pháp cho những vấn đề, thấu hiểu người khác tốt hơn và thậm chí tiếp thêm động lực theo hướng giúp bạn đạt được thành tích cao hơn.

Giận dữ không nhất thiết là xấu đến thế. Hãy để nó dạy cho bạn trưởng thành lên.