3 tuần trước
13 Kỹ Năng Lắng Nghe Hiệu Quả Để Cải Thiện Chất Lượng Cuộc Sống Và Công Việc
744

13.4K
Lượt xem
75
Lượt chia sẻ
15
Lượt bình luận

Lắng nghe gần như là một trong những kỹ năng lãnh đạo và kinh doanh bị xem nhẹ nhất. Chúng ta đều biết rằng lắng nghe là một yếu tố sống còn đối với công việc, những không phải ai cũng đầu tư thời gian cần thiết để có thể trở thành người biết lắng nghe.

Kể cả khi chúng ta cố gắng để có khả năng lắng nghe tốt hơn, thì chúng ta vẫn sống trong một kỷ nguyên của những thứ làm ta sao nhãng. Từ những danh sách việc cần làm không có hồi kết đến khao khát cháy bỏng để luôn phù hợp với truyền thông xã hội và tiến bộ công nghệ, có hàng nghìn yếu tố khiến khả năng lắng nghe luôn là một thách thức.

Khi tôi đến tuổi trưởng thành, lời khuyên duy nhất về việc lắng nghe là giao tiếp bằng mắt với người nói và ngả người. Suy nghĩ lúc đó là ngả về phía người nói sẽ là làm tăng khả năng thấu hiểu và gây ấn tượng rằng bạn đang luyện tập khả năng lắng nghe.

Tuy nhiên, nghe những gì một người đang giao tiếp còn liên quan đến nhiều thứ khác ngoài cử chỉ của chúng ta. Đương nhiên, ngôn ngữ cơ thể là quan trọng, nhưng nó chỉ thể hiện một khía cạnh, không phải tất cả. Kỹ năng nghe chủ động đòi hỏi rất nhiều bước. 

1. Nghe với mục đích để hiểu

Đây là yếu tố then chốt của nghe chủ động. Khi bạn lắng nghe với mục đích để hiểu, bạn sẽ nghe với trí não thông suốt thay vì suy diễn.

Khi bạn giao tiếp với mục đích thấu hiểu, bạn sẽ hỏi những câu hỏi xác đáng đúng lúc (trái với việc chen ngang để chia sẻ câu chuyện khác) để chắc chắn rằng thông điệp mà bạn nhận được là điều mà người nói truyền tải.

Nghe với mục đích để hiểu đồng nghĩa với tham gia vào một cuộc trò chuyện với sự quan tâm thực chất muốn lưu giữ những gì người nói truyền đạt và chú ý tiếp nhận mọi tín hiệu từ cuộc trò chuyện như lời nói, cử chỉ và những điều đã và chưa được nói ra. 

2. Hạn chế việc chen ngang

Khi luyện tập khả năng nghe, hạn chế chen ngang là điều quan trọng. Cứ để người nói truyền tải hết suy nghĩ trước khi chen ngang với những câu hỏi hoặc đính chính của bạn về những gì họ nói.

Rất nhiều lần, những bình luận của người khác làm lóe lên những suy nghĩ trong chúng ta và chúng ta sẽ cắt lời họ. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, chen ngang có thể có nghĩa là, "Này, tôi biết nhiều hơn ông đấy," hoặc tệ hơn "Ông mất quá nhiều thời gian để vào trọng tâm và tôi không có thời gian để nghe những thứ ông nói."

Nếu người ta có cảm giác họ không được lắng nghe, họ sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng một mối quan hệ đáng tin cậy với bạn.

3. Xử lý ngay những gì bạn nghe thấy

Xử lý những gì bạn nghe thấy là việc bạn tự hỏi cách nhìn của bạn có đánh giá thái quá những gì người khác đang nói hay không, là việc bạn có đủ thành thật để biết liệu mình có đang "thêm thắt" gì vào những lời người khác nói hay không.

Lấy ví dụ, nhiều tuần trước, tôi có một bữa tối quan trọng với hai đối tác. Tôi dành nhiều thời gian để chải chuốt mái tóc và đảm bảo mình trông bóng bẩy và chỉnh tề. Khi tôi đến dùng bữa, đối tác nói "Ồ, ông có mái tóc trông giống những năm 1960."

Đấy không phải phong cách của tôi.

Ngay lập tức tôi nghe thành "Tóc anh xấu quá." Trong vài phút của bữa tối, tôi nghĩ về điều người kia nói và so sánh với điều tôi nghe đã được chỉnh sửa bởi sự băn khoăn về kiểu tóc của tôi bằng cách tự hỏi. Đến cuối cùng, tôi đã thấy được sự khác biệt nhờ việc giao tiếp với phần con người quá nhạy cảm của mình.

Nếu tôi không xử lý được cuộc trò chuyện của mình, tôi chắc chắn có thể đã kẹt trong những suy diễn của mình hoặc đối xử kiểu khác với đồng nghiệp dựa trên những thứ ban đầu nghe giống như bị xúc phạm.

4. Phản hồi lại

Hai người đang trong cuộc trò chuyện không có nghĩa cả hai phải nghe cùng một thứ. Mỗi chúng ta đều mang trong mình weltanschauung, trong tiếng Đức nghĩa là "cách nhìn thế giới", của riêng mình khi trò chuyện, và nó sẽ định hình việc nghe gì và nghe như thế nào.

Nếu bạn là một nhà quản lý, có thể bạn sẽ rơi vào trường hợp giao một dự án cho một nhân viên và chờ đợi kết quả. Khi dự án vừa được hoàn tất, bạn thấy khó hiểu khi biết rằng nhân viên của bạn làm rất tốt việc bạn chưa bao giờ cần hay yêu cầu. 

Phản hồi là một công cụ hữu hiệu để tăng sự thấu hiểu, truyền tải sự quan tâm đối với người nói và đảm bảo bạn lắng nghe những gì người kia muốn nói.

Phản hồi có hiệu quả nhất trong trao đổi giữa hai người hoặc trong nhóm nhỏ. Nếu bạn đang trong một buổi thuyết trình hoặc sự kiện lớn, bạn có thể sẽ không có cơ hội phản hồi những gì bạn nghe được. Tuy nhiên, nếu bạn đang làm việc hoặc gặp mặt người thân hoặc bạn bè, hãy luyện tập phản hồi những gì bạn nghe được và hỏi người nói xem bạn có tiếp thu đúng những gì họ nói không.

Cách làm rất đơn giản: Bạn nghe một cuộc trò chuyện và cố gắng thu nhận nhiều nhất có thể.

Nếu người bạn đang nói chuyện nêu ý kiến xong, hãy hỏi nếu bạn thấy ổn khi phản hồi những gì bạn nghe thấy từ người nói. Sau đó đưa ra những điểm nhấn của cuộc nói chuyện thể hiện sự thấu hiểu của bạn. Sẽ rất tốt cho bạn và sự xác nhận đối với người nói.

5. Hạn chế sự phân tâm

Từ điện thoại di động và truyền thông xã hội tới những cuộc đối thoại đồng thời trên truyền hình hoặc ứng dụng âm nhạc, bất cứ khi nào cũng có hàng nghìn vật dụng đang giành lấy sự chú ý của bạn.

Nếu bạn đang trong một cuộc đối thoại, cố gắng hạn chế phân tâm. Hãy rèn luyện việc chú ý vào một thứ khi người khác đang nói chuyện với bạn, và đó chính là những điều người kia đang nói. Trong khi đa số mọi người tin rằng họ có khả năng làm nhiều việc, thì nghiên cứu lại chỉ ra rằng không ai có thể làm tốt điều đó. 

David Sanbonmatsu, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Utah và là chủ biên của một nghiên cứu về sự phân tâm nói:

“Con người không đa nhiệm vì họ giỏi chuyện đó. Họ làm như vậy là do họ bị phân tâm.”

Nói cách khác, có nhiều chuyện xảy ra khiến người ta cảm thấy bắt buộc phải làm nhiều việc một lúc. Kết quả là khả năng lắng nghe sẽ kém đi.

Lần sau khi bạn đang nói chuyện, hạn chế những thứ xung quanh làm bạn phân tâm. Để điện thoại xa khỏi tầm với, tắt hoặc vặn nhỏ tiếng tivi, và trong những phút sắp tới, tập trung hoàn toàn vào người đang nói chuyện với bạn.

Kể cả khi bạn tin rằng mình có thể làm nhiều việc một lúc, hãy nghĩ về việc liệu người kia có tin rằng bạn hoàn toàn chú ý tới họ. Nếu người kia không tin bạn đang chú ý nghe, bạn có thể sẽ làm đứt mạch suy nghĩ của người kia vì họ phải tốn sức vào việc nghĩ xem nên làm gì để giành lấy sự chú ý của bạn.

Lấy ví dụ, trong chuyên môn của tôi, tôi luôn ở vị trí giới thiệu trước nhiều người một lúc. Khi tôi đang nói trước một người hay một nhóm, tôi sẽ gặp khó khăn để tập trung vào bài nói nếu người nghe cứ dán mắt vào máy tính hay điện thoại di động.

6. Giao tiếp bằng mắt

Tôi đã từng nghe rất nhiều người nói họ có thể nghe được kể cả khi mắt họ đang nhìn thứ khác. Nghe chủ động là việc nghe sử dụng toàn bộ cơ thể và các giác quan.

Để cải thiện hoặc nâng cao khả năng lắng nghe, hãy nhìn vào người đang nói. Tạo sự giao tiếp bằng mắt với người kia qua những lời họ nói. Điều này cho phép bạn thu nhận những lời người kia nói cũng như những biểu hiện trên gương mặt và cử chỉ.

Tôi hứa với bạn, sẽ không có chuyện bạn không thu được gì từ cuộc đối thoại nếu bạn luôn chú ý đến người nói.

7. Ngả người

Trước khi COO của Facebook là Sheryl Sandberg ra cuốn sách Ngả người, tôi đã được dạy rằng ngả là một cách hữu hiệu để báo hiệu cho người nói là bạn đang lắng nghe những gì họ nói.

Để giao tiếp với các giảng viên, đồng nghiệp và các nhà tư vấn khi tôi đang nghe họ nói, tôi học cách sử dụng cả hai tai và cơ thể.

Tôi cũng sớm học được rằng nếu tôi đang mệt hoặc nói cách khác là bị hạn chế khả năng thể hiện, ngả người giúp tôi có một luồng năng lượng cần thiết để lắng nghe tốt hơn.

Tôi hứng thú với lời khuyên này tới tận hôm nay. Khi tôi đang nói chuyện và tôi cực kỳ chú ý tới những gì người đó nói, tôi sẽ ngả người về phía họ nếu hai người đang ngồi cạnh hoặc đối diện nhau.

Nếu tôi đang đứng cạnh người nói, tôi sẽ đứng đủ gần với người đó để nói rằng tôi hứng thú với cuộc đối thoại và với người đó.

8. Hỏi những câu hỏi làm rõ

Để đảm bảo bạn đang lắng nghe những gì người khác đang nói, hãy xác nhận với người nói khi họ đã nói xong với những cụm từ hoặc câu hỏi như "Có phải những điều tôi nghe bạn nói là... " hoặc "Theo những điều bạn vừa nói, có ổn không nếu cho là... "

Bạn có thể hỏi người kia, "Tôi có thể đến đâu để biết thêm về điều đó?" Tương tự, nếu sau khi nghe đầy đủ những gì người kia nói, bạn vẫn không hiểu người kia đang nói về chuyện gì, đừng ngại khi hỏi "Tôi không hiểu. Bạn nói cụ thể hơn được không?"

9. Tỏ ra tò mò

Một vài trong số những khám phá tuyệt vời nhất được tìm ra nhờ vào sự tò mò của một nhà phát minh. Trong khi tò mò là món quà đối với sự đổi mới, nó cũng rất hữu ích với sự lắng nghe.

Khi bạn tò mò, bạn háo hức được có thêm thông tin. Bạn chú ý đến những điều tế nhị và những thông điệp rõ ràng. Kể cả khi cuộc nói chuyện kết thúc, cái đầu tò mò của bạn lại tiếp tục phân tích những gì bạn vừa nghe.

10. Đặt mình vào vị trí của người khác

Đặt mình vào vị trí người khác là rất khó nhưng lại cần thiết. Nếu muốn có khả năng lắng nghe tốt hơn đòi hỏi bạn phải làm được điều này.

Để trở thành người nghe chủ động bạn phải tạm thời tưởng tượng rằng mình đang đi trên con đường của người kia và cảm nhận những gì họ cảm thấy. Nghe chủ động là việc phát triển sự đồng cảm với người nói.

Khi bạn đang đối diện với cuộc sống thông qua lăng kính của người nói, sẽ dễ dàng hơn để có hứng thú khi lắng nghe.

11. Ngưng phán xét

Để rèn luyện khả năng nghe chủ động, bạn phải ngưng phán xét.

Khi bạn phán xét, bạn đưa ra những kết luận ban đầu. Trong lúc nói chuyện, bạn sẽ nghe để tìm thông tin bổ trợ cho kết luận mà trước đó bạn đưa ra.

Nếu như vậy, rất khó để nghe rõ được người kia đang nói gì. Điều này gần giống việc bạn chơi bingo và chỉ chăm chăm nghe những từ nằm trong bảng bingo của bạn.

Bất cứ điều gì khác đều gây phân tâm vì lúc này bạn đang có việc để làm. Ngưng phán xét không có nghĩa bạn nghe vô thức. Mà điều đó có nghĩa bạn phải lắng nghe với khả năng bạn sẽ hiểu sai. Điều đó có nghĩa bạn phải lắng nghe với sự cởi mở.

Không thể có chuyện rèn luyện lắng nghe một cách sâu sắc mà không sẵn sàng tạm ngừng phán xét.

12. Ghi chú lại

Một cách để không phải chen ngang khi một người đang nói là ghi chú lại.

Ghi chú cho phép bạn lưu giữ những suy nghĩ của mình, trong khi việc ghi lại khoanh vùng giúp cho việc theo dõi người nói. Chúng cũng cho người bạn đang nói chuyện biết bạn đang lắng nghe những gì họ nói.

13. Từ bỏ tham vọng luôn là người đúng

Khi bạn đang nỗ lực để chiến thắng một cuộc tranh luận, bạn tham gia cuộc đối thoại với sự toàn tâm toàn ý để chiến thắng. Thật ra bạn không thể lắng nghe những gì người kia nói vì bạn còn đang mải chứng minh mình đúng.

Tuy nhiên, nghe chủ động đòi hỏi phải từ bỏ nhu cầu làm người đúng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi có thể nghe được rất nhiều từ người kia khi bạn không chỉ nghe theo kiểu của bạn.

Dù tôi biết những thứ làm bạn phân tâm sẽ không biến mất sau một đêm, nhưng bạn vẫn mạnh mẽ hơn mọi sự xao nhãng mà bạn gặp phải.

Với sự rèn luyện kèm theo những công cụ hỗ trợ, bạn có thể lắng nghe tốt hơn. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp sẽ cảm ơn bạn vì điều đó. Và ai biết được, có thể họ sẽ được bạn truyền cảm hứng và rèn luyện để có khả năng lắng nghe tốt.

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com