Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác thất vọng và những trải nghiệm đau đớn. Thay vì chúng ta giữ điều đó như một bài học cho bản thân và tiếp tục tận hưởng cuộc sống tuyệt vời này thì chúng ta thường bị đè nặng bởi những nỗi đau và gánh nặng của cảm giác bị phản bội. Nhưng những điều đó có thể vượt qua, tôi ở đây để nói rằng ngay bây giờ là thời khắc tốt nhất để chữa trị những nỗi đau tâm hồn.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn cách để tha thứ và bạn lại có thể sống một cuộc sống hạnh phúc lần nữa. Tôi sẽ đưa ra chính xác các bước để bạn có thể tha thứ cho người đã làm tổn thương bạn.
Tôi thường thấy mọi người bị vấp ngã và mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn bởi vì họ tin rằng nếu họ tha thứ, thì những tổn thương và cảm giác bị phản bội đó sẽ được xem là chưa từng xảy ra. Những người bị tổn thương cảm thấy rằng khi một ai đó làm gì sai thì họ không đáng được bỏ qua, hay không đáng được tha thứ.
Nhưng điều đó thật sự không đúng. Chúng ta không phải tha thứ cho người khác vì lợi ích của họ và chúng ta cũng không phải cố gắng giả vờ rằng không có gì xảy ra. Thay vào đó, chúng ta tha thứ cho chính mình. Chúng ta làm điều đó để có thể vượt qua những nỗi đau.
Một lý do khác khiến chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc tha thứ là vì chúng ta cảm thấy việc đó như phản bội lại chính mình, hoặc chúng ta cảm thấy khi tha thứ, chúng ta như đang phơi bày rằng chúng ta dễ bị tổn thương và sẽ bị tổn thương một lần nữa.
Những nỗi đau và vết thương có thể để lại cảm giác cay đắng, oán hận và giận dữ trong nhiều năm. Có những lúc chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân vì những điều người khác đã làm. Nhưng bạn có nghĩ rằng chính cảm giác đó chống lại bạn thay vì bảo vệ bạn. Chúng ta như bị cầm tù trong những nỗi đau đó. Vậy làm cách nào để sống hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống từ thời điểm đó đây?
Có những nghiên cứu khoa học cho thấy sự liên kết giữa tha thứ và sức khoẻ. Bác sĩ tâm thần Karen Swartz đến từ bệnh viện Johns Hopkins chia sẻ rằng: "Có một gánh nặng lớn về thể chất khi bị tổn thương và thất vọng". Bà cũng chỉ ra rằng những cơn tức giận lâu năm sẽ khiến chúng ta rơi vào phản ứng căng thẳng cấp tính dẫn đến nhiều thay đổi về nhịp tim, huyết áp và hệ miễn dịch. Bên cạnh những thay đổi đó còn làm tăng nguy cơ trầm cảm, bệnh tim và bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên sự tha thứ có thể ít dẫn đến tình trạng căng thẳng và lo lắng hơn, một mối quan hệ lành mạnh mà thân thiết hơn, trái tim khoẻ mạnh, huyết áp thấp hơn, giảm các nổi đau về thể xác, ngủ ngon hơn, chức năng hệ miễn dịch cải thiện tốt hơn và nhiều hơn nữa. Một điều rất đơn giản, bằng cách tha thứ, chúng ta được chữa lành từ bên trong lẫn bên ngoài.
Cho đến lúc chúng ta chấp nhận tha thứ, chúng ta vẫn là người phải trả giá đắt nhất. Chúng ta sẽ bị quá tải khi mắc kẹt trong những cảm xúc tổn thương quá lâu, kéo theo những ảnh hưởng đến các mối quan hệ hiện tại. Chỉ khi chúng ta thật sự tha thứ, chúng ta mới giải phóng khỏi các nỗi đau, tổn thương và tức giận. Nếu vẫn giữ chúng bên mình, chúng ta sẽ đánh mất đi những giá trị thực tại đồng thời đang dần huỷ hoại sức khoẻ chính mình.
Điều này có nghĩa là: bằng cách tha thứ chúng ta đối mặt được với những nỗi đau và sự phản bội. Người được chúng ta tha thứ đã tự gieo một quả xấu cho chính họ.
Chỉ khi chúng ta tha thứ, chúng ta mới thật sự tự do. Khi chúng ta chỉ tập trung vào sự oán giận đối với người khác hay thậm chí là chính mình, chúng ta sẽ không lắng nghe được tiếng nói của tâm hồn. Khi buông bỏ, chúng ta sẽ lắng nghe được nhiều hơn.
Tha thứ cần sự can đảm bởi vì bên cạnh những vấn đề cá nhân và những nỗi đau, chúng ta luôn có quyền lựa chọn để đánh giá toàn bộ cục diện, và để tận dụng niềm vui và lòng trắc ẩn bên trong chúng ta. Cuối cùng chúng ta sẽ giải phóng trái tim khỏi nhà tù oán hận và mở ra một con đường mới và đón nhận cuộc sống như chúng ta hằng mơ ước.
"Tha thứ là một quyết định có ý thức và là một trạng thái tư duy mà chúng ta có thể luyện tập mỗi ngày được". Sau đây là một số bước dễ dàng giúp cho bạn bắt đầu cuộc hành trình tha thứ của chính mình:
1. Kết nối với cảm xúc của bạn
Hãy bỏ qua việc phán xét về mặt danh dự. Hãy nhẹ nhàng với bản thân và đón nhận những điều đang đến. Chấp nhận những việc xảy ra mà không đổ lỗi cho ai. Bạn có thể viết ra suy nghĩ và cảm xúc cá nhân để hiểu rõ mình đang nghĩ gì.
Kế đó, hãy tự hỏi bạn có thể làm gì để tìm ra lối thoát và vượt qua những cảm xúc đó: nó có thể là đi dạo, hoà mình vào thiên nhiên, làm một việc gì đó sáng tạo (vẽ, tô màu mandala, hát, chơi nhạc,...), viết một lá thư tha thứ, trò chuyện với người thân để nhận được những lời khuyên.
2. Bỏ qua quá khứ
Để sống tốt hơn, chúng ta cần bỏ qua quá khứ và sống cho hiện tại. Chúng ta thường mang theo những ký ức buồn bã, bị chúng đè nặng và che khuất tầm nhìn khiến chúng ta cảm thấy bế tắc. Nếu không thực hành việc xoá bỏ thường xuyên, những cảm xúc tiêu cực sẽ tồn đọng và tinh thần bị rối loạn. Điều này che khuất đi tầm nhìn khiến chúng ta không thể bước tiếp đến cuộc sống hạnh phúc hơn.
Hãy thực hành sống cho thời khắc hiện tại bằng cách ngồi yên tĩnh và cảm nhận hơi thở, hay đơn giản là đi ra ngoài đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên ở xung quanh.
Bạn cũng có thể bắt đầu thử viết nhật ký. Giải phóng bản thân bằng cách hỏi và trả lời những câu hỏi như: Mình sẽ là người như thế nào nếu không có những nỗi đau và sự tức giận này? Cuộc sống của mình sẽ khác như thế nào?
3. Lấy lại năng lượng sống
Hãy bắt đầu viết nên câu chuyện mới cho bản thân. Bạn sinh ra không phải là một nạn nhân và không phải bạn chỉ tha thứ một lần trong đời, bạn còn phải làm việc này nhiều lần hơn nữa. Không ai có quyền làm bạn cảm thấy khó chịu nếu không có sự đồng ý của bạn.
Khi những nỗi đau lặp lại, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn chọn cách tha thứ. Bạn chọn việc lấy lại năng lượng sống và bạn chọn tình yêu thương. Tôi đã quả quyết với bản thân mình như vậy và nó thật sự có ích:
"Hôm nay là ngày quá hoàn hảo cho tôi lấy lại năng lượng sống của mình, vì tôi yêu bản thân mình đủ để buông bỏ những ký ức buồn và cảm xúc tiêu cực. NGAY BÂY GIỜ, tôi chọn tự do và hạnh phúc"
Sẵn sàng thay đổi cần xuất phát từ sâu thẳm bên trong chúng ta. Chúng ta tìm ra nó khi chúng ta bắt đầu tin rằng cuộc sống có mục đích, có niềm vui, và những mối quan hệ tràn đầy tình yêu và ý nghĩa.
4. Rút ra bài học kinh nghiệm
Mỗi chuyện xảy ra đều mang đến cho chúng ta bài học quý giá. Đôi khi chúng ta phải vượt qua những khó khăn thử thách, nhưng điều đó giúp ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Cho dù chúng ta nghĩ rằng những chuyện xảy ra thật không công bằng, nhưng đó là một phần trong cuộc sống này. Nếu chúng ta mở lòng ra nhìn nhận thì khoảng thời gian khó khăn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành và có được những quan điểm và cách nhìn nhận mới. Tôi đã thấy nhiều người vượt qua được những khó khăn, và những gì đã qua chính là chất xúc tác khiến cho cuộc sống họ thú vị và tươi mới hơn.
5. Ban tặng tình thương
Khi bạn đã hoàn thành những bước trên, bạn đã sẵn sàng cho đi tình thương đến những người đã tổn thương bạn. Tôi biết rất khó để bắt đầu, nhưng đã đến lúc chúng ta nên thay đổi. Thay vì chỉ trích họ, hãy yêu thương họ. Khi bạn làm điều đó, cả hai sẽ không còn mắc nợ gì nhau nữa, và khi đó bạn không bị ràng buộc bởi điều gì cùng với một trái tim hân hoan.
Một điều nữa trong quá trình tha thứ đó chính là bạn cần phải tha lỗi cho chính mình. Có lẽ chúng ta thường phán xét về những kỳ vọng của chính mình và chúng ta thường nghĩ về những việc nên làm thế này hay thế khác.
Tuy nhiên, khi chúng ta tha thứ, chúng ta phải từ bỏ các suy nghĩ rằng quá khứ có thể khác đi hoặc tốt đẹp hơn. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ vì vậy chúng ta không nên để quá khứ giữ chân mình. Thay vào đó chúng ta hãy xem xét những việc đã xảy ra để rút ra những kinh nghiệm sống. Khi đã hiểu rõ những vấn đề, chúng ta hãy gấp lại những trang sách của quá khứ và lật tiếp trang sách mới của đời mình.
Tha thứ cho chúng ta nguồn năng lượng tích cực.
Khi chúng ta tha thứ chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình yên, hi vọng, niềm vui, sự trải nghiệm hoàn toàn. Khi ấy, chúng ta sẽ có được điều chúng ta đáng có, chính là tình yêu. Khi chúng ta tha thứ, chúng ta được quyền kiểm soát cuộc sống chính mình.
Sự tha thứ cho chúng ta cảm giác tự do. Nếu không, chúng ta cứ sống và mắc nợ những cảm xúc đó.
Hãy bắt đầu với những bước tôi đã đề cập ở trên và bạn cũng sẽ có được cuộc sống hạnh phúc.
Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com