Ngáy không phải là hiện tượng gì xa lạ - tất cả chúng ta đều đã từng trải qua chuyện đó, ít nhất là một lần. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra đều đặn thường xuyên thì đó thực sự là vấn đề đấy. Bạn cảm thấy mệt mỏi và lo sợ, và người ấy của bạn cũng thế, khi cứ bị bạn làm cho trằn trọc suốt đêm, từ đó gây ra những vấn đề cho mối quan hệ, bên cạnh những vấn đề về sức khỏe. Bạn thấy mình khó tập trung vào những công việc hằng ngày, và nghiêm trọng hơn là, bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp và mắc các vấn đề về tim cao hơn. May mắn cho bạn (và cho người ấy của bạn nữa) là có những giải pháp hữu hiệu có thể chặn đứng thói quen gây khó chịu hằng đêm này.
Điều gì xảy đến với cơ thể khi chúng ta ngáy?
Theo Quỹ Giấc Ngủ Quốc Gia[1], xấp xỉ 90 triệu người Mỹ ngáy khi ngủ, và có 37 triệu người ngáy thường xuyên. Những người thừa cân, những người có lưỡi hoặc amiđan quá to sẽ dễ ngáy hơn. Thêm vào đó, khi lớn tuổi hơn thì bạn sẽ dễ ngáy hơn vì cổ họng bị thu hẹp lại. Ngoài ra, nếu bạn mắc các vấn đề về xoang, hút thuốc lá, uống rượu, hoặc thường xuyên ngủ trong tư thế nằm ngửa thì bạn cũng dễ ngáy hơn.
Thông thường khi chúng ta ngủ, luồng không khí mà ta hít vào sẽ đi thẳng từ miệng hoặc mũi xuống đến phổi. Sự tắc nghẽn một phần của con đường lưu thông không khí này sẽ khiến các mô xung quanh của khẩu cái mềm (ngạc mềm) và lưỡi gà rung động, từ đó tạo ra tiếng ngáy quen thuộc gây khó chịu. Khi bạn tỉnh thức, các cơ ở vùng họng giữ các mô đó và ngăn chúng rung động. Nhưng khi bạn ngủ, các cơ đó thư giãn và khiến bạn có thể ngáy.
Những nguyên nhân nào có thể gây ngáy?
Cân nặng của bạn có thể là nguyên nhân khiến bạn ngáy
Những người thừa cân sẽ có phần mô ở vùng họng dày hơn, bởi vì khi tăng cân thì họ cũng tăng thêm khối lượng ở vùng cổ, làm tắc nghẽn luồng không khí và từ đó gây ra hiện tượng ngáy. Do đó kể cả khi bạn chưa từng ngáy bao giờ, thì khi tăng cân bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu mình bắt đầu ngáy nhé.
Bạn có thể mang các yếu tố nguy cơ về mặt di truyền gây ngáy
Nếu bạn sinh ra đã có nhiều mô ở vùng họng, có tình trạng tăng kích thước của lưỡi, amiđan, khẩu cái mềm hoặc lưỡi gà, thì đó là những điều kiện hoàn hảo để gây ngáy.
Những người uống rượu hoặc hút thuốc lá sẽ dễ ngáy hơn
Như đã đề cập ở trên, khi các cơ ở vùng họng thư giãn, bạn có thể sẽ ngáy - và việc uống rượu trước khi đi ngủ nhất định sẽ làm thư giãn các cơ đó.
Một yếu tố nguy cơ khác gây ngáy là hút thuốc lá. Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp Chí Hô Hấp Và Y Khoa Chăm Sóc Đặc Biệt Mỹ (American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine)[2], thì hiện tượng ngáy thường xuyên đến mức thành thói quen sẽ thường gặp hơn ở những người hút thuốc lá, và cả ở những người chưa từng hút thuốc lá nhưng có hít khói thuốc thụ động đều đặn hằng ngày.
Tư thế khi ngủ và tình trạng dị ứng cũng có thể là nguyên nhân gây ngáy
Nếu mũi của bạn bị nghẹt do dị ứng, bạn sẽ buộc phải thở bằng miệng và rất dễ ngáy. Ngoài ra việc ngủ trong tư thế nằm ngửa sẽ làm các cơ vùng họng giãn ra và gây ngáy.
Bạn có thể làm gì để hết ngáy?
Vấn đề quan trọng nhất khi muốn tìm ra một biện pháp giải quyết hiện tượng ngáy là phải xác định nguyên nhân gây ra nó và sau đó tìm cách khắc phục tương ứng. Nếu vấn đề này không dừng lại và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày thì tốt nhất là bạn nên tìm đến những lời khuyên từ giới y khoa.
1. Hãy chú ý theo dõi cân nặng của mình
Nếu bạn nhận ra mình bắt đầu ngáy sau khi tăng cân thì giải pháp cho vấn đề của bạn sẽ là giảm cân và từ đó làm giảm lượng mô mỡ ở vùng họng đang làm tắc nghẽn sự lưu thông không khí.
2. Hãy tránh uống rượu trước khi đi ngủ và hãy bỏ thuốc lá
Bởi vì rượu làm thư giãn các cơ vùng họng và kết quả là làm cản trở việc thở nên hãy tránh uống rượu trước giờ đi ngủ. Ngoài ra nếu bạn có hút thuốc lá và cũng thường xuyên ngáy thì bạn nên xem xét việc loại bỏ thói quen này nếu nó gây ảnh hưởng đến giấc ngủ ngon lành ban đêm.
3. Vệ Sinh Trong Phòng Ngủ: hãy thay đổi tư thế khi ngủ và thay gối thường xuyên
Vì việc ngủ trong tư thế nằm ngửa làm bạn ngáy nên hãy thử dùng một chiếc gối hoặc một vật cản nào đó khác để ngăn mình lật ngửa người lại.
Nếu là một người mắc chứng dị ứng thì bạn nên làm sạch gối thường xuyên và thay chúng mỗi sáu tháng để tránh xa các dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) và nhờ đó tránh bị nghẹt mũi.
4. Việc giữ cho cơ thể đủ nước cũng có thể giúp ích!
Việc cơ thể bạn không nhận được đủ lượng dịch và bị mất nước có thể dẫn tới tình trạng tiết dịch rất nhiều ở mũi và khẩu cái mềm, và làm nặng thêm hiện tượng ngáy. Do đó hãy đảm bảo là mình uống đủ nước trong ngày để có thể tránh được những đêm mất ngủ.
5. Hãy làm sạch đường mũi của mình để có thể thở tốt
Nếu bạn bị nghẹt mũi do cảm lạnh, hoặc mũi bạn bị sung huyết do nguyên nhân khác, thì có vài cách mà bạn có thể áp dụng để làm sạch đường mũi của mình. Bạn có thể tắm nước nóng hoặc dùng các loại tinh dầu, như dầu bạch đàn, với bình hít xông hơi (steam inhaler) để khai thông đường mũi của mình.
6. Hãy sử dụng các dụng cụ được đặt trong miệng để hỗ trợ cho việc hít thở
Bạn có thể nhờ nha sĩ tư vấn về việc đeo một thiết bị nhỏ bằng nhựa dẻo giúp nâng khẩu cái mềm lên cũng như giữ cho lưỡi không rơi xuống trở lại gây tắc nghẽn sự lưu thông không khí.
Bạn nên xem xét việc thay đổi lối sống để ngăn hiện tượng ngáy
Nếu muốn loại bỏ hiện tượng ngáy, bạn sẽ cần phải xem xét việc thay đổi một chút và loại bỏ những thói quen nhất định vốn không có lợi cho sức khỏe và chỉ làm cho vấn đề của mình trầm trọng thêm mà thôi.
Những thói quen ngủ không tốt, chẳng hạn như việc thường xuyên không ngủ đủ giấc, sẽ dẫn tới hiện tượng ngáy. Bạn cần phải định ra thời điểm mà bạn ước chừng là mình phải đi ngủ sao cho có thể ngủ đủ giấc.
Ngoài ra bạn cũng cần phải xem xét việc kết hợp các hoạt động thể chất vào thời gian biểu hằng ngày của mình, kể cả khi bạn không tăng cân, bởi việc đó giúp tăng sức mạnh cho các cơ bắp trong người bạn, bao gồm cả các cơ vùng họng.
Bạn cần phải quan tâm tới những thứ mình ăn trước khi đi ngủ, bởi một vài loại thực phẩm có thể sẽ làm chứng ngáy trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa, hay sữa đậu nành, do đó đừng dùng chúng trước khi đi ngủ.
Nguồn ảnh bìa: https://pixabay.com/ từ pixabay.com