Chúng ta rất thường hay nhìn nhận một vài người nhất định nào đó là hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại, và cho rằng có một điều gì đó đặc biệt ở con người họ. Chúng ta nhìn vào những nhà phát minh vĩ đại như Elon Musk, và cho anh ta là đặc biệt bởi không nhiều người nghĩ rằng mình có đủ tố chất cần thiết để có thể cách mạng hóa việc đi lại của con người trên mặt đất và cả trong không gian nữa. Thậm chí những nhân vật như Arnold Schwarzenegger mà chúng ta xem là đặc biệt, nói cho cùng, chúng ta đều nghĩ là phải có một tố chất cá nhân thật đặc biệt mới có thể trở thành người đàn ông khỏe nhất thế giới, một ngôi sao điện ảnh và là thống đốc của một bang.
Hầu hết mọi người đều hình dung họ như là những con thiên nga đen, nổi bật so với phần còn lại và tư chất của họ đáng được dành những lời ngợi khen. Nhưng trên đời có ít thiên nga đen lắm, và liệu điều đó có đồng nghĩa rằng những con thiên nga thông thường (hay những người bình thường) đều là vô giá trị không? Rõ ràng là không. Mỗi con người đều là một độc bản.
Song điều này lại gợi lên một vấn đề. Nếu mỗi người chúng ta đều độc đáo và đặc biệt, thì rốt cuộc hẳn là chẳng có ai thực sự khác biệt cả. Nếu "bình thường" đã là đặc biệt rồi, thì bản thân từ "đặc biệt" sẽ trở nên vô nghĩa.
Nếu đó là sự thật, vậy thì nỗi ám ảnh của chúng ta rằng mình phải trở nên đặc biệt xuất phát từ đâu?
Một cách mặc định, ai cũng nghĩ mình là đặc biệt
Chúng ta từ trong tiềm thức đã cảm thấy mình đặc biệt, nếu không thì cũng muốn có cảm giác rằng mình là đặc biệt. Thêm vào đó, cha mẹ thường xem chúng ta là đặc biệt từ khi mới chào đời (nói cho cùng thì chúng ta là con của họ và thế là đủ để đặc biệt rồi). Điều đó khiến chúng ta hoặc là muốn mình trở nên đặc biệt để biện hộ cho quan điểm của cha mẹ, hoặc lớn lên với suy nghĩ rằng chúng ta, một cách tự nhiên, đã luôn độc đáo và đặc biệt rồi.
Ngay từ lúc còn nhỏ chúng ta đã nhìn thấy những người được xem là thông minh hơn, hấp dẫn hơn, hay thành công đến mức khiến ta phát thèm ở những lĩnh vực mà hầu hết mọi người đều không thể làm được. Từ tận đáy lòng, chúng ta ai cũng muốn được mọi người công nhận, đó là bản tính tự nhiên của con người. Vậy nên khi thấy người khác đạt được điều đó, hoặc là ta sẽ ghen tị, hoặc ta nghĩ rằng họ đặc biệt theo kiểu có một không hai.
Khi chúng ta được mọi người công nhận, sự tự tin và lòng tự trọng của chúng ta lớn dần, điều đó có thể cực kì tốt cho bạn, song cũng có thể gây ảnh hưởng, khiến bạn tự cao quá mức về giá trị bản thân cũng như lòng kiêu hãnh, và từ đó nghĩ rằng mình là đặc biệt hơn tất cả.
Việc tự thấy mình "đặc biệt" là một mối nguy hiểm
Bất kể chúng ta có khao khát mong muốn mình trở nên đặc biệt đến đâu, thì hầu hết chúng ta đều chỉ là những người bình thường. Một số người chỉ đơn giản là giỏi hơn những người khác ở việc này việc kia mà thôi.
Điều này nghe có vẻ sẽ đụng chạm đến một số người, những hãy thử nghĩ mà xem, bạn không thể nào xuất sắc trong mọi việc được. Dù cho một vài người có thể giỏi hơn bạn ở một việc nào đó, thì bạn vẫn có thể giỏi hơn họ ở việc khác.
Hẳn rồi, chúng ta có thể nhìn những người như Schwarzenegger hay Elon Musk như thể họ là đặc biệt. Nhưng có những việc mà bạn có thể làm được còn họ sẽ phải vật lộn đến toát mồ hôi. Vấn đề ở đây là chúng ta chỉ nhìn thấy những việc mà họ đã làm được một cách xuất sắc. Lấy ví dụ như tôi có thể nấu ăn giỏi hơn Elon Musk, hay viết lách giỏi hơn Arnold Schwarzenegger.
Cách nhìn nhận chỉ thấy được những mặt tích cực và những khía cạnh tuyệt vời đẹp đẽ đó cũng có thể áp dụng cho cách chúng ta tự nhìn nhận bản thân mình. Một người cực kì kiêu hãnh và tự xem mình là đặc biệt một cách phi thường sẽ hiển nhiên có một cái nhìn hạn hẹp về bản thân. Họ sẽ không nhìn ra được những vấn đề, những sai sót và những mặt tiêu cực của chính mình.
Điều đó tự nó đã là một vấn đề nghiêm trọng, bởi khi không nhận thức được những sai sót của mình, thì nói cho cùng bạn sẽ không thể tự hoàn thiện bản thân được. Những người tự xem mình là đặc biệt thực tế sẽ rơi vào tình thế bất lợi hơn hầu hết mọi người khác trên đời này, những người luôn muốn tự hoàn thiện bản thân mình hơn.
Định Nghĩa Lại Sự “Đặc Biệt”
Hiện có khoảng 7,442 tỉ người đang sống trên thế giới, và con số đó đang tăng lên nhanh chóng. Do đó xác suất để bất kì một người nào trong số chúng ta có tài năng thiên bẩm hơn bất kì một người nào khác, về mặt thống kê, là gần như bằng không. Những điều mà tôi đã trải qua cũng đã từng được trải nghiệm bởi hàng nghìn người khác trước đó rồi, và hàng nghìn người khác nữa cũng sẽ trải qua những điều đó sau tôi, đó là điều hiển nhiên tất yếu.
Vậy với thực tế đó, có lẽ cách duy nhất để trở nên đặc biệt là hãy tự hài lòng với chính mình. Nếu không có ai là thực sự đặc biệt, thì việc gì phải tập trung chú ý đến những người được xem là xuất sắc hơn ta? Nếu chẳng ai trên đời này mới sinh ra đã đặc biệt, thì sẽ chẳng có điều gì ngăn bạn đạt đến những thành công như họ cả.
Ý tưởng này thoạt nghe có vẻ làm nhụt chí, nhưng tôi lại nghĩ nó hàm chứa một ý nghĩa giải phóng nào đó cho bạn. Sẽ không còn áp lực nào buộc bạn phải suy nghĩ theo hướng rằng mình phải là người đặc biệt và xuất sắc trong mọi việc cả.
Mỗi con người đều là một độc bản theo nghĩa rằng không ai trên đời giống mình được. Trước nay chưa từng có, sau này cũng sẽ không. Vậy nên thay vì cố gắng để trở nên giỏi hơn tất cả và độc đáo, điều còn lại bây giờ là hãy xuất sắc theo cách riêng của bạn. Có thể bạn thích vẽ và rất giỏi việc đó (tôi thì rõ là không rồi!), vậy có lí gì lại không ăn mừng ngay vì kĩ năng hội họa của mình. Có thể rốt cuộc bạn sẽ không trở thành Michaelangelo thứ hai, nhưng điều đó làm sao ngăn được bạn, đúng không?