Trong Phần I của loạt bài gồm hai phần, chúng ta đã tìm hiểu chứng lo âu là gì và làm thế nào để biết được liệu bạn hay ai đó đang chịu đựng chứng rối loạn lo âu.
Bây giờ chúng ta sẽ khám phá nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu và cách chữa trị. Chúng ta cũng sẽ đi sâu vào những chiến lược giúp những người đang phải chịu đựng chứng lo âu có thể tự thực hành và cách thức để bạn bè và gia đình họ có thể giúp đỡ họ.
Những loại người dễ mắc chứng rối loạn lo âu
Người ta vẫn chưa hiểu hết về nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu, tuy nhiên đa số bệnh nhân mà tôi từng gặp đều có một hoặc nhiều triệu chứng như sau: tính khí dễ xúc động, chịu đựng những hoàn cảnh khiến họ gặp chấn thương tâm lý vào lúc thiếu thời và chịu đựng một khoảng thời gian đầy căng thẳng. Tất cả những yếu tố này đẩy họ lên đến đỉnh điểm và khiến họ rơi vào tình trạng rối loạn lo âu. Có thể kể đến một vài trường hợp dễ dẫn đến chứng rối loạn lo âu như:
- Chấn thương tâm lý thời thơ ấu, như bị bạo hành, bỏ bê hoặc chứng kiến một sự việc gây chấn động tâm lý.
- Căng thẳng tích tụ dần dần khi gặp phải một sự việc cực kỳ căng thẳng hoặc trải qua một chuỗi các sự việc ít căng thẳng hơn.
- Có người thân mắc chứng rối loạn lo âu.
- Mắc bệnh mãn tính về thể chất.
- Lạm dụng chất kính thích.
- Mắc chứng Rối loạn Nhân cách Ranh giới (BPD) hay Rối loạn Nhân cách Đạo đức giả (HPD).
Những hiểu lầm thường gặp về chứng lo âu
Những hiểu lầm thường gặp về chứng rối loạn lo âu bao gồm:
- Lo âu không phải là một căn bệnh "thực sự" và người mắc chứng lo âu chỉ cần cố gắng vượt qua là được.
- Lo âu là một phần của mỗi con người và không thể thay đổi điều đó.
- Người ta không thể chữa khỏi chứng rối loạn lo âu và bạn buộc phải sống chung với nó.
- Chứng rối loạn lo âu là một kiểu rối loạn não bộ.
- Có những phương cách giúp nhanh chóng chữa khỏi chứng rối loạn lo âu.
Những điều trên đây đều không đúng. Lo âu là một căn bệnh thực sự, nguyên nhân của căn bệnh này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và mặc dù không có "mẹo vặt" nào để chữa, nhưng người ta vẫn có thể chữa được bằng cách kết hợp nhiều liệu pháp, nhiều chiến lược tự thực hành, các biện pháp hỗ trợ và các hoạt động mang tính tích cực.
Khi nào nên dùng thuốc
Khi tôi tiếp xúc với những bệnh nhân mắc chứng lo âu, tôi chỉ đề nghị họ dùng thuốc sau khi đã thử qua các phương pháp khác.
Đa số mọi người đều có thể chữa trị chứng rối loạn lo âu bằng cách áp dụng một "gói điều trị" bao gồm hình thành thái độ sống, thực hiện các bài tập và hoạt động cụ thể để giúp họ thư giãn và bình ổn, loại bỏ những căng thẳng không cần thiết và tìm hiểu về những vấn đề gốc rễ gây ra chứng rối loạn lo âu.
Khi chứng lo âu trở nên quá nặng và người bệnh không thể thực hiện những hành vi thay đổi cần thiết thì thông thường thuốc men có thể là một cách thức bổ sung cần thiết cho liệu trình điều trị và quá trình tự chăm sóc bản thân. Đôi khi thuốc men vẫn cần thiết trong quá trình điều trị, tuy nhiên tôi ít khi thấy chúng cần thiết.
Có một chứng bệnh ngoại lệ tên là Rối loạn Ám ảnh Cưỡng chế (OSD). Những người mắc OSD thường rất mẫn cảm với nhóm thuốc chống trầm cảm Prozac, vốn là nhóm thuốc thường dùng với liều lượng lớn hơn thay vì dùng chữa chứng suy nhược.
Loại thuốc có thể hỗ trợ chữa trị chứng lo âu bao gồm hai nhóm: thuốc chống trầm cảm và thuốc giải tỏa lo âu.
Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể hỗ trợ chữa chứng suy nhược và lo âu, đặc biệt là nhóm thuốc chống trầm cảm Prozac, gọi là các chất ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRIs). Đôi khi bệnh nhân vẫn duy trì dùng thuốc chống trầm cảm trong một thời gian dài, tuy nhiên thông thường họ có thể ngưng dùng thuốc khi đã tìm được những phương pháp khác giúp giải quyết chứng lo âu và suy nhược.
Thuốc giải tỏa lo âu tác động đến một số bộ phận nhất định của não bộ vốn liên quan đến chứng lo âu. Có thể kể đến một số loại thuốc như Xanax, Ativan, Klonopin và Valium. Những loại thuốc này có tác dụng nhanh chóng nhưng không thể giải quyết được những nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Mặc dù đôi khi người ta vẫn kê các loại thuốc này để chữa trị lâu dài, tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, chúng lại đạt hiệu quả tốt nhất trong ngắn hạn và chỉ dùng khi cần thiết. Các loại thuốc này dần dần mất đi hiệu quả khi dùng thường xuyên và sẽ gây nghiện. Với nhiều người, việc ngừng dùng thuốc giải tỏa lo âu sau khi cơ thể quá lệ thuộc lại khó hơn so với việc bỏ thuốc lá.
Phương pháp hiệu quả để chống lại chứng lo âu
Điều quan trọng nhất mà những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu có thể làm là tìm hiểu kỹ càng về vấn đề của mình và cách giải quyết vấn đề đó. Những người có ý thức trách nhiệm với căn bệnh của mình, dù là về thể chất hay tâm lý, cũng đều tiến triển tốt hơn so với những người tỏ ra thụ động hơn.
Điều quan trọng tiếp theo cần làm là tìm một bác sĩ trị liệu hiểu về chứng rối loạn lo âu và từng chữa trị thành công căn bệnh này, và bác sĩ này cũng phải "hiểu" bạn nữa. Không phải bác sĩ trị liệu nào cũng giống nhau.
Hãy gọi điện hỏi thăm bác sĩ trị liệu tương lai của bạn về cách thức làm thế nào họ có thể chữa trị chứng lo âu của bạn, đồng thời tìm hiểu xem họ đã chữa thành công cho bao nhiêu người. Nếu bạn đã tìm được một bác sĩ trị liệu, hãy tiếp tục để người đó thăm khám. Nếu sau một vài đợt điều trị mà bạn không thấy thực sự hiệu quả thì hãy trao đổi với vị bác sĩ đó. Nếu sau khi đã thảo luận rồi mà bạn vẫn cảm thấy không hiệu quả thì có thể vị bác sĩ này không phù hợp với bạn. Hãy đề nghị được giới thiệu bác sĩ khác, đồng thời tham khảo danh mục bác sĩ trị liệu như trên website Goodtherapy.org và dịch vụ Tìm-Bác-Sĩ-Trị-Liệu trên tạp chí Psychology Today.
Tìm một cuốn sách tự thực hành giúp chữa chứng rối loạn lo âu là một phương cách hỗ trợ cực kỳ cần thiết cho quá trình điều trị. Cuốn sách tốt nhất mà tôi tìm được và cũng là cuốn sách tôi thường giới thiệu với bệnh nhân của mình là cuốn Bài tập cho Chứng Lo âu và Ám ảnh Sợ hãi (The Anxiety & Phobias Workbook) của Edmund Bourne. Đó là một cuốn bách khoa toàn thư điện tử bao gồm các kiến thức, các bài tự kiểm và các chiến lược giúp giải quyết chứng lo âu.
Ngoài liệu trình điều trị, tôi cũng biết được một vài hoạt động cực kỳ hiệu quả giúp người bệnh giảm bớt lo âu và trở nên có sức sống hơn, bao gồm:
- Học cách tự trao cho mình lòng trắc ẩn giống như khi bạn làm với những người bạn yêu thương.
- Hình thành một lối sống lành mạnh, bao gồm bổ sung dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể chất và tạo thói quen ngủ tốt.
- Xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ với bạn bè, gia đình và những người đang hỗ trợ mình.
- Thường xuyên thực hành các bài tập tập trung và bình ổn tinh thần, ví dụ như thiền định, yoga và đi bộ ngoài trời.
- Hình thành một hoạt động sáng tạo khiến bạn muốn làm ngay cả khi bạn đang cảm thấy lo âu.
- Hãy để ý đến các phương cách hỗ trợ chữa trị - và thực hiện chúng nhiều hơn nữa!
Những điều không nên làm khi mắc chứng lo âu
Danh sách những điều KHÔNG được làm không quá dài:
- Không dùng bia rượu và chất kích thích bởi vì chúng sẽ khiến chứng lo âu trở nên tồi tệ hơn.
- Bỏ thuốc lá bởi vì nicotine sẽ khiến chứng lo âu trở nên nặng thêm.
- Cắt giảm các loại thức ăn và nước uống chứa caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực và sô-cô-la. Caffeine có thể khiến các triệu chứng lo âu trở nên trầm trọng thêm.
- Đừng cố gắng thực hiện những hoạt động khiến bạn trở nên lo âu hơn. Cố gắng quá mức sẽ không thể đẩy nhanh quá trình điều trị.
- Nhưng cũng đừng quá thỏa hiệp với chứng lo âu. Nhẹ nhàng thách thức chứng lo âu cũng sẽ mang lại hiệu quả.
Những điều tốt nhất mà bạn bè và gia đình có thể giúp bệnh nhân
Bạn bè và gia đình có thể làm một vài việc sau đây để giúp đỡ bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu.
Tìm hiểu về chứng rối loạn lo âu
Tri thức là sức mạnh. Điều hiệu quả nhất mà bạn bè và gia đình có thể làm để giúp người mắc chứng lo âu là khiến họ cảm thấy mình được quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu. Bạn không thể giúp người khác nếu như bạn không hiểu được họ đang trải qua những gì.
Đề nghị cách giúp đỡ
Không ai giống ai và mỗi người đều cần những cách hỗ trợ khác nhau. Bệnh nhân mắc chứng lo âu có thể cho bạn biết bạn có thể và không thể giúp gì cho họ.
Vỗ về
Hãy nhắc nhở những người mắc chứng lo âu không nên quá gay gắt với chính mình và vỗ về họ rằng căn bệnh này không phải do lỗi của họ. Hãy tán thưởng những thành quả và tiến bộ của người bệnh. Hay cho họ biết bạn vẫn đang quan tâm đến họ.
Kề vai sát cánh
Bệnh nhân mắc chứng lo âu thường không chịu bắt đầu thực hiện những điều mới lạ. Hãy đề nghị cùng họ đi đến lớp yoga, đi dạo hoặc đạp xe hay cùng thực hiện một vài hoạt động thể chất thư giãn nào đó.
Khuyến khích đi điều trị
Cho dù bạn có thông minh và giàu lòng trắc ẩn đến đâu đi chăng nữa thì bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu cũng vẫn cần đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Hãy đề nghị sẽ giúp họ tìm được một bác sĩ trị liệu. Xem thử họ có muốn tham dự một đợt điều trị hay không.
Tự giúp chính mình
Giúp đỡ người mắc chứng rối loạn lo âu đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải, do đó hãy đảm bảo rằng bạn cũng có ai đó để tâm sự.
Những điều tồi tệ nhất mà bạn bè và người thân có thể thực hiện
Dưới đây là một vài điều mà bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu cho rằng không hiệu quả:
Làm như thể không có gì sai và coi nhẹ vấn đề
Việc coi nhẹ vấn đề nhằm giúp ai đó cảm thấy khá hơn thông thường sẽ gây ra tác dụng ngược lại.
Nói với họ rằng nếu họ ngừng đắm chìm vào những vấn đề của mình thì họ sẽ được giải tỏa
Một phần của vấn đề này là người bệnh không thể chỉ đơn giản là ngừng đắm chìm vào vấn đề của mình. Đừng yêu cầu họ làm những điều không thể.
Nói rằng "họ cần phải sắp xếp ổn thỏa"
Nếu người mắc chứng lo âu có thể chỉ cần "sắp xếp ổn thỏa" thì họ đã làm từ lâu rồi.
Đổ lỗi cho họ vì đã ra quyết định sai lầm
Chứng lo âu không phải là hệ quả của việc ra quyết định sai lầm.
Đưa ra những lời khuyên hời hợt
Giống như đa số những người khác, người mắc chứng lo âu sẽ tiếp nhận lời khuyên khi họ cần, tuy nhiên không phải là những lời khuyên hời hợt.
Bắt buộc họ phải ra ngoài để hoạt động
Bệnh nhân mắc chứng lo âu cần phải có liệu trình riêng cho mình. Khuyến khích là điều cần thiết. Còn gây áp lực thì sẽ không mang lại hiệu quả.
Nản lòng
Không dễ để giữ vững kiên trì khi ai đó dường như vẫn muốn chịu đựng theo cách của họ, vốn là những điều là một người không lo âu sẽ cảm thấy quá dễ để thay đổi. Nếu bạn cảm thấy nản lòng, hãy tưởng tượng cách mà mình sẽ ứng xử với một người gặp vấn đề về thể chất và bạn có thể sẽ lấy lại được lòng kiên trì cho mình.
Buông xuôi
Mặc dù việc thúc giục hiếm khi mang lại hiệu quả, tuy nhiên buông xuôi với chứng lo âu khi không bao giờ thách thức "những quy tắc" mà người lo âu đã đặt ra cũng sẽ không mang lại hiệu quả. Tìm ra điểm cân bằng giữa khuyến khích và chấp nhận những giới hạn là một quá trình thử nghiệm liên tục cho cả bệnh nhân mắc chứng lo âu và cho cả những người đang cố gắng giúp đỡ.
Các phương pháp điều trị mà tôi thấy có hiệu quả nhất
Người ta thường áp dụng phương pháp tên là Liệu pháp Hành vi Nhận thức (CBT) để điều trị chứng rối loạn lo âu. Liệu pháp Hành vi Nhận thức là một mô hình liệu pháp tập trung chủ yếu vào việc nhận diện và điều chỉnh lại những niềm tin sai lạc, đồng thời tập trung truyền dạy những kỹ năng nhằm thay đổi những suy nghĩ và hành vi lệch lạc.
Theo kinh nghiệm của tôi, CBT là một cấu trúc hiệu quả giúp xây dựng nên quy trình điều trị chứng rối loạn lo âu, tuy nhiên thông thường vẫn chưa đủ. Tôi áp dụng phương pháp này tùy từng người cụ thể và tùy vào từng thời điểm điều trị của họ. Mặc dù các phương pháp điều trị đều không giống nhau với mỗi bệnh nhân và sẽ thay đổi trong quá trình điều trị, tuy nhiên các yếu tố cơ bản vẫn bao gồm:
- Xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy với bệnh nhân/bác sĩ trị liệu.
- Giúp người bệnh tạo ra những yếu tố hỗ trợ bổ sung nhằm giúp họ tiến triển.
- Nhận diện những yếu tố liên quan trong đời sống, môi trường của bệnh nhân, cũng như cách họ nhận thức, suy nghĩ và cảm nhận.
- Nhận diện những yếu tố liên quan có thể thay đổi được và xây dựng các chiến lược giúp bệnh nhân thay đổi.
- Nhận diện những yếu tố liên quan vốn không thể thay đổi được và xây dựng các chiến lược giúp bệnh nhân chấp nhận chúng.
- Truyền dạy những kỹ năng cần thiết để bệnh nhân thực hành với tâm thế thoải mái hơn.
- Truyền dạy những phương cách giúp giám sát và duy trì quy trình điều trị tiếp tục tiến triển.
Để giúp bạn hiểu hơn về sự đa dạng của các phương pháp điều trị chứng rối loạn lo âu, dưới đây là một vài ví dụ về những bệnh nhân đã chữa khỏi chứng rối loạn của họ.
Với một bệnh nhân mắc chứng lo âu xã hội, chúng tôi tập trung chủ yếu vào việc giúp cô ấy loại bỏ những yếu tố gây áp lực như một công việc có yêu cầu quá cao và một mối quan hệ tình cảm gặp trục trặc. Sau đó, chúng tôi giúp cô ấy dần dần hứng thú với những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng cũng như những yếu tố giúp cô thấy thoải mái khi ra ngoài xã hội, đồng thời tập trung tìm hiểu về cách mà gia đình cô ấy định hình lên các tình huống ngoài xã hội nhưng lại không phù hợp với cuộc sống hiện tại của cô.
Với một bệnh nhân có nỗi ám ảnh với vi trùng và mắc chứng OCD, hiệu quả nhất là yêu cầu bệnh nhân tìm hiểu về những trường hợp khiến anh ấy cảm thấy sợ và đi kiểm tra những tình huống đó xem sao. Tôi cũng yêu cầu anh thay đổi cách đếm và kiểm tra thói quen nhằm giúp anh thấy rằng điều đó không phải lúc nào cũng cần thiết. Ví dụ như, thay vì lúc nào cũng khóa cửa ba lần, thỉnh thoảng anh nên khóa bảy lần, hai lần, v.v... Cuối cùng, anh ấy đã ngừng đếm hoàn toàn.
Một bệnh nhân mắc chứng OCD khiến cô không thể rời khỏi phòng nếu không thực hiện một loạt các nghi thức tốn thời gian, quá trình chữa bệnh cho cô không thể tiến triển cho đến khi cho cô sử dụng một liều lớn thuốc Prozac, khi đó các triệu chứng OCD mới giảm bớt. Khi cô ấy thử ngưng dùng thuốc Prozac thì cô lại quay về thực hiện các nghi thức trên. Tiếp tục dùng thuốc Prozac là phương pháp tốt nhất cho cô.
Tôi đã giúp một bệnh nhân mắc chứng Rối loạn Lo âu Lan tỏa và nhận thấy rằng chứng lo âu của cô ấy không thực sự liên quan đến những gì cô ấy đang lo lắng. Thay vào đó lại là một loại lo âu lúc nào cũng lởn vởn xung quanh những sự kiện trong đời cô. Bằng cách sử dụng liệu pháp Gestalt, cô học được cách hòa hợp với nỗi lo âu của mình, đồng thời quan tâm một cách trực diện và đầy lòng trắc ẩn đến mối lo âu thay vì cố gắng kìm nén hoặc điều chỉnh nó.
Bước tiếp theo là gì?
Nhiều năm qua, tôi đã làm việc với nhiều bệnh nhân và họ đã chữa khỏi hoàn toàn chứng rối loạn lo âu, hiện tại đã có cuộc sống đủ đầy hơn và ít lo lắng hơn. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Khi có được cách trợ giúp phù hợp từ các chuyên gia, các phương pháp hỗ trợ hợp lý, và quan trọng nhất là người phù hợp để chịu trách nhiệm hỗ trợ - chính là bạn! - tôi tự tin rằng bạn cũng sẽ tìm thấy con đường cho chính mình.