Những người thành công rực rỡ trong việc kinh doanh cũng như các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ đều có nhiều phẩm chất tốt. Tất cả những phẩm chất mà họ sở hữu, chẳng hạn như tính cần mẫn, sự tận tâm, sự chú ý tới từng chi tiết và nhiều điều khác nữa cùng đan xen với nhau để làm nên một con người với rất nhiều tiềm năng.
Nét tính cách chung thường gặp nhất ở những người thành công[1] là sự tự ý thức về bản thân. Tự ý thức về bản thân là sự thấu suốt về những nét tính cách sâu kín nhất bên trong một con người, chẳng hạn như những niềm tin, cảm xúc, thế mạnh, và điểm yếu. Những cá nhân biết tự ý thức về bản thân không chỉ có khả năng nhận thức được những suy nghĩ và cảm giác của chính họ, mà còn có khả năng "đọc vị" người khác cũng như biết bản thân mình được người khác cảm nhận và nhìn nhận như thế nào.
Trong giới kinh doanh, sự tự ý thức về bản thân thậm chí còn mang tính thiết yếu hơn nữa. Gary Vaynerchuk[2], doanh nhân người Mỹ luôn đầy những ý tưởng kinh doanh mới, đồng thời là tác giả sách bán chạy nhất theo Thời báo New York, tin rằng sự tự ý thức về bản thân là thành tố quan trọng nhất làm nên con người bạn. Ông khuyên các doanh nhân là "Hãy chấp nhận những thiếu sót của mình, và hãy cố gắng để trở nên ý thức hơn về con người thực sự của mình."
Sự tự ý thức về bản thân chính là "Việc Biết Rõ Chính Mình". Sau đây là vài cách giúp bạn có thể nâng cao sự tự ý thức về bản thân để có được thành công trong tương lai!
Hãy thiền để tập trung vào tâm trí sâu kín nhất của mình
Việc dành ra một khoảng thời gian ngắn để bản thân bạn kết nối với tâm trí của bạn có thể tạo nên những điều kỳ diệu cho sức khỏe tinh thần và giúp cải thiện sự tự ý thức về bản thân của bạn[3]. Việc tập thiền cho bạn cơ hội để không suy nghĩ về chuyện gì cả và tập trung vào cơ thể cũng như tâm trí sâu kín nhất của bạn. Việc tập thiền mỗi ngày làm tăng sự tự ý thức về bản thân của bạn bằng cách kết nối thân xác hữu hình của bạn với tâm trí, và giúp bạn hiểu rõ hơn tính cách của riêng mình.
Đừng lờ đi những lời nói nội tại nhỏ nhặt trong tâm trí
Thiền định và sự tĩnh tâm dường như luôn đi đôi với nhau. Theo Tim Ferriss [4], người đã phỏng vấn hơn 200 nhân vật thành công bao gồm cả Tony Robbins, Arnold Schwarzenegger, Jamie Foxx, Peter Thiel, và Maria Popova, đã kết luận rằng khoảng 80% trong số họ đều có "thực hành sự tĩnh tâm theo hướng dẫn dưới một hình thức nào đó"[5].
Việc tĩnh tâm cần phải luyện tập, nhưng chẳng mấy chốc bạn sẽ nhận ra là mình đang làm việc đó từng giây từng phút mỗi ngày đấy. Tất cả chúng ta đều có một giọng nói nội tại bên trong tâm trí mình, và khi ta quá bận rộn và thậm chí bị căng thẳng thì giọng nói trong tâm trí đó đôi lúc sẽ bị lờ đi. Bằng sự tĩnh tâm, bạn sẽ điều chỉnh suy nghĩ của mình để bao hàm cả việc lắng nghe giọng nói đó trong tâm trí mình. Sự tĩnh tâm không chỉ khiến bạn tự ý thức hơn về bản thân mình, mà nó còn giúp bạn nhận ra và biết trân trọng trực giác "biết tuốt" của mình.
Hãy luôn duy trì sự tập trung, ngay cả đối với một chuyện nhỏ nhặt
Bạn có thể tăng sự tự ý thức về bản thân của mình bằng cách duy trì sự tập trung[6] vào công việc đang làm, trong lúc đang nói chuyện với người khác, và trong suốt một ngày của mình. Để giữ được sự tập trung, điều quan trọng là phải ăn no, uống đủ nước, tập thể dục một chút mỗi ngày, và nghỉ ngơi thật nhiều. Khả năng duy trì sự tập trung trong khoảng thời gian dài sẽ giúp bạn thành công mỹ mãn trong những nỗ lực hằng ngày của mình. Tâm trí phụ thuộc vào bạn để nuôi dưỡng nó, và nếu được nuôi dưỡng, nó sẽ phục vụ cho bạn để giúp ích cho sự thành công của bạn mỗi ngày cũng như về lâu về dài.
Hãy trân trọng những cảm xúc của mình. Bạn không cần phải vui vẻ hạnh phúc mọi lúc đâu
Điều này rất quan trọng đối với sự tự ý thức về bản thân và sự thành công tổng thể của bạn. Thường thì các cảm xúc của chúng ta có thể lấn át bản thân ta. Chúng ta rất dễ nói trước khi nghĩ, bộc lộ một biểu hiện không lời quá nhanh, hoặc có một dạng phản ứng tiêu cực khác trước khi để cho một chuyện gì đó diễn ra.
Định nghĩa về sự thành công là tùy thuộc mỗi người, và để luôn sẵn sàng phản ứng cũng như thể hiện được tính chuyên nghiệp, hãy ý thức về những động lực khiến bạn hành động. Sự tự ý thức về bản thân cho phép bạn hiểu rõ về bản chất sâu kín nhất của mình, và biết cách làm thế nào để giữ các cảm xúc của mình trong tầm kiểm soát khi có chuyện gì đó sắp xảy ra. Việc học cách tin vào các cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc đời mình.
Việc nâng cao sự tự ý thức về bản thân sẽ xảy đến mà chỉ cần ít sự luyện tập và lòng kiên nhẫn. Chẳng mấy chốc bạn sẽ hiểu về bản thân mình rõ hơn ai hết, và bạn sẽ thấu hiểu hơn về những người khác xung quanh bạn. Tính cách đó sẽ giúp bạn tiến xa trong sự nghiệp của mình hơn cả những gì mà bạn từng tưởng tượng ra đấy.
Việc hiểu về bản thân là quan trọng, nhưng việc sống thật với chính mình thậm chí còn quan trọng hơn. Nói cho cùng thì có ích gì nếu bạn hiểu về bản thân nhưng vẫn cố sống cuộc đời của một người khác?
Cuối cùng hãy để câu nói của Steve Jobs nhắc nhở chúng ta thêm một lần nữa: “Thời gian của bạn là có giới hạn, thế nên đừng phí phạm nó vào việc sống cuộc đời của một người khác. Đừng mắc kẹt trong những giáo điều - những thứ tồn tại được nhờ suy nghĩ của những người khác. Đừng để tiếng ồn từ ý kiến của những người khác át đi tiếng nói nội tại của chính bạn. Và quan trọng nhất là, hãy dũng cảm nghe theo trái tim và trực giác của mình. Bằng cách nào đó chúng đã biết bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào rồi. Tất cả mọi thứ khác đều chỉ là phụ thôi."
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Lifehack: 10 Việc Mà Những Người Thành Công Làm Theo Cách Khác |
[2] | ^ | Gary Vaynerchuk: Sự Tự Ý Thức Về Bản Thân: Hãy Hiểu Về Chính Mình: Gary Vaynerchuk |
[3] | ^ | Investigate: 10 Cách Để Cải Thiện Sự Tự Ý Thức Về Bản Thân Và Hiểu Về Chính Mình |
[4] | ^ | The Tim Ferriss Show: Giờ Phát Thanh Của Tim Ferriss: Thiền Định, Tư Duy Và Làm Chủ |
[5] | ^ | Fortune: Tại Sao Tim Ferriss Tin Rằng Thiền Định Là Chìa Khóa Dẫn Đến Thành Công |
[6] | ^ | Lifehack: 7 Chiến Lược Để Duy Trì Sự Tập Trung Cao Độ |