2 tháng trước
Tại Sao Những Người Thích Nghe Nhạc Cổ Điển Thường Thông Minh Hơn?
424

8373
Lượt xem
63
Lượt chia sẻ
10
Lượt bình luận

Tất cả chúng ta đều đã nghe nói về những bậc cha mẹ cho đứa con sơ sinh của mình nghe nhạc Mozart với hy vọng rằng đứa bé sẽ thông minh hơn, và chúng ta nghĩ rằng chuyện đó thật hoang đường. Nhưng thực tế là các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng âm nhạc - và đặc biệt là nhạc cổ điển - thực sự có thể giúp cải thiện bộ não và năng lực học tập của chúng ta.

Không may là mọi người thường hiểu sai về khoa học đích thực, từ đó dẫn đến hai vấn đề. Hoặc là bạn sẽ mở ngay một đĩa CD phát những bản nhạc của Mozart và lắng nghe trong vài giờ với hy vọng rằng mình sẽ trở thành thiên tài, và đó là chuyện thật hoang đường. Hoặc là bạn sẽ nhìn vào chuyện vô lý đó và kết luận rằng âm nhạc chẳng giúp não mình tốt lên tí nào, và điều đó cũng là không đúng theo một cách khác. Một cách nhìn nhận đúng đắn về những lợi ích của nhạc cổ điển đối với trí óc sẽ mang lại cho bạn một bức tranh chi tiết và chính xác hơn nhiều.

Không, việc lắng nghe nhạc Mozart suốt hàng giờ liền sẽ không phải là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa một đứa trẻ khù khờ và một Einstein thứ hai đâu. Nhưng nếu bạn hiểu được những tác động của nhạc cổ điển đối với bộ não của chúng ta, thì bạn sẽ hiểu rằng nó có thể tạo ra một sự khác biệt nhỏ, thậm chí là khó nhận thấy được.

Dục tốc bất đạt. Những lợi ích sẽ tích lũy dần theo thời gian

Như hãng tin BBC đã lưu ý[1] về ý tưởng rằng việc nghe nhạc Mozart sẽ cải thiện trí thông minh đã xuất hiện từ năm 1991 để đáp lại một nghiên cứu được công bố bởi Đại học California. Nhưng như đã từng xảy ra nhiều lần trong khoa học, một nhà nghiên cứu đưa ra một khám phá mang tính khiêm tốn chỉ để sau đó cánh nhà báo và dân thường thổi phồng những lời tuyên bố nhỏ nhặt đó đi quá xa. Tất cả những gì mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra là: trong khoảng thời gian ngắn chừng 15 phút sau khi nghe nhạc Mozart, những người trưởng thành trẻ tuổi sẽ thực hiện những nhiệm vụ lặt vặt liên quan đến không gian đạt kết quả tốt hơn.

Nhưng sau nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã tìm hiểu sâu hơn về những tác động của âm nhạc nói chung và nhạc cổ điển nói riêng lên bộ não của chúng ta. Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng mọi người sẽ ghi nhớ các vật thể tốt hơn hoặc đạt kết quả cao hơn trong các bài kiểm tra khả năng học tập sau khi được nghe nhạc cổ điển. Và vào năm 2004, một nghiên cứu đánh giá hoạt động của não chuột[2] sau khi nghe nhạc Mozart đã phát hiện ra rằng "có sự tăng biểu hiện gen của BDNF - một yếu tố tăng trưởng thần kinh, CREB - một hợp chất giúp ghi nhớ và học hỏi, và synapsin I - một protein giúp tăng trưởng tiếp hợp thần kinh." Nói nôm na là, bộ não tạo ra các chất hóa học để đáp ứng lại sự kích thích từ việc nghe nhạc Mozart.

Nó không chỉ giúp bạn thông minh hơn mà còn giúp bạn cảm thấy tốt hơn

Bên cạnh việc nâng cao trí thông minh, các nghiên cứu sâu hơn đã cho thấy rằng việc nghe nhạc cổ điển có thể mang lại những lợi ích khác nữa. Nhạc cổ điển có thể giúp làm giảm lo âu như đã được thể hiện qua cách các bác sĩ ngày nay sử dụng liệu pháp âm nhạc để giúp điều trị các rối loạn như sa sút trí tuệ và ngủ không ngon giấc. Mặc dù âm nhạc rõ ràng chỉ là một khía cạnh của quá trình điều trị tổng thể, nhưng dễ thấy là kể cả khi bạn không tin rằng việc nghe nhạc giúp mình trở nên thông minh hơn, thì cũng không thể nghi ngờ việc nó có thể giúp cải thiện sức khỏe của bạn trên những khía cạnh khác.

Hãy chọn loại nhạc phù hợp với bạn vì nó chỉ có tác dụng khi bạn yêu thích nó

Mong là tất cả mọi điều được liệt kê trên đây đã làm rõ rằng việc nghe nhạc cổ điển là có lợi. Nhưng có nhất thiết phải là nhạc cổ điển, hay thậm chí phải chính xác là nhạc Mozart hay không? Liệu việc nghe nhạc của Brahms hoặc Tchaikovsky hoặc thậm chí là nhạc rock có tạo ra tác dụng giống như vậy?

Ở một mức độ nào đó thì câu trả lời là: có. Nói chung âm nhạc tác động như một chất kích thích đối với bộ não. Theo Inc., việc nghe nhạc khiến cho[3] bộ não của bạn hình thành một con đường liên hệ giữa trung tâm trí nhớ và trung tâm cảm xúc, giữ cho não bạn luôn tích cực hoạt động. Nhưng yếu tố quyết định không phải là một dạng âm nhạc cụ thể nào, mà là thể loại nhạc mà bạn yêu thích. Nếu bạn thấy nhạc cổ điển là nhàm chán thì nó sẽ không phải là một chất kích thích tốt đâu.

Có một số phẩm chất đặc trưng của nhạc cổ điển khiến nó thực sự có hiệu quả hơn, nếu tất cả các yếu tố khác đều giống nhau, nhưng nguyên lý này cũng có thể được áp dụng cho phương pháp 15 phút thay đổi tư duy (15-minute manifestation) [4] hoặc một kỹ thuật tương tự nào đó khác. Nhạc cổ điển có độ phức tạp về thanh nhạc cao hơn so với các bài hát nhạc pop hay rock, nghĩa là khi não bạn xử lý những bản nhạc này thì tác dụng kích thích sẽ lớn hơn. Chúng cũng giúp thư giãn tốt hơn, và đó là một khía cạnh ít được chú ý về cách mà âm nhạc có thể giúp cải thiện năng lực học tập. Thay vì trực tiếp làm tăng năng lực trí óc của bạn, nhạc cổ điển có thể tạo ra một môi trường êm dịu hơn và do đó thuận lợi hơn cho quá trình suy nghĩ.

Nhưng đừng hiểu điều đó theo nghĩa rằng bạn nên tự ép mình nghe nhạc cổ điển, nếu bạn cảm thấy nó nhàm chán và chẳng có gì thú vị. Âm nhạc, bất kể được tạo ra bởi ai hoặc từ đâu, luôn giúp ta giải tỏa và có lợi cho não. Việc tự ép mình phải nghe thể loại âm nhạc không hấp dẫn rốt cuộc sẽ khiến bạn không thể theo đuổi nó tới cùng, đặc biệt là khi những lợi ích sẽ chỉ tích lũy dần qua thời gian mà thôi. Nếu bạn thích nhạc death metal hơn Mozart, thì đừng hổ thẹn và hãy vặn to âm lượng lên.

Cuộc tranh luận về việc âm nhạc ảnh hưởng ra sao đến bộ não sẽ không kết thúc chỉ với vài nghiên cứu, nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng nhạc cổ điển có thể giúp ích cho bộ não và sức khỏe tổng quát. Nhưng đừng hiểu điều đó theo nghĩa rằng việc nghe một bản giao hưởng sẽ làm tăng vĩnh viễn chỉ số thông minh của bạn lên 10 điểm, hoặc bạn nên tự rèn cho mình nghe nhạc cổ điển. Âm nhạc sinh ra là để được tận hưởng và được yêu thích, chứ không phải để được xem như tương đương với một loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin.

Tài liệu tham khảo