3 tháng trước
Mạng Xã Hội Điều Khiển Quan Điểm Của Chúng Ta Về Kẻ Thắng Và Người Thua Như Thế Nào?
511

5658
Lượt xem
96
Lượt chia sẻ
12
Lượt bình luận

Các phương tiện truyền thông xã hội mang lại những lợi ích không thể chối cãi. Quảng cáo miễn phí, vô vàn cơ hội để xây dựng mạng lưới quan hệ và giữ liên lạc với những người bạn đã không gặp từ lâu. Nhưng việc kết nối với mạng lưới đó cũng có một khía cạnh cực kỳ đáng sợ. Truyền thông xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân cũng như người khác, và sự thay đổi đó đang trở nên mỗi lúc một tồi tệ hơn.

Ảo tưởng về “phong cách sống hoàn hảo” khiến ta chán ghét chính cuộc sống của mình

Phương tiện truyền thông xã hội không còn chỉ là nơi để chia sẻ suy nghĩ và hành động với bạn thân nữa. Nó đã dần trở thành một hình thức tự quảng cáo. Ở đó, bạn có thể xây dựng thương hiệu và chia sẻ phong cách sống của mình.

Dù phong cách sống của họ có giả tạo và dối trá thế nào, rất nhiều trong số những người theo dõi các kênh truyền thông xã hội này thành thực tin rằng những người họ theo dõi có một cuộc sống hoàn hảo và thú vị. Ở mức độ nào đó, những người lão luyện về khả năng kinh doanh từ phong cách sống của họ dường như hiểu biết tất cả. Họ đã đạt được tự do tối thượng; ngoại trừ việc họ đã biến lối sống của họ thành sự nghiệp; do đó, tất cả những gì họ làm và nói đều nhằm mục đích thể hiện bản thân, và không có gì trong đó là hoàn toàn chân thực cả.

Thế nhưng bất chấp thực tế giả tạo này, sự tồn tại của hàng loạt các siêu sao truyền thông xã hội khiến những người bình thường cảm thấy không thỏa mãn với cuộc sống,[1] và họ không đủ giỏi để có được tiếng tăm đó.

Người ta bắt đầu đánh giá giá trị bản thân dựa trên số lượt thích và theo dõi, như thể điều đó thực sự là thước đo giá trị và mức độ thú vị của họ.

Chúng ta đánh giá giá trị của người khác dựa trên số lượng người theo dõi họ

Những người thuộc thế hệ Millenials đặc biệt coi trọng số lượng người theo dõi mình trên các phương tiện truyền thông xã hội,[2] và lấy đó làm cơ sở đánh giá bạn bè của họ. Thực tế, tôi đã từng nghe một số bạn trẻ trong độ tuổi 18-24 nói rằng, “Anh ta/cô ta phải có ít nhất mười nghìn người theo dõi trước khi tôi thậm chí cân nhắc đến việc hẹn hò với họ.” Và họ thực sự tin như vậy.

Tôi phải tự hỏi, liệu họ thậm chí có chút ý thức rằng mình đang theo đuổi một lý tưởng sai lầm? Khi mà sự phong phú của các ứng dụng thay đổi hình ảnh cho phép ngay cả những người bình thường nhất cũng có thể đánh bóng những bức ảnh tầm thường của họ thành ra hình ảnh tuyệt đẹp và hoàn hảo về bản thân?

Trên truyền thông xã hội, mọi người có quyền tự do chỉ cho người khác thấy những gì họ muốn. Một lượng lớn trong số những bài viết "hoàn hảo" này đòi hỏi rất nhiều tính toán, thời gian và sắp xếp chu đáo. Mọi người dành hàng giờ để cố gắng chụp một bức ảnh hoàn hảo, để cho người khác phải phấn đấu theo. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số lượng lớn những người có phong cách sống "hoàn hảo" này thực ra luôn ở trong trạng thái vô cùng căng thẳng, cũng như phải chịu đựng sự lo lắng và trầm cảm.

Nhiều doanh nhân kinh doanh trực tuyến sẽ nói với bạn rằng để có một số lượng lượt theo dõi trực tuyến thành công, bạn cần phải lập một kế hoạch kinh doanh. Để sở hữu một kênh truyền thông xã hội mạnh mẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Bạn phải làm việc chăm chỉ, lập kế hoạch và dành hàng giờ để kết nối với những người bạn sẽ không bao giờ gặp và cũng sẽ không chào hỏi họ bằng bất kỳ tên nào khác ngoài danh tính trên mạng xã hội của họ.

FOMO: Nỗi sợ bị lãng quên

Khi lướt qua các kênh truyền thông xã hội, nhiều người trong chúng ta không thể không cảm thấy mất tinh thần khi chứng kiến người khác đạt được những bước tiến vượt bậc mà ta vẫn chưa thể với tới. Tệ hơn nữa (ít nhất là đối với tôi), chúng ta thấy mọi người làm những việc thú vị và mạo hiểm, còn bản thân phải đấu tranh với sự đố kị, khi ta chỉ ru rú ngồi trên ghế ở nhà, tại một nơi chốn tầm thường, không tên tuổi.

Nỗi sợ bị lãng quên (FOMO) là cảm giác tiêu cực khi thấy rằng có ai đó đang làm được nhiều hơn hoặc trải nghiệm nhiều hơn chúng ta, và ta cảm thấy bị bỏ rơi. Bằng cách thường xuyên truy cập các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta liên tục nhắc nhở bản thân rằng có nhiều việc mình có thể làm với cuộc sống, và ta cảm thấy tồi tệ vì chưa làm hoặc chưa đạt được.

Loại bỏ ảnh hưởng của truyền thông xã hội

Mặc dù có vẻ như truyền thông xã hội ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của cuộc sống hiện nay, nhiều người trong chúng ta vẫn có thể tồn tại mà không cần đến các phương tiện đó, hoặc chỉ tiếp xúc ở mức tối thiểu.[3] Bạn hãy thử một vài thủ thuật sau đây để giảm thiểu tác động của truyền thông xã hội đến cuộc sống của bạn.

Hiểu rằng tất cả chỉ là ảo tưởng

Hãy ý thức về thời gian và nỗ lực bạn phải bỏ ra để có một lượng theo dõi ổn định trên kênh truyền thông xã hội của mình. Nó cũng giống như có một công việc thứ hai vậy. Bạn bị đòi hỏi phải dành nhiều giờ để lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch đó. Sau đó, một khi đã chụp ảnh xong, hãy xem xét thời gian cần để chỉnh sửa hình, tìm bộ lọc và chú thích phù hợp. Sau đó là làm hashtag (ôi, lại là hashtag). Hãy tưởng tượng bạn có thể làm được bao nhiêu việc và cảm thấy hạnh phúc hơn thế nào nếu sử dụng thời gian đó để tận hưởng cuộc sống và kết nối với những người thực sự ở xung quanh bạn.

Dành ra một khoảng lặng

Hãy tạm dừng mọi thứ lại. Dù chỉ là một ngày. Dành thời gian để tạm ngắt các kết nối, tránh xa những áp lực và kỳ vọng mà mạng xã hội gây ra. Đã từng có thời gian bạn sống mà không cần đến mạng xã hội, và giờ đây bạn sẽ có thể được tận hưởng điều đó lần nữa. Cụ thể là cái gì? Câu trả lời là : tự do.

Hãy thử thách bản thân, và lên ý tưởng cho phần thưởng cuối thử thách. Cố gắng đảm bảo đủ 3 ngày không có mạng xã hội. Xóa các ứng dụng, làm bất cứ điều gì bạn cần làm để không phải lướt mạng mà không nhận ra mình đang làm gì (điều này xảy ra với tất cả chúng ta). Hãy tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon hoặc một thứ gì đó mà bạn thường không mua cho mình. Càng bỏ bớt các kết nối, bạn sẽ càng nhận ra một điều: văn hóa truyền thông xã hội thật là ngớ ngẩn.

Tìm kiếm những điều đem lại động lực cho bạn

Bạn không được sinh ra để chỉ nhìn chằm chằm một cách vô ý thức vào màn hình. Tôi chắc chắn rằng bạn đã từng có những sở thích mà không cần đến điện thoại hay máy tính bảng. Hãy quay lại với những sở thích đó. Trèo cây. Đọc sách. Đi dạo. Đan len. Học nhảy múa. Làm bất cứ việc gì không cần đến chiếc điện thoại của bạn.

Phát triển một kỹ năng mới sẽ giúp cải thiện sự tự tin của bạn, đồng thời cũng sẽ giúp bạn nhận thấy mình phải sống trong thế giới thực; và cách tốt nhất để tận dụng tối đa cuộc đời này là sống đúng với chính mình.

Tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng

Dù bạn tin hay không, luôn có những người thuộc thế hệ Millenials như bạn không sở hữu bất kỳ tài khoản truyền thông xã hội nào. Họ đã nhận thấy mối nguy hại khi liên tục kết nối với mạng lưới này và chọn cách từ bỏ nó.

Bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn như những con người lý tưởng này, nhưng hãy học hỏi từ họ. Tôi biết bạn có thể thấy đáng sợ khi phần lớn sự phát triển về phương diện xã hội của bạn đang diễn ra trên một nền tảng ảo, nhưng bạn có thể học cách hưởng lợi từ nghệ thuật đối thoại. Không có sự tương đồng giữa việc thực sự kết nối với một cá nhân khác với việc like hoặc gửi một nhắn tin hời hợt cho họ.

Nguồn ảnh bìa: Stocksnap từ stocksnap.io

Tài liệu tham khảo