3 tháng trước
Bí Quyết Làm Nên Một Bài Diễn Thuyết Ấn Tượng
273

3209
Lượt xem
91
Lượt chia sẻ
5
Lượt bình luận

Theo tạp chí Forbes, 70% người Mỹ đồng ý rằng việc trình bày một bài diễn thuyết tốt là yếu tố then chốt quyết định thành công trong công việc.[1] Việc trình bày bài diễn thuyết và các kỹ năng giao tiếp đi kèm với nó là một phần quan trọng không chỉ trong công việc mà cả ở trường phổ thông và đại học nữa. Song đó là vấn đề mà rất nhiều người trong số chúng ta đang phải vật lộn một cách khổ sở.

Tôi nhớ có một lần hồi học đại học, tôi phải trình bày một bài diễn thuyết về một chủ đề, và người ngồi trước mặt tôi lúc đó là một chuyên gia hiểu biết rất rõ về những điều mà tôi định trình bày, đến nỗi tôi đã đứng ngây ra đó trước cả lớp, miệng lẩm bẩm và vấp váp những lời mà tôi đã chuẩn bị. Chứng sợ nói trước đám đông (có tên là glossophobia) phổ biến đến nỗi 75% mọi người đều mắc phải nó.[2]

Tất nhiên nỗi sợ nói trước đám đông mới chỉ là một khía cạnh khiến cho việc trình bày một bài diễn thuyết tuyệt hay có thể là một việc cực kỳ khó khăn. Bạn có thể sẽ phải cô đọng hàng tuần nghiên cứu tìm tòi cùng với hàng đống trang dữ liệu và thông tin dồn vào chỉ một vài phút ngắn ngủi.

Thêm vào đó, bạn có thể sẽ lo lắng về bố cục và cấu trúc của bài thuyết trình đó (đây là một vấn đề lớn đối với tôi).

Vì đây là chuyện quan trọng đối với sự thành công trong học tập hoặc nghề nghiệp nên những áp lực căng thẳng đó có thể khiến việc thuyết trình trông giống như ác mộng vậy. Nhưng không nhất thiết phải thế đâu. Thực ra kỹ năng thuyết trính và giao tiếp của bạn có thể được cải thiện gấp chục lần nhờ một vài mẹo và sự xem xét suy tính cẩn thận.

Rất nhiều cuốn sách đã được xuất bản viết về cách đối mặt với việc nói trước đám đông, nhiều nhà trị liệu là chuyên gia trong việc giúp đỡ những người mắc phải nỗi lo âu này (tất nhiên nếu bạn cảm thấy việc tìm đến một chuyên gia như vậy có thể giúp ích cho mình, thì cứ việc!) nhưng bạn có thể cải thiện vấn đề này một cách ngoạn mục mà không cần nỗ lực quá nhiều đâu. Hãy xem những mẹo dưới đây nhé.

Hãy bỏ những từ "lấp đầy" đi

Việc đối thoại và trò chuyện thường ngày thực ra lại khá lạ lùng nếu bạn thực sự chú ý và tập trung vào nó. Chúng ta nói từng tràng những câu đôi khi khá vô nghĩa, đưa ra những ý kiến chẳng đi đến đâu, và nhất là chất đầy những cuộc trò chuyện bằng những từ nhỏ nhặt quen miệng (verbal tick) và những từ có tác dụng lấp đầy chỗ trống (filler word)[3]

Đó là những từ sẽ lấp đầy câu nói của chúng ta, chẳng hạn như "ừm", "à", "như là" và "bạn biết không?", chúng chẳng có ý nghĩa gì cả và chỉ xuất hiện để giữ cho bạn tiếp tục tạo ra tiếng nói trong lúc tìm ra điều cần nói tiếp theo. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên và hầu như tất cả mọi người đều làm vậy.

Chúng ta đều đã quen với những yếu tố này trong việc đối thoại thông thường đến nỗi không để ý đến chúng nữa. Tuy nhiên trong một hoạt động gây căng thẳng cao độ như việc trình bày một bài diễn thuyết thì chúng ta có thể sẽ bắt đầu thực sự ý thức rõ về nó và bắt đầu tự dằn vặt mình vì đã làm như vậy. Tệ hơn nữa là nó có thể gây tác động thực sự tiêu cực cho bài thuyết trình của chúng ta.

Giải pháp là gì?

Hãy bỏ chúng đi.

Nhưng bằng cách nào?

Một mẹo hay là hãy ghi âm lại thật nhiều cuộc đối thoại của chính mình rồi nghe đi nghe lại chúng. Việc này sẽ giúp bạn ý thức hơn về cách mình sử dụng các từ lấp đầy và sẽ là một bước tiến lớn giúp bạn dần loại bỏ chúng.

Mặc dù chúng ta không thích sự im lặng, nhưng đôi khi việc ngừng nói trong giây lát và hít một hơi có thể khiến bài nói của bạn nghe có vẻ tự tin hơn là việc dùng nhiều từ lấp đầy trong bài diễn thuyết.

Nếu bạn cần thêm một chút sự giúp đỡ thì thực sự có một ứng dụng được thiết kế để luyện cho bạn loại bỏ việc dùng các từ lấp đầy, có tên là Likeso[4]. Ứng dụng này được lập trình để phát hiện những lần bạn dùng các từ lấp đầy khi nói và thể hiện ra thành tỷ lệ phần trăm so với toàn bộ bài diễn thuyết.

Việc loại bỏ các từ lấp đầy cũng sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn nói chung, và giúp bạn nói năng lưu loát hơn, chỉ đơn thuần nhờ việc loại bỏ các từ lấp đầy không cần thiết.


Hãy thông báo, giáo dục và giải trí

Ba mục đích này nên được xem là điều cốt lõi trong bài thuyết trình của bạn. Ý tưởng đó cũng chính là cơ sở làm nên BBC và là phần quan trọng trong tất cả các bài diễn thuyết cũng như những buổi ra mắt sản phẩm của Steve Jobs.[5]

Việc giải trí cho những người đang xem bạn thuyết trình (có thể bằng cách đưa một yếu tố hài hước hoặc các yếu tố khác vào bài thuyết trình của bạn) sẽ giúp đảm bảo là họ không cảm thấy nhàm chán trong suốt bài diễn thuyết của bạn. Tương tự, nếu bạn giúp họ được giải trí thoải mái, họ sẽ bị lôi cuốn về phía bạn.

Phần thông báo và giảng giải là lúc bạn truyền tải nội dung của bài thuyết trình.

Hãy tập luyện, tập luyện và tập luyện

Đây là lời khuyên dễ thấy nhất từ xưa đến giờ, nhưng cũng là yếu tố quan trọng nhất từ trước đến nay. Trước khi trình bày bài diễn thuyết của mình, bạn cần hiểu rõ về nó từ trước ra sau, từ sau ra trước, trên dưới trái phải, mọi điểm mọi chỗ.

Nếu có thể, hãy cố gắng ghi nhớ càng nhiều càng tốt. Điều đó có thể vừa có lợi cho hoạt động thần kinh, vừa giúp bạn tạo được vẻ tự tin và đầy hiểu biết.

Mọi người thường có xu hướng bị lôi cuốn một cách tự nhiên về phía những người mà họ nhận thấy là tự tin. Do đó nếu bạn trình bày bài diễn thuyết với sự tự tin được hình thành thông qua luyện tập, thì bạn có thể biến những người đang xem bạn thuyết trình từ chỗ là những vị giám khảo đáng sợ trở thành những khán giả say mê.

Trong khi luyện tập, hãy xem xét không chỉ những từ bạn nói mà cả cách nói cũng như tư thế và cử chỉ của mình nữa. Việc thuyết trình cũng giống như một buổi biểu diễn vậy. Một khoảng sân khấu nhà hát, và bạn là diễn viên chính.

Hãy xem xét ngôn ngữ cơ thể của mình

Mặc dù chúng ta thường nghĩ rằng giao tiếp chỉ xoay quanh nội dung mà ta nói, và có thể là cả ngữ điệu giọng nói nữa, nhưng người ta cho rằng 94%[6] cách giao tiếp thực ra lại nằm ở những yếu tố không lời. Đây là chuyện hoang đường, nhưng tư thế và ngôn ngữ cơ thể của bạn đúng là một phần quan trọng của quá trình giao tiếp đấy.[7]

Bạn có thể trình bày bài diễn thuyết được viết ra với những lời hay ý đẹp tuyệt vời nhất từ trước đến nay, nhưng nếu bạn trình bày nó mà không di chuyển qua lại, rụt rè thu mình về một góc và đút tay trong túi, thì trông bạn sẽ thật đơn điệu và... vâng, thật nhàm chán.


Tin tốt là: điệu bộ cử chỉ của chúng ta là những thứ hoàn toàn tự nhiên, nếu bạn cố gắng trình bày bài nói chuyện với sự tự tin thì điều đó sẽ tự thể hiện ra thông qua cử chỉ của bạn.[8] Tất cả những gì bạn thực sự cần làm là hãy tự thả lỏng mình ra, và mọi thứ còn lại sẽ tự đâu vào đấy hết.

Nếu bắt đầu chú ý đến cách sử dụng cử chỉ của mình thì chúng ta có thể sẽ bắt đầu cảm thấy hơi tự ý thức một chút về nó và có thể đấu tranh lại với sự thôi thúc tự nhiên về cử chỉ. Đừng chú ý đến những cảm giác đó, và bài thuyết trình của bạn nhờ thế sẽ còn thành công tốt đẹp hơn nữa.

Đừng ngại đưa vào những nguồn thông tin và những ý tưởng gián tiếp liên quan với bài thuyết trình

Việc này sẽ chỉ thực sự phát huy tác dụng trong bài thuyết trình nếu bạn có dư dả thời gian để diễn thuyết. Nhưng nếu một phần của bài thuyết trình gợi cho bạn nhớ đến một điều gì đó trong lịch sử, khoa học hoặc văn học, và nó có vẻ liên quan đến bài nói, thì đừng ngại đưa nó vào bài diễn thuyết. Mark Levy, chủ tịch của công ty quảng cáo Levy Innovation (Sự Đổi Mới Của Levy),[9] đồng thời là tác giả cuốn sách Thiên Tài Tình Cờ: Cách Sử Dụng Kỹ Năng Viết Để Tạo Ra Những Ý Tưởng, Sự Thấu Hiểu Và Nội Dung Hay Nhất Của Bạn (Accidental Genius: Using Writing to Generate Your Best Ideas, Insight and Content)[10] đã nói một câu thế này:

“Nếu bạn đang nói về, giả sử như, năng suất làm việc tại cơ quan, thì thật tốt khi nói đến Cuộc Tấn Công Của Pickett [trong Trận chiến Gettysburg] hoặc lỗ đen vũ trụ hoặc một ý tưởng từ một cuốn sách của Elizabeth Gilbert mà bằng cách nào đó lại có liên quan với vấn đề năng suất làm việc tại cơ quan. Việc đưa vào những ý tưởng từ những lĩnh vực khác sẽ giữ cho mọi người tỉnh táo và hứng thú, và thực ra đó chính là cách mà những cuộc chuyển đổi mô thức (paradigm shift) đã được tạo ra”[11]

Điều này là có lý, nói cho cùng thì tại sao những cuốn sách như Hoàng Tử (The Prince) của Machiavelli hay Nghệ Thuật Chiến Tranh (The Art of War) của Sun Tzu vẫn phổ biến đến vậy chứ?

Tôi không tin nguyên nhân là vì nền chính trị của Florence trong thời kỳ Phục hưng và chiến tranh của Trung Quốc là những chủ đề được nhiều người quan tâm đâu. Mà thay vào đó, những bài học được chứa đựng trong chúng (mặc dù tôi sẽ cảnh giác trước những người quá chú ý đến Machiavelli) đã được vận dụng và áp dụng một cách thành công bởi những người trong giới kinh doanh.

Liệu có nên đọc to bài diễn thuyết không?

Những ưu điểm của việc đọc bài thuyết trình của bạn từ một bản ghi được viết sẵn thoạt đầu là khá rõ ràng.

Việc tập trung vào bản ghi chép đó sẽ đảm bảo rằng mọi điều bạn nói ra đều là đúng đắn và phù hợp, và sẽ giúp loại bỏ những từ lấp đầy bởi vì bạn không còn phải suy nghĩ về những điều cần nói nữa, và như vậy nghĩa là bạn không cần phải dành hết thời gian để nhìn vào mặt tất cả mọi người và tự hỏi họ đang nghĩ gì.

Ưu điểm là rõ ràng... song điều đó lại là giả dối.

Việc có sẵn một thứ gì đó trong tay, chẳng hạn như một bản ghi chép hoặc một tờ giấy ghi chú, luôn là một ý hay. Tuy nhiên, việc hoàn toàn dựa dẫm vào những ghi chú hay bản chép sẵn sẽ làm cho bài diễn thuyết của bạn trở nên vô hồn thiếu sức sống.

Tương tự, nếu bạn chỉ đứng đó và đọc thì bạn sẽ trông có vẻ như không tập luyện cho bài thuyết trình, và thêm nữa là ít hứng thú hoặc ít hiểu biết về những điều mà bạn đang trình bày. Điều đó có thể phá hỏng hoàn toàn bài diễn thuyết của bạn. Như vậy, nếu bạn nghĩ rằng mình không thể nhớ hết mọi điều thì bạn nên chăm chỉ cố gắng để tìm ra một điểm dừng thích hợp.

Tài liệu tham khảo

Không tìm thấy nội dung