Câu chuyện bắt đầu một cách vô tình khi Suzy giúp Jane, con gái cô, làm mô hình cho bài tập lớp 1. Jane bắt đầu làm mô hình một mình, nhưng rồi Suzy thấy rằng mô hình đó trông như của một đứa trẻ 3 tuổi làm vậy. Cô biết rằng mình cần can thiệp nếu không Jane sẽ không đạt được điểm tốt và sẽ bị tổn thương khi nhìn thấy mô hình của các bạn khác đẹp thế nào. Suzy biết tất cả các bậc phụ huynh khác đều sẽ giúp đỡ con họ. Cô không muốn bài tập của con gái mình giống như một trò cười. Suzy đã làm mô hình đó rất tốt và Jane được điểm A+. Thật may, vì cô đinh ninh rằng mô hình mà Jane làm lúc ban đầu chắc chắn sẽ bị điểm kém.
Rồi Suzy bắt đầu giúp Jane làm các bài tập về nhà khác, viết luận, và thậm chí cố gắng giúp cả những hoạt động ngoài lề như hùng biện và thuyết trình ở phiên toà giả định. Jane đạt điểm số rất cao ở trường và được tất cả các giáo viên ngưỡng mộ. Thật không may, cũng đến một ngày Suzy không thể giúp Jane với hàng đống bài tập đó nữa. Jane vào đại học và cảm thấy bị quá sức. Thay vì những điểm A, giờ Jane thậm chí phải chật vật để kiếm điểm C. Jane cảm thấy áp lực, thất bại, và trầm cảm.
Trường hợp của Suzy đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Văn hoá cạnh tranh đang làm các bậc cha mẹ cố gắng hết sức để nuôi dạy con cái, điều này có thể dẫn đến nuôi con theo kiểu cha mẹ trực thăng (helicopter parenting). Nhiều người tin rằng họ đang sử dụng những kỹ năng nuôi dạy con cái tốt nhất. Thật không may, việc tối đa hoá những kỹ năng này có thể phản tác dụng và không mang lại ích lợi nào cả. Ví dụ, việc một người giúp con họ làm bài tập về nhà khi đứa trẻ đang gặp vướng mắc và cần sự giúp đỡ khác hoàn toàn với một người khác cứ quanh quẩn cạnh bàn học của con mỗi tối để đứa trẻ làm bài tập hàng giờ dưới sự giám sát nghiêm khắc của cha mẹ.
Phương pháp nuôi con theo kiểu trực thăng nghĩa là đẩy kỹ năng nuôi dạy con tốt đến cực điểm, khi đó nó không còn hữu dụng hay mang lại lợi ích về lâu về dài nữa. Cha mẹ trực thăng đang kiểm soát đến mức huỷ hoại cuộc sống của con cái. Sự thịnh hành của phương pháp nuôi con kiểu này đang tăng lên và có sự gia tăng tương ứng của những đứa trẻ gặp khó khăn sau khi rời nhà để bắt đầu sống như người lớn. Chăm con quá mức thật sự gây nguy hiểm cho con trẻ về lâu về dài.
Nghiên cứu cho thấy rằng có sự tương quan giữa nuôi con kiểu trực thăng và những đứa trẻ bị trầm cảm và lo âu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ này khi lớn lên có kỹ năng đương đầu kém hơn, ít khả năng tự suy nghĩ sáng tạo hơn, và có nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề.[1]
Các bậc phụ huynh trở thành cha mẹ trực thăng như thế nào
Lý do đầu tiên, hầu hết họ trở thành cha mẹ trực thăng là vì họ muốn con mình được an toàn. Dạng nuôi con kiểu trực thăng này thường được thấy ở những người cha mẹ luôn dõi theo con cái khi chúng leo trèo, thậm chí giữ chúng khi trượt xuống cầu trượt chỉ vì sợ chúng sẽ bị đau nếu tự chơi một mình.
Khi nói đến an toàn thì có vài nỗi sợ cũng được coi là chính đáng, và một số người đang kéo căng nỗi sợ quá xa và một nỗi sợ hãi lo lắng liền bao trùm lấy không chỉ cha mẹ, mà sau đó là cả gia đình. Vài vết thương nhỏ khi đang leo trèo có thể chấp nhận được, thậm chí chúng còn có ích về sau này vì bọn trẻ sẽ phải học cách tự cẩn thận hơn. Nếu không, chúng có thể bị thương nặng hơn khi trải nghiệm những thử thách vận động lớn hơn, như là trượt ván trong công viên khi cha mẹ không có ở đó để ngăn ngừa việc chúng bị thương và nhắc nhở chúng phải cẩn thận.
Một vài vết thương khi bọn trẻ còn nhỏ và ở những môi trường an toàn (những nơi dành cho trẻ nhỏ chơi đùa) sẽ giúp chúng tự nhận biết rằng chúng phải tự bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm. Bọn trẻ cần học cách bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm vì cha mẹ không thể luôn ở cạnh để bảo vệ chúng, đặc biệt khi chúng lớn lên.
Cha mẹ yêu con cái mình và không muốn nhìn thấy chúng thất bại. Họ muốn con mình thành công trong cuộc sống, cũng như họ muốn chúng cảm thấy sự tự tin khi thành công. Họ khao khát điều tốt nhất cho con mình và cho khả năng của chúng. Họ không muốn con mình bị nguy hiểm, và thất bại vì chúng có thể đau đớn. Tuy nhiên, không cho phép những thất bại nhỏ xảy ra sẽ ngăn chúng học hỏi cách đương đầu với thất bại, điều này sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn cho bọn trẻ trong tương lai.
Cái tôi của cha mẹ chính là sự cản trở. Quá nhiều cha mẹ đang nghĩ cuộc sống của họ là cuộc sống của con họ. Họ coi thất bại và thành công của bọn trẻ là của mình. Vì lẽ đó, họ muốn giúp con mình thành công, nên họ đã nuôi dạy đứa trẻ một cách thái quá đến nỗi hủy hoại chúng về sau này. Cha mẹ phải tách biệt [cái tôi] của mình với [cái tôi] của đứa trẻ vì tương lai của chúng.
Tác dụng tiêu cực của việc nuôi con theo kiểu trực thăng
Khi cha mẹ nuôi dạy con thái quá hoặc nuôi theo kiểu trực thăng thì họ đang cản trở đứa trẻ theo những cách sau:
Dập tắt sự sáng tạo
Bài tập được giao về nhà cho con bạn là để chúng tưởng tượng và suy nghĩ một cách sáng tạo, từ đó hoàn thành bài tập theo ý tưởng riêng của chúng. Nếu cha mẹ nghĩ ra ý tưởng và động não thay con mình, họ đang tước mất cơ hội để con họ được suy nghĩ sáng tạo.
Thay vào đó, cha mẹ cần để cho con cái mình được suy nghĩ sáng tạo để tự hoàn thiện dự án nhỏ hoặc bài tập về nhà.
Nếu con cần sự giúp đỡ, cha mẹ có thể hướng dẫn con tự tháo gỡ vấn đề. Sẽ rất hữu ích khi đưa ra những câu hỏi gợi mở để dẫn dắt con có những suy nghĩ sáng tạo. Con trẻ nên được khen ngợi vì những suy nghĩ tự chúng nghĩ ra, kể cả khi những ý tưởng đó khác xa những gì cha mẹ sẽ nghĩ hoặc làm.
Động viên bọn trẻ tự suy nghĩ và không hạ thấp khả năng trí tuệ của chúng bằng cách chỉ trích các suy nghĩ theo bất kỳ cách nào là một việc thật tuyệt vời. Nếu suy nghĩ của chúng không thực tế thì cha mẹ có thể đặt nhiều câu hỏi mở hơn để trẻ có thể nhận ra chúng cần tự kiểm soát ý nghĩ và nhận thấy những khó khăn tiềm tàng trong suốt quá trình.
Con trẻ có thể sẽ làm cha mẹ ngạc nhiên với sự sáng tạo của chúng và hướng giải quyết cho những thất bại.
Ngăn sự phát triển kỹ năng đương đầu
Nếu Jane bị điểm kém cho bài tập làm mô hình hồi lớp 1, thì cô bé sẽ được trải nghiệm sự thất bại và học cách kiểm soát những cảm xúc đó. Jane cũng sẽ học được rằng mình tự đạt được số điểm đó bằng chính sức của mình, điều này mang đến sự tự chủ và có quyền trong môi trường học thuật từ rất sớm. Việc để thất bại xảy ra sẽ cho phép bọn trẻ phát triển kỹ năng đương đầu với thất bại. Điều này cũng cho phép chúng phản ứng với thất bại bằng cách thử mọi thứ theo những cách khác nhau trong lần tiếp theo hoặc yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần (giúp đỡ, chứ không phải cha mẹ làm luôn hộ bài tập).
Thay vào đó, cha mẹ cần để con mình trải nghiệm những thất bại nhỏ trong suốt cuộc hành trình, để chúng có thể phát triển các kỹ năng sống lành mạnh.
Cha mẹ cần kiềm chế đừng cứu con mình khỏi những thất bại nho nhỏ. Bọn trẻ cần cho phép chúng tự thất bại. Rồi cha mẹ sẽ thấy rằng tính cách của các con bắt đầu phát triển. Chúng sẽ khám phá ra tinh thần làm việc trong suốt hành trình và sẽ tự mình tìm ra cách tốt nhất để đối mặt với thất bại.
Nếu cha mẹ cứu con mình khỏi tất cả những thất bại nhỏ bé, thì điều gì sẽ xảy ra khi chúng gặp phải một thất bại to lớn (như là bỏ học đại học hoặc bị sa thải khỏi công việc đầu tiên) và chẳng có cách nào cha mẹ có thể làm để giải quyết vấn đề hoặc để ngăn ngừa thất bại một khi nó xảy ra? Đứa trẻ đó, hoặc mới trưởng thành, có thể bị trầm cảm một cách nghiêm trọng hoặc tệ hơn, vì đã không phát triển được kỹ năng sống phù hợp từ khi còn nhỏ.
Cha mẹ phải cho phép con mình thất bại. Họ có thể giúp chúng đương đầu với thất bại theo một cách có lợi. Bọn trẻ theo đó sẽ học được cách làm mọi thứ khác đi để có một kết quả khác hoặc tốt hơn trong lần sau.
Trong quá trình phát triển kỹ năng đương đầu tốt, cha mẹ nên có mặt để sẵn sàng ủng hộ. Điều này có nghĩa là cha mẹ ở đó để lắng nghe con mình khi chúng trải qua thất bại, khó khăn, hoặc đơn giản chỉ là đang đối mặt với một tình huống khó.
Một cách tốt để đương đầu với những khó khăn này là hãy nói chuyện một cách chi tiết và dùng những câu "Con cảm thấy". Cha mẹ có thể giúp con mình phát triển kỹ năng đương đầu bằng cách khích lệ con biểu lộ cảm xúc về tình huống hiện tại bằng cách sử dụng những câu "Con cảm thấy". Sử dụng phương pháp này giúp trẻ nhận trách nhiệm về vai trò của mình trong tình huống hơn là chỉ tay vào người khác và đơn giản là đổ lỗi.
Giúp trẻ mở lòng và nói chuyện là một trong những cách chính để giúp chúng học cách đối mặt với một tình huống. Chúng cũng có thể giải quyết vấn đề trong khi đang đối mặt với khó khăn cùng một lúc, vì những chuyện này có thể đi cùng nhau.
Có thể thật khó khăn cho cha mẹ khi nhìn thấy con mình trải qua nỗi buồn, sự giận dữ, và nỗi thất vọng. Tuy nhiên, nếu bọn trẻ có thể học được cách đối mặt với cảm xúc từ sớm thì chúng sẽ được chuẩn bị kỹ càng hơn để đương đầu với những vấn đề lớn hơn khi lớn lên, mà những vấn đề này thì không thể tránh được rồi.
Tước đi cơ hội có được sự tự tin
Nếu điểm số của một đứa trẻ có được bởi bài tập được hoàn thành hoàn toàn hoặc thậm chí chỉ một phần nhờ cha mẹ, thì đứa trẻ đó không thể thấy tự tin vào khả năng của mình được. Bọn trẻ rất thông minh. Chúng biết khi nào chúng đạt được điểm số dựa trên chính khả năng của mình.
Nếu cha mẹ giúp đỡ quá nhiều trong suốt quá trình, thì đứa trẻ có thể cảm thấy rằng cha mẹ đang giúp mình có lẽ vì mình không đủ khả năng đạt điểm tốt hoặc điểm khá. Việc cha mẹ luôn luôn can thiệp để giúp đỡ làm giảm sự tự tin vốn có của đứa trẻ vào khả năng của mình. Nếu cha mẹ tiếp tục can thiệp thái quá vào ý tưởng và bài tập của con mình thì đứa trẻ sẽ hiểu rằng những gì mình làm chỉ đang ở mức dưới trung bình, và sự tự tin sẽ biến mất ngay.
Thay vào đó, cha mẹ cần khuyến khích con cái tin vào khả năng và năng lực của mình.
Điều này có nghĩa là cha mẹ cần để con mình tự làm bài tập để chúng có thể được chấm điểm dựa trên năng lực để chúng tự tin vào khả năng của mình.
Khi bọn trẻ tự làm mọi thứ, chúng cảm thấy mình có khả năng. Thậm chí nếu điểm số không phải là thứ cha mẹ mong muốn, thì việc quan trọng hơn vẫn là để chúng thấy tự tin và có thể tự làm mọi thứ. Cha mẹ không thể nắm tay các con khi chúng trưởng thành và giúp đỡ với những dự án chúng sẽ đảm nhận trong công việc, vậy nên cha mẹ phải để con được trải nghiệm làm mọi thứ mà không có sự giúp đỡ từ khi còn nhỏ.
Cho phép con hoàn thành mọi việc một cách độc lập sẽ giúp con cùng lúc trở nên tự tin và đủ năng lực.
Ngăn việc luyện tập đưa ra quyết định
Khi cha mẹ quyết định mọi thứ thay cho con mình từ quần áo, đồ ăn, đến đi học trường nào, họ đang tước đi khả năng đưa ra quyết định của con mình. Nếu bọn trẻ không được trải qua sự cần thiết của việc đưa ra quyết định hàng ngày, thì chúng sẽ không được trang bị kỹ càng để bước vào tuổi trưởng thành.
Người lớn cần có khả năng đưa ra những lựa chọn và quyết định tốt. Nếu bọn trẻ chưa từng được cho phép lựa chọn hay quyết định, thì chúng chưa hề trải qua thành công hay thất bại của quyết định của cá nhân mình.
Thay vào đó, cha mẹ cần hướng dẫn và định hướng con cái ở những quyết định lớn trong cuộc đời nhưng cũng cho phép con đưa ra những lựa chọn và quyết định nho nhỏ trong cuộc sống.
Cảm giác thật quyền lực đối với một đứa trẻ khi được đưa ra những quyết định của riêng mình trong cuộc đời, nhưng nó cũng có thể thật đáng sợ. Đó là lý do tại sao cha mẹ phải bắt đầu từ từ và dần phát triển khả năng đưa ra quyết định khi con cái trưởng thành và bộc lộ sự phán xét tốt. Cha mẹ tốt sẽ không để một đứa trẻ 5 tuổi có hình xăm vì chúng muốn thế mà tự đưa ra quyết định đó, vì đây là một quyết định quá quan trọng và mang tính vĩnh viễn. Tuy nhiên, chúng sẽ thấy mình có quyền lựa chọn ở tuổi lên 5 khi bạn để chúng tự chọn quần áo hoặc tự chọn quà cho anh chị em trong nhà trong dịp nghỉ lễ.
Cha mẹ cần cho phép bọn trẻ bắt đầu đưa ra những quyết định phù hợp với lứa tuổi từ sớm, bằng cách đó khi trưởng thành chúng đã đưa ra đủ các quyết định tuyệt vời và tồi tệ trong suốt quá trình và chúng đã biết được hậu quả. Chúng cũng sẽ phát triển những ưu tiên và ý kiến cá nhân. Những điều này đều mang đến khả năng quyết định cho chúng khi vừa trưởng thành.
Không biết rõ hậu quả về hành động của chính mình
Nếu cha mẹ tiếp tục giúp đỡ con cái thoát khỏi những tình huống tồi tệ và không cho phép hậu quả xấu xảy ra, thì chúng sẽ không có được sự nhận thức về hậu quả thật sự.
Ví dụ, nếu bọn trẻ liên tục đến trường muộn vì chúng đi bộ đi học, và cha mẹ gọi cho hiệu trưởng và nhận lỗi, bằng cách đó đã giúp con mình không bị phạt, thì chúng sẽ không học được rằng việc đi học muộn sẽ dẫn đến bị phạt. Chúng lại học được rằng cha mẹ có thể cứu mình và giúp mình thoát khỏi rắc rối. Điều này có thể dẫn đến những hành vi ở mức độ nguy hiểm hơn vì bọn trẻ tin rằng cha mẹ có thể giải thoát mình khỏi những hậu quả tồi tệ.
Vì thế, cha mẹ cần để con cái nhận trách nhiệm cho hành động của chúng và tự gánh chịu hậu quả.
Cha mẹ sẽ thấy khó khăn khi thấy bọn trẻ bị đình chỉ hoặc đuổi khỏi một hoạt động nào đó chỉ vì hành động của chúng chứ? Đương nhiên rồi. Nhưng đây đều là trải nghiệm để học hỏi. Mục tiêu là để bọn trẻ hiểu rằng hành vi của chúng ảnh hưởng đến chính bản thân chúng và người khác nữa. Hậu quả rất cần thiết cho quá trình học hỏi này. Nếu cha mẹ luôn luôn ngăn ngừa hậu quả thì đứa trẻ sẽ không học được bài học. Điều này có thể dẫn đến hành vi tồi hơn và những hậu quả tệ hơn mà cha mẹ có thể không có khả năng giúp đỡ con mình trong tương lai (ví dụ như vào tù chẳng hạn).
Cha mẹ nào để con cái học từ những hậu quả thật sự là cha mẹ tốt, kể cả khi những hậu quả này có khó khăn với các con và với chính cha mẹ.
Cản trở kỹ năng giải quyết vấn đề một cách độc lập
Giải quyết vấn đề là một kỹ năng sống cần thiết để trở thành người lớn với đủ năng lực. Nếu cha mẹ luôn luôn giải quyết vấn đề hộ con mình thì chúng sẽ không học được cách tự suy nghĩ hướng giải quyết và tiến hành những giải pháp đó. Nếu cha mẹ luôn giải quyết vấn đề hộ con vì họ đang cố gắng làm cuộc sống của con mình dễ dàng hơn, thì họ đang thật sự làm hại con mình.
Làm thế nào để bọn trẻ biết phải làm gì khi chuyến bay bị huỷ một ngày nào đấy trong tương lai, hoặc phải làm gì khi lốp xe bị xịt khi chúng đang kẹt trên đường cao tốc? Chúng có thể gọi cha mẹ để xin lời khuyên, nhưng nếu không ai nghe máy thì sao? Khả năng tồn tại của chúng trong thế giới thực bị giảm thiểu kinh khủng khi cha mẹ luôn giải quyết hộ vấn đề từ khi chúng còn nhỏ.
Thay vào đó, bọn trẻ cần được trải nghiệm việc giải quyết vấn đề từ khi còn nhỏ để học cách thoát ra khỏi những tình huống khó khăn. Cha mẹ có thể hướng dẫn con mình qua những câu hỏi phù hợp để giúp đứa trẻ bắt đầu đi đúng hướng.
Ví dụ, nếu bọn trẻ không thể tìm thấy đồ chơi ở đâu và nhờ mẹ tìm hộ, thì cách đáp lại tốt nhất từ người mẹ sẽ là gì? Có phải là đi tìm thứ đồ chơi đó không? Hay liệu có tốt hơn khi người mẹ hỏi xem lần cuối chúng chơi đồ chơi đó là ở đâu và gợi ý chúng tự đi tìm xem sao? Cách giải quyết thứ hai chắc chắn có tác dụng hơn, vì nó cho bọn trẻ khả năng tự suy nghĩ nên bắt đầu tìm ở đâu và tự làm việc đó. Chúng sẽ tìm thấy đồ chơi và vì thế sẽ giải quyết vấn đề này chỉ với một chút hoặc hoàn toàn không có sự giúp đỡ nào.
Đó là mục đích của việc nuôi dạy con cái, để giúp con cái phát triển các kỹ năng để giải quyết vấn đề của riêng chúng khi gặp phải trong cuộc sống. Nếu bọn trẻ thấy cha mẹ cứ giải quyết vấn đề của mình, thì chúng sẽ trở nên phụ thuộc vào cha mẹ dù kỹ năng sống này đặc biệt cần thiết để tồn tại trong cuộc sống.
Cha mẹ phải giúp con cái tự giải quyết vấn đề của mình từ khi còn nhỏ, với sự hướng dẫn và các câu hỏi định hướng, nhưng cũng để đứa trẻ đi theo hướng giải quyết của riêng mình. Làm như vậy sẽ khiến đứa trẻ dần dần trở nên độc lập trong việc giải quyết vấn đề trong tương lai.
Nuôi con kiểu trực thăng biến bọn trẻ thành những chú cừu non
Kết cục của những bậc phụ huynh nuôi con kiểu trực thăng là bọn trẻ khi mới trưởng thành không biết cách tự đứng trên đôi chân của mình, thì chúng chỉ là những con cừu non còn cha mẹ là người chăn cừu mà thôi.
Những đứa trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ trực thăng không có những kỹ năng cần thiết để đưa ra quyết định trong cuộc sống, để đối mặt khi mọi thứ trở nên tồi tệ, và chúng không hiểu được hậu quả của những quyết định và hành vi xấu. Cha mẹ chúng đã ở bên hàng năm trời, giúp đưa ra mọi quyết định, hoàn thành mọi loại bài tập, và kiểm soát tất cả các hành vi đến mức bọn trẻ không có nổi một tính cách tách biệt khỏi cha mẹ và cha mẹ cũng thế.
Cha mẹ nào có cái tôi hoặc tính cách gắn chặt với con mình sẽ đưa ra quyết định dựa trên bản thân họ, hơn là để đứa trẻ có quyền tự chủ (với sự hướng dẫn và định hướng của cha mẹ trong suốt quá trình). Cha mẹ phải nhận ra rằng sự độc lập, và việc trải nghiệm thất bại, là cần thiết để làm nên một người có đủ năng lực và thành công. Nếu bọn trẻ không bao giờ được trải nghiệm thất bại hoặc khả năng để tự đưa ra quyết định khi còn nhỏ, thì chúng sẽ không thể làm vậy khi lớn lên.
Cha mẹ cần để con mình tự làm những thứ mà chúng có thể làm được, để chúng cố gắng làm những thứ có vẻ như có khả năng làm được, và chấp nhận thất bại và hậu quả kéo theo để học hỏi được từ những điều này. Làm vậy sẽ giúp bọn trẻ trở nên tự chủ, tự tin, và có đủ năng lực sẵn sàng bước vào đời, chứ không phải là những con cừu bước vào tuổi trưởng thành và vào đời mà không có sự dẫn dắt của người chăn cừu.
Nguồn ảnh bìa: Helicopter Parents từ bing.com