Hãy tưởng tượng bạn được lựa chọn cho một vai diễn trong vở kịch "Bức tranh của Dorian Gray” tại rạp hát địa phương.
Nhiều tuần luyện tập khiến bạn rất tự tin cho vở kịch. Vào đêm khai mạc, tấm màn được kéo lên, còn bạn háo hức chờ đợi, sẵn sàng cho thời khắc xuất hiện trước khán giả.
Khi bước về phía trung tâm sàn diễn, thì tai họa xảy ra... Bạn đã ước lượng sai chiều cao của sân khấu, và trong một giây, bạn ngã sấp mặt xuống - ngay trước toàn bộ khán giả!
Xấu hổ là một từ để mô tả tình huống đó. Nhục nhã là một cách nói khác.
Chúng ta không thể tránh những khoảnh khắc xấu hổ, vì vậy hãy đối mặt với nó
Những tình huống xấu hổ thực sự có thể thay đổi cách chúng ta cư xử trong nhiều năm về sau.
Ví dụ, nếu bạn là một người chơi thể thao kém thời còn ở trường, bạn hẳn sẽ tìm cách tránh né các môn thể thao cạnh tranh khi trưởng thành. Điều này đặc biệt đúng nếu thời đi học, bạn bị bạn bè chế giễu về khả năng thể thao của mình. (Trẻ em có thể rất tàn nhẫn!)
Rõ ràng, sự xấu hổ có thể trở thành một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến cách chúng ta hành động và sống cuộc sống của mình.
Vì bạn sẽ luôn phải đối diện với những tình huống xấu hổ, việc học cách đối phó với những tình huống đó là hoàn toàn hợp lý. Để làm điều này, đầu tiên bạn cần hiểu biết về các loại tình huống xấu hổ khác nhau mà tất cả chúng ta gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Thực tế, có 6 loại tình huống xấu hổ khác nhau
Bạn có thể chưa từng suy nghĩ nhiều về những tình huống xấu hổ của mình. Trên thực tế, bạn có lẽ đã tìm cách quên đi tất cả!
Tuy nhiên, nếu có ý định đối mặt với nó, điều quan trọng là bạn phải hiểu biết về các loại tình huống xấu hổ khác nhau.
1. Khi quyền riêng tư của bạn bị xâm phạm
Việc bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân có thể tỏ ra vô cùng khủng khiếp. Ví dụ, hãy tưởng tượng nếu hình ảnh cá nhân của bạn bị tin tặc đánh cắp và đăng công khai cho tất cả mọi người xem. Danh tiếng của bạn có thể bị lu mờ, và bạn sẽ bị mất mặt với bạn bè và gia đình.
2. Khi bạn không hiểu biết điều gì
Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ không muốn làm điều này, nhưng... Nhiều người vẫn hay phóng đại kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc. Khi viết, họ có thể thỏa thích diễn giải ngôn từ theo ý riêng. Tuy nhiên, một cuộc phỏng vấn khó khăn có thể nhanh chóng làm lộ ra sự dối trá của họ. Cảm giác xấu hổ, tội lỗi và bối rối rất dễ dàng nhận thấy trên gương mặt con người.
3. Khi bạn bị chỉ trích
Bạn có nhớ lần đầu tiên hẹn hò ai đó không? Hẳn, bạn đã dành nhiều tuần để lấy hết can đảm nói chuyện với người trong mộng của mình. Khi thời điểm chín mùi, bạn vượt qua mọi giới hạn cá nhân và hỏi họ có muốn đi chơi với bạn không. Thật không may, người bạn mời mỉm cười trước khi trả lời: "Không, cảm ơn!". Quả là một tình huống xấu hổ khủng khiếp cho bạn. (Mà có thể đến bây giờ, bạn vẫn chưa hồi phục hoàn toàn).
4. Khi bạn làm điều gì vụng về
Tôi từng làm việc trong một văn phòng xinh xắn bên dòng sông Thames ở London. Chúng tôi rất may mắn có sân riêng ngay sát mép nước. Với chúng tôi, đó thực sự là thiên đường. Tuy nhiên... một ngày nọ, quản lý của tôi đang nói chuyện điện thoại trong khi đi dạo quanh sân. Quá tập trung vào cuộc đối thoại, ông đã tới quá sát ngoài rìa. Tôi nhớ mình đang nhìn vào ông, ngay lúc ông rơi xuống sông! Điện thoại bị trôi mất, và ông hoàn toàn ướt sũng. Tôi không chắc rằng ông ta đã bao giờ xoay sở để quên đi được ký ức đó không.
5. Khi bạn cảm thấy không hài lòng với hình ảnh của mình
Bạn có nhận thấy mọi người dường như luôn bị ám ảnh bởi việc bị già đi? Ở đây, tôi đang đề cập đến những nỗ lực vô ích của chúng ta để níu lại bàn tay của thời gian. Xu hướng này bắt đầu với những cô gái tuổi teen. Trong hầu hết trường hợp, họ dường như không bao giờ muốn lớn lên. Những năm sau tuổi thiếu niên là giai đoạn mà hầu như tất cả mọi người đều cố gắng để được trẻ mãi. Tôi sẽ không kể tên trực tiếp, nhưng một vài người bạn nam của tôi, vì xấu hổ về mái tóc xám của mình - nên bây giờ thường xuyên nhuộm tóc. Tất nhiên, còn nhiều hành động cực đoan hơn thế này nữa. Hãy nghĩ về sự phổ biến ngày càng gia tăng của phẫu thuật thẩm mỹ mà xem.
6. Khi bạn không cảm thấy phù hợp với mọi người
Tôi chắc chắn bạn đã từng nghe về hiện tượng sốc văn hóa.[1] Điều này xảy ra với phần lớn những người chuyển đến sống ở nước ngoài. Nếu như vài tuần đầu có thể ổn thỏa, thì sau đó, họ bắt đầu thấy mình bị cuốn vào những tình huống bực bội và xấu hổ do nền văn hóa mới mà họ đã hòa mình vào. Ví dụ, trong khi một số nền văn hóa yêu cầu phụ nữ phải ăn mặc kín đáo ở bãi biển, thì các quốc gia khác lại thoải mái hơn nhiều - một số thậm chí còn cho phép khỏa thân.
Nếu tất cả chúng ta đều cảm thấy xấu hổ, tại sao không biến nó thành lợi thế?
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng xấu hổ có thể là một điều tốt?
Thực tế là vậy. Với phản ứng đúng đắn, những tình huống xấu hổ chắc chắn có thể được biến đổi thành ra có lợi cho bạn.
Bây giờ, hãy cùng xem qua một số phương pháp nhé.
Làm giảm nhẹ mức độ trầm trọng của tình huống
Bạn có nhớ Tổng thống Obama từng một lần đi vào Nhà Trắng (trong khi được quay bởi hàng chục máy quay) để rồi thấy lối vào thông thường của ông đã bị chặn lại. Chắc chắn, đó là một tình huống rất xấu hổ. Tuy nhiên, Tổng thống không để mình bị bối rối bởi tình huống xảy ra. Thay vào đó, ông bình tĩnh đi bộ vài mét đến cửa tiếp theo - đã được mở khóa. Bạn cũng có thể sử dụng thủ thuật này. Thay vì làm cho tình huống xấu hổ trở nên còn tồi tệ hơn. Hãy luôn bình tĩnh.
Chuyển hướng sự việc
Bạn đã vô tình xúc phạm một trong những người bạn của mình với một trò đùa không phù hợp. Bạn có thể làm gì để sửa sai? Vâng, một lời xin lỗi chắc chắn là ý tưởng tốt trong trường hợp này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chuyển hướng sự việc càng nhanh càng tốt. Bạn có thể làm điều này, bằng cách thay đổi cuộc trò chuyện sang một chủ đề hoàn toàn khác. Chỉ cần chắc chắn rằng đó là một chủ đề mà bạn của bạn thực sự quan tâm.
Ngừng phát lại các tình huống xấu hổ
Ước gì tôi đã không làm điều đó. Giá như tôi đã không nói như vậy. Giá như, giá như, giá như... Hãy dừng lại ngay! Bằng cách phát lại các tình huống xấu hổ trong tâm trí, bạn sẽ tự làm mình phát điên. Sai lầm đã xảy ra, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tự hành hạ mình bằng cách lặp đi lặp lại trong tâm trí. Thay vào đó, luôn cố gắng tập trung vào hiện tại hoặc một mục tiêu tích cực. Một mẹo khác để ngăn chặn tâm trí của bạn phát lại những khoảnh khắc xấu hổ, là giữ cho bản thân luôn bận rộn với những suy nghĩ tích cực.
Tự cười giễu chính mình
Một nghiên cứu vào năm 2011[2] cho thấy khả năng tự cười chính mình là dấu hiệu của một tính cách lạc quan. Thật dễ hiểu, những người bi quan hiếm khi cười nhạo chính họ (họ quá bận rộn với việc tỏ ra đau khổ!). Khả năng xử lý các tình huống xấu hổ như khi bị vấp ngã nơi công cộng, sau đó có thể tự cười chính mình sẽ rất có lợi cho bạn. Không chỉ mọi người xung quanh sẽ phản ứng tích cực với hành vi của bạn - mà chính bạn cũng cảm thấy bớt xấu hổ hơn nhiều.
Hãy cứ bước tiếp và đừng ngại ngùng
Xấu hổ thường đi kèm với tác dụng phụ về thể chất như đỏ mặt. Tuy nhiên, đây không nhất thiết là một điều xấu. Nếu bạn đỏ mặt khi nhận ra mình đã phạm sai lầm, người khác sẽ thấy ngay rằng bạn là người có trái tim nhân ái và giàu cảm xúc. Đây là những đặc điểm tốt, sẽ khiến mọi người yêu quý bạn. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn vô tình đưa thiếu tiền cho nhân viên thu ngân tại cửa hàng. Đang khi bước ra, bạn nghe họ gọi lại: "Xin lỗi, quý khách chưa trả đủ tiền". Nếu bạn tỏ ra bối rối và đỏ mặt, thì nhân viên thu ngân sẽ biết ngay rằng bạn đã phạm một sai lầm trung thực.
Như vậy, giờ đây bạn đã biết về các loại tình huống xấu hổ khác nhau, và cách tốt nhất để đối phó với chúng.
Từ đây, hãy sử dụng kiến thức này, và bắt đầu làm cho cuộc sống của bạn trở nên hạnh phúc và thành công hơn.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | InterNations: Sốc Văn Hóa Là Gì? |
[2] | ^ | The Huffington Post: Khoa Học Đã Chứng Minh: Bạn Thực Sự Nên Tự Giễu Chính Bản Thân |