3 tháng trước
Làm Thế Nào Để Xây Dựng Tính Kiên Cường Trước Mọi Thử Thách Của Cuộc Sống
317

3640
Lượt xem
125
Lượt chia sẻ
1
Lượt bình luận

Đã bao giờ bạn để ý thấy rằng có những người thực sự rất giỏi đứng dậy sau biến cố chưa? Họ lách mình trước hàng loạt cú đòn mà cuộc đời giáng tới một cách hầu như chẳng tốn chút công sức nào. Suốt nhiều năm trời tôi đã tự hỏi bí quyết của họ là gì.

Tôi đã tới gặp các chuyên gia trị liệu bằng thôi miên, tìm kiếm trong đạo Phật, đọc qua một lượng lớn những cuốn sách về chủ đề tự lực (tôi nghĩ là những người tại thư viện ở chỗ tôi có hơi lo lắng về điều đó), tất cả đều vô ích. Tôi đã tự hỏi phải chăng những người kia vốn đã mạnh mẽ bền bỉ một cách lạ thường? Thậm chí có lẽ là thái độ "bất cần" một cách lạ thường chăng?

Không, rốt cuộc thì những người đứng vững trước khó khăn chỉ có tính kiên cường, và không gì khác nữa cả.

Tin vui là tính kiên cường có thể được học hỏi và phát triển

Đáng ngạc nhiên là không có một định nghĩa duy nhất nào về tính kiên cường được tất cả mọi người đồng thuận; nhưng nói chung, tính kiên cường là nhân tố bí ẩn đặc biệt giúp con người tiếp tục tiến lên vượt qua khó khăn. Ở một mức độ nào đó, tính kiên cường là sản phẩm của các yếu tố sinh học, tức là được hình thành trong thời thơ ấu khi bộ não đang trong quá trình phát triển.[1]

Một nghiên cứu kéo dài ba mươi năm đã theo dõi 698 trẻ em qua ba thập niên đầu của cuộc đời.[2] Trong thời gian nghiên cứu, sự chú ý đặc biệt được hướng đến cách phản ứng của họ trước những sang chấn tổn thương và sự căng thẳng trong cuộc sống. Hai phần ba trong số họ xuất thân từ những gia đình ổn định, thoải mái, và họ có cách sống nói chung là tạm ổn.

Một phần ba còn lại được xem là "có nguy cơ", gặp phải những điều khó khăn và căng thẳng khác thường trong cuộc sống thường ngày của họ. Hai phần ba số người trong nhóm này đã không may lớn lên cùng với việc phát triển các vấn đề về học tập và hành vi. Một phần ba còn lại thì giống như những người sống trong các gia đình an toàn thoải mái, họ lớn lên thành những người tốt và biết quan tâm chu đáo. Họ đã phát triển được tính kiên cường.

Lý do cho kết quả này gồm hai mặt:

  • Một số người trong nhóm "có nguy cơ" đã gặp được một người chăm sóc luôn ủng hộ giúp đỡ họ và giúp đảm bảo là họ sẽ không phải một mình đơn độc vượt qua các vấn đề trong cuộc sống.
  • Những người khác vốn đã có tính cách độc lập cứng rắn từ khi còn nhỏ tuổi và vững bước trên đường đời theo cách riêng của họ.

Thú vị ở chỗ, có những người ban đầu vốn không kiên cường nhưng về sau này đã phát triển được tính kiên cường.

Để phát triển tính kiên cường, bạn không nhất thiết phải làm những việc quá khó khăn

Vậy cần làm gì để thực sự bồi đắp thêm tính kiên cường? Vâng, sau đây là bốn cách để xây dựng phẩm chất này, và cả bốn cách đều liên quan đến việc tìm ra sự bình yên trong chính bản thân mình.

1. Hãy luôn nhìn vào khía cạnh tươi sáng, đặc biệt là trước những tình huống đầy căng thẳng

Đây là điểm then chốt, tập trung nhấn mạnh vào khía cạnh của vấn đề. Điều này rất có ý nghĩa, bởi, ví dụ như nếu một người có xu hướng phản ứng lại với một sự kiện căng thẳng bằng cách nghĩ rằng đó là điều tệ hại nhất trên đời, thì nó sẽ trông đúng là như vậy thật. Nhưng nếu bằng cách nào đó họ vẫn duy trì được tính tích cực để nhìn ra tia sáng trong màn đêm, thì nó sẽ trông có vẻ bớt quá tải đi, và như vậy họ sẽ kiên cường hơn.

Vậy điều quan trọng là hãy duy trì tính tích cực khi nghĩ về quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Trong một vài trải nghiệm của mình với đạo Phật, tôi đã được dạy rằng thế giới hiện ra trước mắt chúng ta giống như những gì mà ta hình dung về nó, và sự tổn thương thực sự không phải là bản thân sự kiện đó, mà chính là phản ứng cảm xúc của chúng ta trước tổn thương (nếu bạn muốn có cái nhìn dựa trên tinh thần phương Đông).

2. Hãy duy trì mối liên hệ với một người luôn ủng hộ giúp đỡ mình

Một yếu tố chung thống nhất của hầu hết những đứa trẻ có tính kiên cường trong nghiên cứu kể trên là, các em có một hệ thống hỗ trợ. Các em có cha mẹ, người giám hộ, hoặc một giáo viên để làm chỗ dựa. Các báo cáo và nghiên cứu khác cũng gợi ý về điều tương tự như vậy.[3]

Tất cả những gì bạn cần có là một người nào đó muốn thấy bạn thành công và sẵn lòng giúp bạn làm được điều đó. Với trẻ em thì đó có thể là cha mẹ, người giám hộ hoặc giáo viên. Còn đối với bạn, việc có một nhóm bạn tốt cũng sẽ mang lại hiệu quả giống hệt như vậy.

3. Hãy làm điều tốt để khiến mọi người cảm thấy tốt đẹp

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc làm điều tốt sẽ làm tăng sự sản sinh serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều hòa tâm trạng trong cơ thể.[4] Mức serotonin thấp thường được phát hiện ở những người mắc chứng trầm cảm.

Thế nên việc làm điều tốt sẽ khiến bạn có cảm giác tốt đẹp.

Việc làm điều tốt cũng có thể giúp so sánh đánh giá mọi việc một cách chính xác nếu bạn gặp phải những người đang phải chịu đựng những thách thức khó khăn hơn trong cuộc sống của họ.

Một số ý kiến cũng đề xuất rằng hãy cố gắng ghi lại những lần mà bạn nhận được lòng tốt từ người khác, chẳng hạn như bằng cách lập ra một cuốn nhật ký hoặc blog về lòng biết ơn chẳng hạn.[5] Con người ta thường dễ ghi nhớ những lần mình bị đối xử không tốt hơn, do đó việc có một thứ để nhắc nhở về rất nhiều lần mình được đối xử tốt có thể giúp xóa bỏ tính tiêu cực đi đấy.

4. Hãy tự chăm sóc bản thân mình thật tốt

Điều này không chỉ có nghĩa là hãy luôn hoạt động tích cực và ăn uống tốt (những việc không thể làm hại bạn được), mà hãy chú ý đến tâm trí của mình nữa. Sự căng thẳng có thể tích lũy lại, và về sau này có thể tác động lâu dài đến tâm trạng của bạn và khiến bạn phản ứng một cách thái quá với những tình huống gây căng thẳng, rốt cuộc sẽ làm chúng trở nên tệ hại hơn nữa.[6]

Một bước lùi mà bạn có thể dễ dàng gặp phải có thể sẽ khiến bạn ngã gục nếu bạn đã có sẵn quá nhiều sự căng thẳng trong cuộc sống của mình rồi. Để chống lại hệ quả của sự căng thẳng tích lũy này, bạn nên đảm bảo là mình luôn được ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.

Kể cả khi bạn chỉ đang thư giãn thì có những phần của não vẫn đang làm việc tích cực hết công suất, đặc biệt khi bạn bị căng thẳng. Việc nghỉ ngơi và ngủ có thể khắc phục điều này.

Việc luyện tập tất cả những điều trên đây có thể cải thiện ngoạn mục tính kiên cường của bạn cùng với khả năng đứng vững trước những sang chấn và những bước lùi trong cuộc sống, cũng như giúp bạn được trang bị tốt hơn để xử lý những căng thẳng và có cảm giác dễ chịu khi làm việc đó.

Xin được kết thúc bằng khổ thơ cuối của bài thơ "Invictus" (tiếng Latinh nghĩa là "bất bại") của tác giả William Ernest Henley.[7]

Bài thơ này đã giúp ích rất nhiều cho Nelson Mandela trong suốt 25 năm ông bị giam trong tù, cũng như giúp ích cho tôi trong thời gian làm những việc tầm thường hơn nhiều. Bài thơ đã tóm gọn về tính kiên cường một cách rất hay.

“Không quan trọng cánh cổng dẫn đến đâu
Cuộn giấy kia dù kết đầy án phạt
Tôi làm chủ định mệnh cuộc đời mình
Tôi dẫn dắt linh hồn mình đi tới.”

Tài liệu tham khảo