3 tháng trước
Tư Duy Phản Biện Phân Định Tính Cách Riêng Sau Này Của Từng Cá Nhân Như Thế Nào
270

3024
Lượt xem
26
Lượt chia sẻ
9
Lượt bình luận

Từ thời khắc ra đời, chúng ta đã bắt đầu tiến vào giai đoạn tự điều chỉnh và thích ứng, vốn là yếu tố cốt lõi của sự sinh tồn. Cha mẹ, hay người nuôi dưỡng ta giúp ta cảm thấy thoải mái và an toàn khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Chúng ta được hướng dẫn cách ăn, ngủ và giao tiếp trong những ngày, tuần đầu của cuộc đời. Khi kĩ năng nhận thức phát triển và trở nên nhạy bén, ta bắt đầu quan sát, học hỏi theo những người nuôi dạy mình. Năm tháng dành cho học tập thậm chí còn bắt đầu trước cả khi ta bước ra ngoài hòa nhập với xã hội, tham gia vào các tổ chức, hệ thống có khả năng định hình ta thành những con người nhanh nhạy, độc lập và có ích.

Chúng ta phải học cách thu nhặt thông tin, đánh giá tình huống và đưa ra quyết định. Đây chính là Tư duy Phản biện, là kĩ năng giúp ta có cuộc sống như ý và đạt những thành công mong muốn.

Tư duy Phản biện là kỹ năng phân tích thông tin một cách khách quan để đưa ra nhận định đúng đắn. Từ những quyết định nhỏ bé nhất cho đến những vấn đề phức tạp hơn, kỹ năng này sẽ hỗ trợ ta quyết định lối đi trong cuộc sống mình.

Để phát triển toàn diện kỹ năng tư duy phản biện, ta cần rèn luyện các đặc điểm tính cách nhất định qua thời gian; bằng cách học từ các tấm gương, từ các trải nghiệm, những sai lầm và sau cùng là nắm lấy quyền tự quyết. Xác định được các đặc điểm này và bồi dưỡng chúng thành phản xạ tự nhiên sẽ tạo điều kiện hình thành tư duy phản biện. Các nghiên cứu[1] đã cho thấy rằng khuynh hướng sở hữu tư duy phản biện không nhất thiết là do di truyền, mà có được từ giáo dục, quá trình luyện tập, phát triển và hoàn thiện.

Mười đặc điểm tính cách sau đây là nền tảng của sự hình thành kỹ năng tư duy phản biện

Đồng cảm

Bạn cần biết cách đặt chính mình vào vị trí của người khác để có được góc nhìn đa chiều hơn. Điều này có nghĩa là để bản thân trải nghiệm những gì người khác có thể đang phải đối mặt.

Không thiên vị

Bạn phải làm quen, luyện tập cách đánh giá khách quan, tức là quan sát, tìm hiểu một vấn đề từ hai phía đối lập và xem xét mọi yếu tố từ vị trí trung lập.

Tìm bằng chứng

Điều bạn cần là sự thật. Chẳng ích lợi gì khi đánh giá dựa vào phỏng đoán. Bạn cần tìm kiếm thông tin đã được xác thực đối với nhiều phương diện của một vấn đề, hay một quyết định.

Sáng tạo

Bạn cần suy nghĩ theo nhiều hướng. Bạn đã từng có được những quyết định độc đáo, khác biệt chưa? Đôi khi câu trả lời không nằm trước mặt bạn mà cần nhìn theo góc nhìn đa diện hơn để có được.

Chuẩn mực đạo đức

Bạn cần đặt câu hỏi về lợi ích và trách nhiệm. Liệu quyết định của bạn có ảnh hưởng bất lợi tới người khác? Liệu bạn có đang tư lợi cho bản thân? Những tổn thất đi kèm (nếu có) là gì?

Sự sống còn

Bạn cần cân nhắc và chấp nhận các rủi ro. Đôi lúc bạn sẽ phải đưa ra một quyết định khó khăn để bảo vệ cho những điều quan trọng hơn. Những lựa chọn dễ dàng và an toàn nhất không phải lúc nào cũng là đúng đắn.

Sự cạnh tranh

Bạn cần duy trì sự cạnh tranh mà không trở nên cao ngạo. Phải thắng bằng bất cứ giá nào không phải là mục tiêu của bạn, nhưng khi dám chấp nhận thách thức và vượt qua chướng ngại để chinh phục các mục tiêu đã đặt ra, bạn chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Quá trình nghiên cứu

Bạn đã có đầy đủ thông tin cần thiết chưa? Liệu chúng đã được cập nhật, được xác thực, xem xét một cách khách quan và công bằng? Những thành kiến cá nhân của bạn là gì? Bạn có đang tỏ ra thiên vị không?

Sự công bằng

Bạn cần đặt câu hỏi, "Làm như vậy có thực sự là đúng đắn?", không chỉ đối với bản thân mà mở rộng ra cuộc sống xung quanh. Liệu có hậu quả gì có thể xảy ra, và bạn có thể đứng ra chịu trách nhiệm cho quyết định của mình không?

Tự tin vào chính mình

Sự tự tin của bạn do đâu mà có được? Do đặc quyền sẵn có hay là thành tựu rất khó khăn mới đạt được? Bạn có phấn đấu để có được sự tự tin ấy không?

Tư duy phản biện có ý nghĩa sống còn, không chỉ đảm bảo khả năng đối mặt với những thách thức trong cuộc sống của bạn, mà còn giúp bạn chấp nhận, trân trọng thực tế và sự thật. Không có tư duy phản biện, bạn dễ trở nên lạc lối, dễ bị thao túng, trở nên yếu ớt và chịu nhiều thiệt hại.

Sau đây là mười cách để cải thiện kỹ năng tư duy phản biện của bạn

Đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi là một trong những công cụ toàn năng để có được tư duy phản biện. Bạn không buộc phải chấp nhận mọi thứ khi chưa tìm hiểu, khám phá kĩ càng các khía cạnh của vấn đề. Những câu trả lời bạn có được sẽ dẫn tới nhiều câu hỏi hơn, và đấy là một điều tốt.

Đọc và học hỏi

Điều bạn cần có là tinh thần tự giác học hỏi và nghiên cứu. Những người đi trước bạn đã có được những bước đi nhất định, bạn có thể học hỏi từ họ và trang bị thêm cho bản thân những tri thức từ các nguồn đa dạng khác nhau.

Quan sát các luồng tranh luận đối lập

Đừng chỉ tìm kiếm các thông giúp xác nhận suy nghĩ của bạn, mà hãy theo dõi cả ý kiến đối lập. Những người với nguồn thông tin và nhận định bạn không đồng tình lại chính là nơi bạn có thể có được nhận định khách quan hơn. Bạn cần hiểu những mặt khác biệt của vấn đề, học cách thấu hiểu, từ đó biết cách quyết định rằng mình sẽ giữ nguyên chính kiến hay sẽ thay đổi suy nghĩ đang có của mình.

Lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia

Hãy tìm tới các học giả, các chuyên gia, những người cao tuổi hay ai đó đã từng bước trên con đường bạn đang theo đuổi. Bạn đang phải đưa ra quyết định gì, và ai đã từng đưa ra những quyết định tương tự? Có khả năng là họ sẽ có những lời khuyên thực tế và hữu ích để truyền đạt lại cho bạn.

Chiêm nghiệm lại những điều bạn đã trải qua

Đừng đánh giá thấp bản thân, mà hãy trân trọng góc nhìn cũng như hành trình cuộc sống mà bạn đã tự bước đi. Bạn đã học hỏi được điều gì? Bạn có thể áp dụng trải nghiệm, câu chuyện của chính mình vào quá trình đánh giá các lựa chọn này như thế nào?

Tìm hiểu lịch sử

Có những câu trả lời bạn chỉ tìm được nếu tìm hiểu về quá khứ. Thu thập thông tin về cách mà mọi chuyện đã xảy ra, cách các thành tựu được tạo dựng và phát triển cho đến ngày nay. Liệu có cột mốc thời gian nhất định đối với những thông tin bạn cần tìm không? Và những quyết định của bạn sẽ có ảnh hưởng gì trong tương lai?

Học hỏi từ những sai lầm của chính mình

Đừng sợ mắc sai lầm hay thất bại để rồi ngăn chính mình thử sức thêm lần nữa. Trong một vài tình huống, những khi ta nao núng lại là thời điểm ta học được các bài học quý giá nhất. Học hỏi từ thất bại của người khác cũng có thể giúp ích cho ta sau này.

Hành động khác đi

Nếu bạn cứ theo đuổi cách thức, thói quen cũ thì bạn không thể trông chờ một kết quả nào khác. Đôi khi bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, làm quen với những điều xa lạ không quen thuộc, để có được kết quả mới mẻ, khác biệt hơn.

Có can đảm để thay đổi theo hướng đối lập với hiện tại

Học cách đi ngược lại với bản chất. Chưa có ai sống nương theo định hướng đám đông mà đạt được thành quả vượt trội. Có những lúc, một giọng nói đơn độc giữa đám đông ồn ào đầy những lời nói mâu thuẫn, lại chính là điều bạn cần lắng nghe.

Luôn sẵn sàng chấp nhận thay đổi suy nghĩ của mình

Khi tiếp nhận thông tin mới, bạn có thể phải từ bỏ những gì bạn đã biết và thay đổi vị trí tiếp nhận, đánh giá hiện tại. Hãy loại bỏ những mâu thuẫn trong cảm xúc và trưởng thành hơn bằng cách chấp nhận rằng bạn đã sai và lựa chọn cách quan sát phù hợp hơn cho mình.

Tài liệu tham khảo

Không tìm thấy nội dung