Sợ hãi... Thứ cảm xúc được kích hoạt mỗi khi có sự đau đớn, tệ hại, nguy hiểm xuất hiện vào lúc này hay lúc khác.
Về bản chất, cảm xúc này được khơi dậy khi nguy hiểm trước mắt là có thật hoặc ngay cả khi đó chỉ là tưởng tượng. Bạn cảm thấy sợ hãi khi có điều gì đó đáng sợ, hoặc trong một số trường hợp thực tế chẳng có gì phải sợ cả.
“Nỗi sợ được huấn luyện để đi vào chúng ta, và có thể, nếu ta muốn, được huấn luyện để ra khỏi chúng ta.” - Karl Menninger
Sợ hãi là công cụ phản xạ cao nhất giúp ta thoát khỏi hiểm nguy, đó là cơ chế phản xạ sinh tồn. Chất adrenaline được giải phóng vào máu chúng ta, tạo ra các phản ứng sinh học.
Phản xạ và giác quan của chúng ta trở nên nhạy bén hơn, giúp ta thoát khỏi những hiểm nguy về mặt thể chất. Chúng ta bước vào trạng thái “chiến hay chạy” [1]
Khi sợ hãi, não bộ chúng ta truyền tín hiệu đến hệ thống thần kinh, nhịp đập tim tăng lên, huyết áp tăng, hơi thở trở nên dồn dập, và hoóc môn stress được giải phóng. Máu từ tim dồn ra ngoài, chuẩn bị cho chân và tay thực hiện hành động.
Do đó về cơ bản, não bộ đóng lại, hoạt động cơ thể giảm xuống và chuẩn bị cho hành động. Lý trí và khả năng suy nghĩ giảm xuống, một số người thậm chí còn cảm giác thời gian chậm lại và xuất hiện hiệu ứng “tầm nhìn hình ống”, cố gắng nắm bắt xem chuyện gì đang diễn ra. Những triệu chứng này khiến cho việc suy nghĩ logic và giữ mình lý trí rất khó khăn. Bản thân phản ứng của cơ thể trước căng thẳng hay sợ hãi gây ra căng thẳng.
Nỗi sợ là công cụ trợ giúp hữu ích khi có nguy hiểm thực sự, chứ không phải những nguy hiểm do mình nghĩ ra và không có khả năng thực sự gây hại. Nỗi sợ có thể là một trở ngại.
Nỗi sợ sẽ ngăn trở bạn nếu bạn không cần nó. Một ví dụ trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp là nỗi sợ khi đứng trước đám đông. Chúng ta đi đến những quyết định sai do các phản ứng sinh học của nỗi sợ.
Chúng ta cần vững vàng lý trí để xử lý một cách bình tĩnh và logic trong các tình huống, và không bị kích động quá mức.
Trên thực tế 99% các trường hợp, nỗi sợ ta trải qua là không có thật. Nỗi sợ tồn tại trong tâm trí chúng ta. Ta nghĩ mình đang bị nguy hiểm trong khi thực tế không phải như vậy.
Những nỗi sợ phổ biến bao gồm:
- Sợ nói trước đám đông
- Sợ người khác và những người lạ
- Sợ những người cầm quyền và sợ bị chỉ trích
- Sợ mất mát và thất bại
- Sợ thay đổi
- Sợ bị mất mặt, xấu hổ
- Sợ tuổi già
- Sợ cô đơn
- Sợ bị thất vọng
Chắc chắn mọi người, trong giai đoạn nào đó của cuộc đời, sẽ có liên hệ với một hoặc nhiều nỗi sợ ở trên. Cho dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hay ở mức độ tiềm thức.
Ngay cả những người thành công nhất cũng không thể nói họ chưa từng sợ hãi. Họ huấn luyện bản thân mình hành động thay vì nỗi sợ. Hãy ngừng phán xét bản thân nếu bạn đang sợ hãi, điều đó bình thường như mắc bệnh cúm vậy.
Bạn có sợ bị từ chối? Bạn có sợ rằng mình không đủ tốt, và những người khác sẽ phát hiện ra bạn không đủ thông minh, hoàn hảo hay hài hước? Bạn có sợ thất bại, và còn thành công thì sao, bạn có sợ thành công không?
Nỗi sợ tồn tại bên trong chúng ta và đi theo bạn như cái bóng. Tin vui là [2] bạn có khả năng và sức mạnh và có thể luyện tập sự dẻo dai để vượt lên bất kỳ nỗi sợ nào!
Chúng ta cần vượt qua những nỗi sợ tinh thần. Ta cần phân tích nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ và cách để vượt qua chúng.
Tại sao cần lên kế hoạch để vượt qua sự sợ hãi?
Hãy giải phóng bản thân mình khỏi sự nô lệ tinh thần. Không ai ngoài chính chúng ta mới có thể giải phóng cho tinh thần của mình - Bài ca Cứu rỗi, Bob Marley
Lý do chính là vì sợ hãi sẽ hạn chế tiềm năng của bạn. Phát triển cá nhân là sống cuộc sống tốt nhất bạn có thể. Nỗi sợ là một sự cản trở, ngăn cản những tiến bộ và phát triển cá nhân. Trong cuốn sách “Quyền năng và Sức mạnh” của mình, David Hawkins đã nhắc đến đến nỗi sợ như mức độ thấp thứ năm trên bản đồ 17 mức độ của ý thức.
Nếu bạn bám chặt vào những ảo tưởng sợ hãi [4] , bạn sẽ không thể vươn lên những mức độ cao hơn của ý thức như sự chấp nhận, can đảm, tình yêu, bình an, hạnh phúc và hiểu biết.
Kế hoạch 30 ngày vượt qua nỗi sợ
Những nghiên cứu (của Đại học Cambridge: Lập trình lại não bộ để vượt qua nỗi sợ) chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ bằng cách thường xuyên tiếp xúc với chúng. Dù đó là những môn thể thao mạo hiểm, nhện, rắn hay phim kinh dị, khả năng chịu đựng của chúng ta sẽ tăng lên khi tiếp xúc thường xuyên hơn. Chúng ta học được rằng nỗi sợ chúng ta tự nhận lấy không thực sự gây nguy hiểm.
Hãy lập danh sách những nỗi sợ lớn nhất của bạn. Thực hiện mỗi ngày một điều khiến bạn sợ hãi và và tự thưởng cho mình vì đã hoàn thành thử thách vượt qua nỗi sợ.
Ngày 1
Vào ngày đầu tiên, hãy ghi nhớ việc làm giảm nhẹ các từ phủ định trong 30 ngày tiếp theo. Chú ý đến những câu hay dùng với những từ như “không thể” hay “không được”. Hãy đảo ngược sự tập trung trong các câu nói của bạn và tập trung vào những khẳng định tích cực. Chuyển đổi sự phủ định tiêu cực sang khẳng định tích cực. Ví dụ, thay vì nói “tôi không muốn” hãy nói “tôi muốn”. Điều này này sẽ bỏ đói sự tiêu cực. Hãy dành ngày này để thực hành chuyển đổi toàn bộ những câu tiêu cực phủ định mà bạn sẽ thực hành trong 30 ngày tiếp theo. Hãy bắt đầu viết cuốn “nhật ký nỗi sợ” của bạn [5]
Bạn có thêm sức mạnh, lòng can đảm, và sự tự tin sau mỗi trải nghiệm mà ở đó bạn thực sự dừng lại nhìn thẳng vào nỗi sợ. Bạn có thể tự nói với bản thân mình “Tôi đã đã trải qua sự khiếp sợ này. Tôi có thể đón nhận những gì sẽ đến tiếp theo.” - Eleanor Roosevelt
Ngày 2
Hãy thức dậy, xỏ chân vào giày chạy bộ và thẳng tiến đến phòng tập thể hình. Mục tiêu ở đây là chấm dứt sự trì hoãn. Hãy bắt đầu với việc này như một nghi thức hàng ngày.
Nếu bạn muốn chiến thắng nỗi sợ, đừng ngồi ở nhà và nghĩ về nó. Hãy bước ra ngoài và làm cho mình bận rộn. Dale Carnegie
Ngày 3
Tạo một một khoảng trống trong lịch trình hàng ngày của bạn. Bạn sẽ làm gì nếu có một giờ rảnh rỗi dành riêng cho mình mỗi ngày? Bạn sẽ Đọc sách, Tập thể dục hay chơi với lũ trẻ? Một giờ đó phải làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn. Hãy đặt ra các ưu tiên của mình và tạo ra một giờ “cho tôi” mỗi ngày. Bạn sẽ ngạc nhiên trước số lượng công việc bạn hoàn thành được nhiều hơn vào ngày hôm đó.
Ngày 4
Bạn sợ nói trước một diễn đàn chung? Hãy bước lên sân khấu! Tham gia vào một diễn đàn công cộng. Đến tham gia một sự kiện ở khu phố của bạn, giơ tay phát biểu, khẳng định ý kiến của mình và chiếm lĩnh sân khấu!
Hành động là yếu tố khôi phục và xây dựng mạnh mẽ lòng tự tin. Không hành động không chỉ là kết quả mà còn là nguyên nhân của nỗi sợ. Có thể hành động bạn thực hiện sẽ đem lại thành công, có thể sẽ phải có những hành động và sự điều chỉnh khác theo sau đó. Nhưng bất kỳ hành động nào cũng tốt hơn là không làm gì cả. Norman Vincent Peale
Ngày 5
Sinh nhật của bạn sắp đến và thay vì ăn mừng, bạn run sợ khi nhìn vào thực tế rằng mình sẽ mất khá nhiều thời gian để đếm số nến sinh nhật. Bạn có sợ tuổi già không?
Hãy làm một điều tốt cho mình. Hãy thuê một nghệ sĩ hóa trang, tìm một hình ảnh nhân vật già cả và đóng vai nhân vật đó, hãy làm người già trong một ngày. Hãy quan sát phản ứng của mọi người quanh bạn. Rất nhiều khả năng bạn sẽ không còn sợ tuổi già nữa.
Tôi không sợ bão tố, vì tôi đang học cách chèo chống con thuyền của mình. Louisa May Alcott
Ngày 6
Bạn sợ ong đốt? Hãy liên hệ với hiệp hội nuôi ong gần nhất trong khu vực bạn ở và dũng cảm trở thành một người nuôi ong trong ngày hôm đó.
Can đảm là mặt nạ của sự sợ hãi, nhưng đó là chiếc mặt nạ tuyệt vời. John Dryden
Ngày 7
Bạn sợ những người quản lý ư? Có thể đó là cấp trên của bạn? Hãy dành một ngày sắp xếp một cuộc gặp và bộc lộ điều đó. Nếu chưa sẵn sàng trực tiếp gặp gỡ với người đang được nhắc đến, bạn có thể thực hiện điều này với một người mà mình tin tưởng hoặc một chuyên gia tâm lý. Nói chuyện với người khác sẽ làm giảm căng thẳng và cho bạn một một cách nhìn hoàn toàn mới.
Không có gì đáng khinh hơn một sự tôn trọng xuất phát từ sợ hãi. Albert Camus
Ngày 8
Hãy loại bỏ những mong đợi. Hãy xem xét bạn đang có những mong đợi gì về người khác và bản thân mình. Bạn sẽ phải hạn chế những điều gì trong các mối quan hệ của mình với người khác nếu bạn không có các mong đợi về họ?
Những mong đợi của chúng ta được hình thành dựa trên trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, sự nuôi dưỡng, và tôn giáo. Hãy ngừng phán xét và mở rộng tâm trí của bạn tới những khả năng hoàn toàn mới.
Một thái độ quá tập trung vào bản thân, bạn thấy đấy, sẽ mang lại sự cô lập, kết quả là nỗi cô đơn, sợ hãi, tức giận. Một thái độ ích kỷ cực đoan là nguồn gốc của đau khổ. Dalai Lama
Ngày 9
Bạn có cùng nỗi sợ với người khác không? Bạn nghĩ sao về việc sắp xếp một buổi trị liệu nhóm và mọi người học hỏi từ nhau?
Ngày 10
Sợ đám đông và sợ bị phán xét? Hãy định ra một ngày để tới một buổi lễ tại địa phương và nhảy múa suốt đêm như thể bạn đang trước gương và không có ai nhìn bạn!
Sức mạnh ý chí là chìa khóa của thành công. Những người thành công luôn cố gắng cho dù họ cảm thấy thế nào, bằng cách sử dụng ý chí của mình để vượt qua ra sự thờ ơ, nghi ngờ và sợ hãi. Dan Millman
Ngày 11
Hãy đến một công viên giải trí. Lao lên nửa dặm rồi lao xuống để nổi da gà một phen. Hãy thử chơi trò tàu lượn siêu tốc.
Tôi học được rằng can đảm không phải là không hề sợ hãi mà là chiến thắng nó. Một người dũng cảm không phải là người không biết sợ là gì, mà là người vượt qua được nỗi sợ đó. Nelson Mandela
Ngày 12
Luôn lo lắng về hình ảnh bản thân và việc người khác nghĩ gì về mình ư? Hãy thôi dành cả tiếng đồng hồ buổi sáng hôm đó để đứng trước gương đi. Hãy trải qua một ngày ở ngoài đường cùng bộ quần áo ngủ của bạn.
Thời khắc chúng ta bắt đầu lo sợ về ý kiến của người khác và ngần ngại nói ra sự thật bên trong chúng ta, và vì những động cơ chiến lược, ta im lặng trong khi cần phải lên tiếng, thời khắc đó, cái dòng chảy linh thiêng của ánh sáng và cuộc sống sẽ không còn chảy vào tâm hồn chúng ta nữa. Elizabeth Cady Stanton
Ngày 13
Luôn tránh xa một số loại thức ăn nhất định ư? Hãy dành cả một ngày cho một chương trình ăn uống với những món mà bạn chưa thử bao giờ.
Sự tò mò sẽ chiến thắng ảnh nỗi sợ thậm chí còn mạnh hơn cả lòng dũng cảm. James Stephens
Ngày 14
Hãy bước ra ngoài thế giới. Khám phá những gì chưa khám phá. Hãy sắp xếp một chuyến du lịch văn hóa đến thăm một tộc người vẫn còn tồn tại.
Cảm xúc lâu đời và mạnh mẽ nhất của loài người là nỗi sợ, và nỗi sợ lâu đời và mạnh mẽ nhất là nỗi sợ những gì chưa biết. H. P. Lovecraft
Ngày 15
Nếu bạn sợ mất những người thân, hãy chủ động viết những lá thư bày tỏ lòng biết ơn với những người thương yêu và người thân trong gia đình.
Bạn thân mến, tình yêu thương tốt hơn sự giận dữ. Hy vọng tốt hơn nỗi sợ. Tích cực tốt hơn tuyệt vọng. Vậy hãy để chúng ta yêu thương, hi vọng, và tích cực. Và chúng ta sẽ thay đổi thế giới. Jack Layton
Ngày 16
Nếu bạn sợ cô đơn, hãy dành cả một ngày sống một mình mà không có các thiết bị di động và ngừng mọi giao tiếp trong trọn một ngày.
Người nào quá gắn bó với người khác sẽ phải trải qua sợ hãi và ưu phiền, vì gốc rễ của mọi buồn đau là sự ràng buộc. Do đó, người ta nên từ bỏ mọi sự ràng buộc để được hạnh phúc. Chanakya
Ngày 17
Hãy liên lạc với một người là hình mẫu lý tưởng mà bạn luôn mong được gặp một ngày nào đó mà chưa có can đảm để tiếp cận.
Ngày 18
Nếu bạn sợ lạc đường, hãy tìm một con đường khác về nhà. Hãy khám phá và thay đổi hướng đi.
Hãy thử làm một điều bạn chưa từng làm bao giờ ba lần. Lần thứ nhất để vượt qua nỗi sợ làm điều đó. Lần thứ hai để học cách thực hiện. Và lần thứ ba để xác định liệu bạn có thích nó hay không. Virgil Thomson
Ngày 19
Hãy bắt đầu một dự án mà bạn vẫn luôn trì hoãn. Hãy phá rào cản sợ hãi hình thành bởi sự trì hoãn cho đến tận bây giờ.
Lỗi lầm lớn nhất chúng ta phạm phải là sống trong trong nỗi sợ hãi triền miên rằng chúng ta sẽ phạm lỗi lầm. John C. Maxwell
Ngày 20
Bạn có một mối bất hòa liên miên với một thành viên gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp nào đó, và đã cắt đứt quan hệ một thời gian rồi không? Hãy kiên trì, chủ động sắp xếp một cuộc gặp để giải quyết vấn đề và có thể đi tới giảng hòa.
Bạn có thể khám phá điều kẻ thù của mình sợ nhất bằng cách quan sát những phương thức họ dùng để đe dọa bạn. Eric Hoffer
Ngày 21
Một nỗi sợ liên quan đến công việc ư? Tất cả chúng ta đều có một nỗi sợ nào đó khi nói về công việc. Nỗi sợ của bạn là gì? Hãy đối mặt với nỗi sợ đó và làm rõ nó. Giải quyết vấn đề tức khắc.
Ngày 22
Bạn mắc hội chứng sợ xã hội? Hãy bước ra ngoài và nhận lời mời. Lần này đừng ẩn mình trong một góc nữa nhé. Thực ra, hãy để điện thoại của bạn ở nhà vào ngày hôm đó hoặc cất kỹ chúng trong túi.
Ngày 23
Có phải đã từ lâu bạn luôn tự hỏi vì sao mình luôn hoãn chuông báo thức và cảm thấy mệt mỏi, hoặc cơn thèm ăn khiến bạn nhóp nhép suốt cả ngày? Hãy đặt trước và hẹn gặp bác sĩ của mình và có một cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện.
Ngày 24
Có lẽ bạn cảm giác như thể muốn co mình trong một xó đợi đến ngày tận thế. Bạn có chán nản thất vọng, cáu kỉnh hay cảm thấy vô cùng mệt mỏi? Hãy đặt trước một cuộc hẹn với bác sĩ tâm lý của mình.
Ngày 25
Bạn sợ độ cao ư? Hãy thử thách bản thân bằng cách thực hiện chuyến thám hiểm leo núi lần tới. Hãy bắt đầu bằng cách dùng thang cuốn leo lên đỉnh tòa nhà cao nhất trong khu vực bạn ở và nhìn xuống bên dưới.
“Từng bước từng bước ta tiến về phía trước, không nhất thiết phải là một bước nhảy vọt, nhưng bạn xây dựng kỷ luật bằng cách chuẩn bị cho một bước nhảy vọt.” – Charlie Munger
Ngày 26
Ngần ngại đề nghị ai đó đặc biệt cùng bạn đi chơi ư? Hãy đánh liều một lần và hẹn hò cùng người đó.
Nếu nỗi sợ là kẻ thù lớn nhất của sự gần gũi, thì tình yêu là người bạn đích thực. Henri Nouwen
Ngày 27
Hãy lên kế hoạch cho những chuyến đi đặc biệt. Thăm thú các nơi. Làm những việc bạn luôn muốn làm.
Sự sợ hãi không tồn tại khi bạn vui vẻ. Will Thomas
Ngày 28
Viết một danh sách tất cả những điều bạn muốn hoàn thành và những sai lầm bạn sợ mắc phải. Hãy nhớ, đừng sợ sự hoàn hảo, vì bạn sẽ không bao giờ hoàn hảo. Sai lầm là những bài học của cuộc sống.
Lỗi lầm lớn nhất chúng ta phạm phải là sống trong trong nỗi sợ hãi triền miên rằng chúng ta sẽ phạm lỗi lầm. John C. Maxwell
Ngày 29
Hãy ca tụng tình yêu cuộc sống. Giải phóng mình khỏi những điều kìm hãm bạn, hãy sống tự do, buông bỏ. Giải phóng nỗi sợ. Hãy thôi ấp ủ những nỗi đau quá khứ. Năng lượng mất đi do bám lấy những thử thách đã qua sẽ cản trở những điều mới mẻ của cuộc sống mới. Hãy dành ngày này để ghi lại một điều bạn đã buông bỏ.
Tình yêu là chìa khóa tổng mở được mọi cánh cửa hạnh phúc, căm ghét, ghen tỵ, và dễ hơn cả là cánh cửa của nỗi sợ. Oliver Wendell Holmes Cha
Ngày 30
Hãy ngẫm nghĩ về mọi thử thách bạn đã hoàn thành và bắt đầu lại từ đầu. Hãy theo sát kế hoạch chung và làm dịu bớt tất cả những nỗi sợ bạn đã nhận được và sắp phát sinh.
Hít thở. Thiền. Thiền và thở sâu sẽ giúp điều hòa cảm xúc.
Hãy phát triển rực rỡ trước những triển vọng mới của cuộc đời.
Vào thời khắc cuối ngày, chúng ta phải tiến về phía trước với hi vọng chứ không phải lùi lại về sau vì sợ hãi và sự chia cắt. Jesse Jackson
Thách thức nỗi sợ là dành thời gian để suy ngẫm về tâm hồn mình. Mỗi người chúng ta đều có những nỗi sợ làm hạn chế con đường ta đi. Chúng ta có thể biến đổi sự kháng cự và sợ hãi của mình bằng cách soi sáng chúng. Một số người sớm buông bỏ, một số có thể sẽ mất thời gian. Bằng việc chấp nhận thách thức rèn luyện sự dẻo dai và đối mặt với nỗi sợ, chúng ta bước vào một tâm thế với những mối quan tâm thực sự.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Laboratory News: Khoa học về Nỗi sợ |
[2] | ^ | Đại học Cambridge: Lập trình lại não bộ để vượt qua nỗi sợ |
[3] | ^ | Personality-development.org: David Hawkins |
[4] | ^ | SpiritualBuzz: David R. Hawkins – Mọi Nỗi sợ Đều là Ảo tưởng |
[5] | ^ | Lifehack: Làm chủ Nỗi sợ Của Bạn với 6 Mẹo Sau |