5 tháng trước
Tình Yêu Là Gì? Những Định Nghĩa Hay Nhất Về Tình Yêu Từ Trước Đến Nay
370

4362
Lượt xem
331
Lượt chia sẻ
3
Lượt bình luận

Chúng ta đều đã trải qua những trải nghiệm đau đớn thắt lòng, cuộc sống đảo lộn, cảm xúc mãnh liệt đến rịn mồ hôi tay mà chúng ta biết đến với tên gọi Tình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ biểu hiện qua những phản ứng rối loạn ấy, mà thực chất sâu sắc hơn nhiều. Trên thực tế, một khi bạn có thể thoải mái và để những cảm xúc đó qua đi, bạn sẽ biết đó có thực sự là tình yêu; hay một điều gì khác.

Vậy thì, thực sự thế nào là tình yêu?

Tình yêu rất dễ bị hiểu sai thành những cảm xúc tương đồng: ham muốn và say mê

Những gì chúng ta trải qua trong giai đoạn đầu của bất kì loại xúc cảm nào nêu trên đều có xu hướng làm mờ đi khả năng phán đoán của mỗi người: bạn nhầm lẫn một điều bình thường cho một điều gì đó sâu sắc và có ý nghĩa. Vài điểm khác biệt nổi bật sau đây có thể giúp bạn quyết định cảm xúc lúc này của bạn thực sự là gì.

Tình yêu: một cảm giác mãnh liệt, tình cảm sâu sắc hiện diện mọi lúc trong bạn

  • Xảy ra dần dần theo thời gian
  • Kéo dài và trở nên sâu sắc hơn theo thời gian
  • Chấp nhận mọi thứ về người ấy, kể cả khuyết điểm
  • Sâu sắc hơn sức hút thể xác
  • Tràn đầy năng lượng, sức sống
  • Cải thiện những cảm xúc tiêu cực; đem cân bằng tới cho cuộc sống của bạn
  • Vượt qua những tranh cãi
  • Quan tâm đến người ấy
  • Yêu thương con người thực sự của người ấy

Ham muốn: dục vọng mãnh mẽ

  • Xảy ra ngay giây phút đầu
  • Thường là cảm xúc thoáng qua
  • Hoàn toàn hời hợt, xảy ra bởi thu hút vì ngoại hình và thái độ của một người nào đó
  • Rất dễ thay đổi; sẽ không trụ được khi xảy ra mâu thuẫn

Say mê: một niềm đam mê mãnh liệt nhưng ngắn ngủi dành cho một ai/điều gì đó

  • Xảy ra ngay từ phút giây đầu
  • Mạnh mẽ nhưng chỉ thoáng qua
  • Tô bóng hình ảnh của người ấy, và chỉ thể hiện phần tốt đẹp của mình cho người ấy
  • Tập trung chủ yếu vào thu hút ngoại hình, thể chất
  • Mệt mỏi về mặt cảm xúc
  • Bộc lộ sự ghen tuông và chiếm hữu
  • Có thể khiến bạn bỏ bê các mối quan hệ khác
  • Tránh né tranh cãi
  • Ích kỉ
  • Yêu cảm giác khi có tình yêu

Người Hy Lạp đã giải đáp "tình yêu là gì" với 7 kiểu tình yêu sau

“Theo Thần thoại Hy Lạp, con người ban đầu được tạo ra với hai đầu, bốn tay, bốn chân và mỗi đầu đều có hai mặt. Lo sợ sức mạnh của họ, Zeus chia họ thành hai cá thể riêng biệt, và họ buộc phải dành cả cuộc đời để tìm kiếm nửa kia của mình” — Plato

Người Hy Lạp cổ đại đặt ra những lý thuyết và lời giải thích hùng hồn về tình yêu và cách chúng ta yêu. Câu trích dẫn trên muốn nói đến tri kỉ, tức là chúng ta đã may mắn đến mức tìm thấy một người giúp chúng ta cảm thấy thực sự hoàn thiện. Thật không may, bạn phải tự mình lo việc đó. May mắn thay, tất cả chúng ta đều có khả năng nhận định kiểu tình yêu mình sở hữu, hoặc mình là kiểu người nào khi yêu, hai điều có xu hướng thay đổi. Người Hy Lạp đã chia kiểu người yêu và kiểu tình yêu thành bảy loại khác nhau.[1]

1. Dạng tình yêu Agape: Còn được gọi là tình yêu vô điều kiện, nhưng cũng là một tình yêu dành cho toàn bộ cuộc sống. Một tình yêu dành cho con người, trẻ em, Thiên Chúa, thiên nhiên, bất cứ điều gì làm cho họ yêu thích. Tình yêu này có bản chất là bao dung bất kể khiếm khuyến, thậm chí, những khuyết điểm đó còn được trân trọng. Họ vẫn dành tình yêu cho một ai đó khi mà họ không đặc biệt có cảm tình lúc ấy. Đó là một tình yêu không vị kỷ, cho đi mà không mong nhận lại. Đó là định nghĩa tình yêu ở dạng động từ; đó là tình yêu được bày tỏ bởi con người tới nhau.

2. Dạng tình yêu Phileo: Một dạng tình cảm đầy trìu mến. Ấm áp và dịu dàng, với điển hình là một tình yêu đơn phương. Nhóm người yêu kiểu Phileo có mong muốn tình bạn bền vững, và luôn cố gắng giữ mối liên kết sâu sắc với những người họ quen. Đây là định nghĩa của tình yêu ở dạng danh từ.

3. Dạng tình yêu Storge: Tình yêu dành cho gia đình và tình bạn. Đó là tình yêu cha mẹ dành cho con cái họ. Đó là tình yêu biến những người bạn thân thiết nhất thành cặp đôi với tình yêu lãng mạn, và biến cặp tình nhân trở thành những người bạn thân. Tình yêu này là vô điều kiện, và họ luôn chấp nhận khuyết điểm của nhau. Tình yêu này có nghĩa là cam kết, hy sinh, bảo vệ, và cảm giác thoải mái an toàn.

4. Dạng tình yêu Eros: Một tình yêu nồng nàn và mãnh liệt khơi dậy cảm xúc lãng mạn sâu sắc. Tình yêu này đem lại cảm giác hưng phấn, và khiến bạn muốn bày tỏ tình cảm với người mình yêu. (Đôi khi lại hơi quá sớm.) Tình yêu này có cảm xúc, khao khát tình dục sâu sắc, và có xu hướng thoáng qua và nhanh chóng qua đi. Cảm xúc này giống sự say mê hơn là tình yêu đích thực.

5. Dạng tình yêu Ludus: Một tình yêu vui đùa, không có sự cam kết. Một tình yêu đầy dục vọng. Những biểu hiện của kiểu cảm xúc này thường thông qua khiêu vũ, trêu đùa, tán tỉnh và quyến rũ đối phương. Tình cảm này hoàn toàn không đòi hỏi sự ràng buộc nào.

6. Dạng tình yêu Pragma: Một kiểu tình yêu thực tế, tập trung vào nghĩa vụ hay lợi ích lâu dài. Sự hấp dẫn giới tính chỉ ở vị trí phụ, trong khi các yếu tố như phẩm chất cá nhân, sự môn đăng hộ đối, và mục tiêu mới là ưu tiên hàng đầu.

7. Dạng tình yêu Philautia: Tình yêu vị kỷ. Một người có sự đánh giá cao và sự tôn trọng sâu sắc dành cho chính mình.

Khi yêu, bạn cảm thấy bấn loạn và căng thẳng, như thể bạn bị say thuốc khi dùng ma túy - bởi vì bạn thực sự đã như vậy

Nhà nhân chủng học Helen Fisher thuộc Đại học Rutgers[2], người đã nghiên cứu 166 tình nguyện viên, nhận ra rằng 147 người trong số họ đã từng trải nghiệm tình yêu lãng mạn. Cô đã tiến hành quét và so sánh kết quả chụp MRI những người mới bước vào một mối quan hệ lãng mạn và đang trải qua cảm giác yêu đương cuồng nhiệt với nhau. Có thể phân chia các điểm tương đồng này thành ba giai đoạn của tình yêu, dựa vào chỉ số hóa học ở não bộ chúng ta. Mặc dù tình yêu hẳn có những bậc sâu hơn và mang tính tâm linh ở mức không đủ hữu hình để thực hiện nghiên cứu khoa học, nhưng có một điều là chắc chắn.

"Tình yêu được nuôi dưỡng bởi một điều gì đó cơ bản đã nằm trong bản chất sinh học của chúng ta.” — Giáo sư y khoa Richard Schwartz thuộc đại học Harvard, phát biểu.

Nói cách khác, những cảm xúc này chính là cách thiên nhiên dùng để thúc đẩy quá trình sinh sản.

Ham muốn: Sự thu hút phút ban đầu

Bạn vừa gặp một ai đó, và bạn đã tin chắc rằng bạn đã rung động vì họ. Đó là lúc các hormone estrogen và testosterone phát huy tác dụng. Bạn sớm quyết định rằng họ chính là người bạn đời phù hợp.

Sự hấp dẫn: Bạn bắt đầu cảm thấy lòng mình nhộn nhạo cả lên

Và đây cũng là lúc bạn cảm thấy phấn khích khi gặp họ, cũng như sự lo lắng tột cùng. Tất cả đều do các chất dẫn truyền thần kinh trong não bạn đang phát ra một số chất có tác dụng mạnh mẽ.

  • Adrenaline: khi bạn căng thẳng, nồng độ adrenaline và cortisol trong máu tăng, là nguyên do của các phản ứng với căng thẳng của cơ thể bạn.
  • Dopamine: hormone tạo ra khao khát và niềm vui cũng như cảm xúc mãnh liệt, có tác dụng gần tương tự với cocaine.
  • Serotonin: thay đổi quá trình tư duy, và cũng là lý do vì sao bạn không thể ngừng nghĩ về người yêu được.

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi tiến sĩ Donatella Marazziti ở Pisa (Ý) với đối tượng là 20 cặp đôi mới yêu. Kết quả cô thu được là mức độ serotonin ở những người tham gia tương đương với một người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Sự gắn kết: Mối liên kết giữ cặp đôi ở bên nhau đủ lâu để sinh con

Hai trong số những loại "tình dược" mạnh nhất được phóng thích dưới đây là lý do khiến bạn trở nên "nghiện" người yêu của mình.

  • Oxytocin: một hormone mạnh mẽ được giải phóng trong giai đoạn "lên đỉnh", và là nguyên do cảm giác gắn bó sau khi quan hệ của hai người trở nên sâu sắc. Số lần quan hệ của cặp đôi càng nhiều, mối liên kết giữa họ dường như càng trở nên mạnh mẽ hơn, chính là do nồng độ chất hóa học này mỗi lúc một nhiều.
  • Vasopressin: cũng được cơ thể tiết ra sau khi quan hệ. Loại hormone này giúp kéo dài cảm giác ham muốn giữa hai người.

Hai giáo sư thuộc Đại học Y Harvard, Richard Schwartz và Jacqueline Olds cũng là người yêu lâu năm của nhau, đã xác định[3] được rằng con người có hai đường mòn thần kinh kiểm soát những cảm xúc tiêu cực và tích cực. Khi các loại "tình dược" này được tiết ra, con đường thần kinh kiểm soát cảm xúc tiêu cực bị cản trở, từ đó chứng minh rằng tình yêu thực sự khiến chúng ta mù quáng.

Họ cũng nhận thấy rằng khi tình yêu kéo dài được hai năm, "chuyến tàu lượn" cảm xúc này dần trở nên ổn định. Nồng độ serotonin và cortisol giảm xuống và bình thường trở lại. Dopamine, hormone của khoái cảm vẫn duy trì chức năng của mình, ngay cả khi 30 năm hôn nhân trôi qua; mặc dù khao khát và ham muốn với người yêu trong bạn sẽ có phần giảm đi. Tình yêu không còn là nguyên nhân của căng thẳng, mà sẽ trở thành một cơ chế bảo vệ, chống lại sự căng thẳng. Tình yêu chuyển từ đam mê sang tình thương, tình nghĩa.

Đừng tìm kiếm tình yêu. Hãy để tình yêu tìm đến bạn. Hãy tự tạo sức hút cho chính mình

Cách tốt nhất để tìm thấy tình yêu là để tình yêu tìm tới bạn. Nghe có vẻ hơi phi thực tế và cực kỳ phi lôgic, nhưng để tôi giải thích thêm. Nếu bạn "tỏa ra" những rung cảm phù hợp, bạn sẽ thu hút được loại năng lượng mà bạn muốn có được trong cuộc sống của mình.

1. Hãy yêu thương chính mình

Hãy chấp nhận sự thật rằng bạn thật tuyệt vời. Và dù cho bạn có đang độc thân hay chưa gặp được "người ấy" thì cũng không thay đổi được sự thật ấy. Tận tâm với bản thân là điều tốt nhất mà bạn có thể làm. Bạn không thể dựa vào bất cứ ai để trở nên hạnh phúc, nếu có, sự phụ thuộc đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cá nhân của bạn.

Vì vậy, hãy trở nên chủ động hơn. Hãy ra ngoài kia và trở thành một người chủ và biết rằng bạn đủ sức làm được. Thay vì tìm kiếm một người yêu, hãy tìm kiếm phiên bản tốt nhất của chính mình. Bạn sẽ có được hạnh phúc. Sự tự tin toát ra từ bạn sẽ được mọi người phản hồi lại tích cực. Những gì bạn thể hiện ra ngoài có tác động rất lớn đến những gì bạn sẽ nhận lại được.

2. Hãy tìm hiểu người ấy trước khi đưa ra quyết định

Chắc chắn là những cảm xúc mới này rất thú vị và bạn muốn ngay lập tức ngã mình vào lòng người ấy. Nhưng hãy chờ, chỉ một giây thôi. Bạn đang bỏ qua tất cả các phần hay ho, thú vị như sự thân mật, những khám phá ban đầu. Đây là một trong những lý do khiến mối quan hệ của bạn trở nên dễ đổ vỡ về lâu dài.

Bạn cần phải hiểu rõ hơn về người yêu tương lai của mình. Dành thời gian để biết sở thích của họ; xem họ có hợp với bạn không, hoặc có truyền cảm hứng cho bạn để tìm hiểu và cùng thực hiện, nuôi dưỡng sở thích cho nhau. Xây dựng một mối liên kết chân thành với ai đó trước khi bạn nói ra ba từ quan trọng ấy. Sẽ toàn vẹn hơn khi bạn chắc rằng mình đang thực sự yêu một ai đó, và nhận ra rằng tình cảm ấy của bạn cũng được đáp lại.

Tài liệu tham khảo

[1]^Trang Psychology Today: Bảy dạng tình yêu bạn cần biết
[2]^Trang You Amazing Brain: Khoa học về tình yêu
[3]^Viện khoa hoc thần kinh Harvard Mahoney: Tình yêu và bộ não

Không tìm thấy nội dung