Đôi khi ở một thời điểm nào đó trong đời, chúng ta tự đặt câu hỏi về ý nghĩa của mục tiêu, mơ ước, năng lực và định hướng chung cho cuộc sống của ta.
Ý nghĩa đó là nền tảng đem đến trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn - từ những mối quan hệ với người khác, nội tâm cá nhân và vị thế của mình trong thế giới, cho đến những nhu cầu sinh lý đơn giản của chúng ta.
Hiện thực hóa lý tưởng bản thân là việc con người vươn lên một cấp độ cao hơn và thể hiện được năng lực tốt nhất của mình, từ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống - đây là điều tất cả mọi người đều cố gắng đạt được, dù ta có ý thức về nó hay không.
Vậy Thế Nào Là Hiện Thực Hóa Bản Thân?
Khái niệm về nhu cầu hiện thực hóa bản thân được đề xuất bởi nhà tâm lý học Abraham Maslow,[1] người đã từng nghiên cứu lý thuyết về nhu cầu của con người. Ông tin rằng hạnh phúc không bắt nguồn từ các hành vi mang tính bản năng, thể lý hay những rung động vô thức trong chúng ta, nhưng chính từ khao khát nâng cao sự hiểu biết về tiềm năng - năng lực đầy đủ của bản thân.
Vì Sao Cần Nhấn Mạnh Tầm Quan Trọng Của Nhu Cầu Này
Maslow tin rằng tất cả chúng ta về cơ bản đều có nhu cầu khẳng định chính mình. Điều này diễn ra ở các giai đoạn khác nhau - với một số người, nhu cầu này xuất hiện từ khi còn nhỏ, số khác phải đợi đến giai đoạn sau của cuộc sống, nhưng đối với phần lớn chúng ta, nhu cầu hoàn thiện bản thân luôn tồn tại trong vô thức suốt cuộc đời ta.
Nói cách khác, dù ý thức hay không, con người chúng ta luôn có khao khát phát triển chính mình, thông qua việc đọc rộng để có được hiểu biết sâu sắc hơn, hoặc đơn giản là đánh giá sự vật sự việc từ một góc nhìn khác tích cực hơn.
Hiện thực hóa lý tưởng bản thân là cần thiết để giúp ta cảm thấy thỏa mãn, trưởng thành hơn và phát triển thành người ta mong muốn.
Những Đặc Điểm Thường Thấy Khi Lý Tưởng Bản Thân Được Hiện Thực Hóa
Nếu vẫn không rõ điều này biểu hiện như thế nào trong cuộc sống của mình, bạn có thể xác định thông qua một số đặc điểm sau:
- Nhìn nhận thực tế một cách khoa học: bạn nhìn nhận những gì xảy ra với bạn và xung quanh bạn dưới một góc nhìn cân đối và bằng lòng.
- Khả năng chấp nhận bản thân và người khác: bạn đánh giá mình và mọi người xung quanh một cách công tâm, không phán xét.
- Tận hưởng cuộc sống: bạn tận hưởng cuộc sống với tất cả khiếm khuyết và vinh quang của nó - bao gồm cuộc sống của chính mình, của người khác và thậm chí kể cả thiên nhiên quanh bạn.
- Khả năng kiến tạo những mối dây kết nối sâu sắc và ý nghĩa: bạn xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa và chiều sâu, đem lại sự phát triển và hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của những mối dây liên kết với mọi người.
- Lắng nghe lời chỉ dẫn từ các giá trị và mục tiêu trong nội tâm: bạn cảm nhận cuộc sống theo cách phù hợp với chính mình; và biết rằng bạn đang bước đi trên con đường nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc và viên mãn.
- Khả năng thể hiện cảm xúc một cách rõ ràng và tự do: bạn cảm thấy tự tin và đồng điệu với cách bản thân được thể hiện ra ngoài nhằm mang lại lợi ích cho chính mình và những người xung quanh.
Lẽ đương nhiên, không phải lúc nào ta cũng có những đặc điểm này, nhưng nếu có, đó là lúc ta cảm thấy phần tốt nhất của chính mình đang được thể hiện ra ngoài. Đây là lý do tại sao việc trải qua các giai đoạn hiện thực hóa bản thân giúp ta sống một cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Làm Thế Nào Để Hiện Thực Hóa Bản Thân?
Hiện thực hóa bản thân xem ra thật khó để thực hiện, nhất là khi chúng ta đang trải qua những thời kỳ khó khăn, hoặc khi ta bị chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực về chính mình và những gì xảy ra xung quanh ta.
Tuy nhiên, vẫn có những cách bạn có thể thực hành nhằm khuyến khích sự phát triển và hình thành tư duy của một người được thể hiện phần tốt nhất của mình ra ngoài.
Ngừng So Sánh Bản Thân Với Người Khác
Tất cả chúng ta đều có xu hướng này, nhưng đó là một thói quen không đem lại ích lợi gì cả. Cần nhận thức rằng tất cả chúng ta đều đang bước đi trên hành trình của riêng mình, và chẳng có ý nghĩa gì trong việc so sánh người khác với chính mình. Một khi hình thành nhận thức quan trọng này, bạn có thể tự do cảm nhận hành trình đường đời của mình như chuyến phiêu lưu thực sự. Trong đó, mục đích cuối cùng là bản thân bạn, chứ không phải người khác, trở nên tiến bộ hơn. Hiện thực hóa bản thân là khi ý thức rằng quan điểm của bạn về cuộc sống hoàn toàn không bị chi phối bởi mọi người xung quanh.
Nhận Thức Về Sức Mạnh Tư Duy Của Mình
Bạn có thể cho rằng tâm trạng tồi tệ của mình là do người khác hoặc những hoàn cảnh bên ngoài mà bạn không thể kiểm soát được, nhưng thực sự nguyên nhân là do cách bạn phản ứng với các tình huống của cuộc sống. Bạn có thể điều chỉnh lại cho phù hợp nhờ vào sức mạnh tư duy của bạn. Việc lựa chọn nhìn nhận sự việc theo hướng có lợi cho mình, dù có vẻ tiêu cực như thế nào, sẽ giúp bạn dễ dàng hiện thực hóa lý tưởng bản thân hơn rất nhiều.
Học Cách Yêu Bản Thân Hơn
Bạn có thể đã nghe điều này cả triệu lần trước đây, nhưng chấp nhận bản thân là cách duy nhất để đạt đến phần tốt nhất của mình. Điều này có nghĩa là chấp nhận cả điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, để từ đó bạn có thể thực sự đi khắp thế giới một cách đích thực - bắt đầu từ việc tạo dựng sự bình an trong tâm hồn và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Ý Thức Rằng Không Có Điểm Dừng Cho Hành Trình Đường Đời
Hiện thực hóa bản thân là ý thức rằng bản thân bạn phải không bao giờ ngừng phát triển - bạn sẽ không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo, và chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả: Mục đích của cuộc sống không phải như vậy. Sống là liên tục phát triển chính mình, mở rộng kiến thức và quan điểm cá nhân. Một khi chấp nhận điều này, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn để tìm thấy sự bình an và niềm hạnh phúc xứng đáng dành cho bạn.
Như vậy, hành trình hiện thực hóa lý tưởng bản thân thực tế chính là hành trình xây dựng niềm tin vào chính mình. Trong đó, bạn từ bỏ những quan điểm tiêu cực về bản thân và sẵn sàng nhìn nhận mọi thứ theo một góc nhìn khác. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể sống một cuộc sống thực sự có ý nghĩa, hạnh phúc và nhận thức được toàn bộ tiềm năng - năng lực của chính mình.
Nguồn ảnh bìa: Unsplash.com từ pexels.com
Tài Liệu Tham Khảo
[1] | ^ | The Pursuit of Happiness: Abraham Maslow |