5 tháng trước
Cách Để Bản Thân Không Bị Kiểm Soát Bởi Các Cơ Chế Phòng Vệ
414

4718
Lượt xem
2339
Lượt chia sẻ
296
Lượt bình luận

Mọi người xử lý các tình huống khó khăn theo nhiều cách khác nhau. Đã bao giờ bạn đối mặt với một tin tức không vui, nhưng thay vì cảm thấy đau buồn, bạn tiếp tục với sinh hoạt thường ngày như thể chưa có gì xảy ra? Hoặc có thể bạn đã từng nghe chuyện kể về những người từng trải qua các giai đoạn đau thương nhưng không còn nhớ gì về những thời khắc ấy?

Cơ chế phòng vệ là những phương thức khác nhau mà mọi người dùng để đối phó với những tình huống khó khăn

Điều quan trọng là phải chú ý đến những cơ chế này và hiểu được cách để kiểm soát chúng tốt hơn. Nếu không, những phản ứng này có thể sẽ gây ra nhiều tác hại hơn về lâu về dài. Không giải quyết cảm xúc của bạn một cách lành mạnh có thể dẫn đến các vấn đề như lo lắng, căng thẳng hoặc trầm cảm. Điều này cũng có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của bạn với những người xung quanh, đặc biệt nếu bạn phản ứng theo cách gây tổn thương cho họ.

10 cơ chế phòng vệ thông dụng:[1]

1. Kìm nén

Tâm trí bạn chủ đích chôn vùi một ký ức đau thương trong vô thức để ngăn bạn nhận thức đầy đủ về nó. Một số cảm xúc hoặc ký ức cụ thể được vùi lấp đi nhằm mục đích bảo vệ bạn.

Một ví dụ là khi ta không thể nhớ được một sự kiện đặc biệt khó khăn xảy ra ở thời thơ ấu.

2. Phủ nhận

Điều này xảy ra khi ta không có khả năng giải quyết một việc quá khó khăn. Đây được coi là một trong những cơ chế phòng thủ lâu đời nhất và là cách thức đối phó phổ biến đối với nhiều người.

Một ví dụ là khi bạn không tin rằng mình đang lạm dụng chất gây nghiện, mặc dù bản thân bạn đang ngày một lún sâu vào nợ nần vì thói quen này.

3. Thoái lui

Bạn gần như quay về với một cách thức xử lý vấn đề rất trẻ con. Phản ứng của bạn là hệ quả của hành vi thiếu chín chắn, vì bạn cảm thấy không đủ lý trí để đối phó với nó.

Một ví dụ là khi bạn tỏ ra hờn dỗi hoặc nổi giận khi xảy ra tranh cãi với người khác.

4. Đổ lỗi

Bạn quy trách nhiệm về sự bất an hoặc suy nghĩ của riêng bạn cho người khác. Nói chung, phản ứng này thường xảy ra khi một số hành động hoặc suy nghĩ nhất định không được mọi người chấp nhận và dù nhận thức về điều này, bạn không cách nào thể hiện ra được.

Một ví dụ là khi bạn buộc tội người tình của bạn tán tỉnh khi bạn đang có một cuộc tình.

5. Giận cá chém thớt

Khi đó, bạn hướng cảm xúc của mình vào một vật hoặc người khác. Bạn có thể rơi vào tình huống không thể diễn đạt cảm xúc của mình cách trực tiếp, chẳng hạn như với sếp của bạn.

Một ví dụ là khi bạn quăng ném đồ đạc trong lúc nổi cơn thịnh nộ.

6. Tự biện minh

Bạn biện minh cho hành vi của mình với những điểm tốt, dù có đúng hay không. Bạn nhìn nhận sự việc từ một quan điểm khác có lợi cho lập trường của mình.

Một ví dụ là khi bạn nói dối người bạn đời về điều gì đó bạn biết sẽ thực sự làm họ buồn lòng, bởi vì bạn yêu thương và đối xử tốt với họ.

7. Phản ứng ngược

Đây là lúc bạn hành động ngược lại với cảm xúc của mình. Việc này giúp chuyển hóa những cảm xúc hoặc suy nghĩ hiện tại của bạn để đặt bạn vào tình thế không phải đối mặt với chúng nữa.

Một ví dụ là khi bạn nói rằng mình không giận dữ gì cả, dù thực tế trong lòng bạn đang rất sôi sục.

8. Chuyển hướng cảm xúc

Bạn tập trung cảm xúc của mình vào một sự vật sự việc không liên quan đến vấn đề. Nhờ đó, bạn chuyển hướng cảm xúc về một hướng khác thay vì chú ý đến cội rễ vấn đề, mà điều này có thể còn gây ra nhiều rắc rối hơn nữa.

Một ví dụ là khi bạn cảm thấy khó chịu vì một điều gì tại nơi làm việc, nhưng lại xả cơn tức giận bằng cách lái xe hung hăng ngoài đường.

9. Xóa bỏ

Đây là phản ứng đảo ngược cảm xúc thông qua hành động. Đúng như tên gọi, bạn cố gắng "xóa bỏ" những cảm xúc và suy nghĩ của mình về một vấn đề cụ thể.

Một ví dụ là khi bạn tìm cách giúp đỡ một người nào đó mà bạn không thích.

10. Hài hước

Bạn đối phó với nỗi đau của chính mình bằng cách đùa vui về nó. Bạn cố gắng làm cho tình huống trở nên bớt nghiêm trọng bằng cách hành xử như thể có một khía cạnh nào đó của vấn đề rất hài hước.

Một ví dụ là khi bạn phát hiện ra mình mắc bệnh nan y nhưng lại đùa rằng như vậy bạn sẽ được nghỉ làm ở nhà.

Dù không thể loại bỏ các cơ chế phòng vệ, chúng ta vẫn có cách để kiểm soát chúng tốt hơn

Chú ý đến các tín hiệu cờ đỏ

Hành vi có thể dần trở thành thói quen. Hãy chú ý đến cách bạn phản ứng khi phải đối mặt với những tình huống khó xử về tình cảm.

Liệu bạn có khả năng sẽ ném một vật gì đó lên sàn nhà, hoặc bạn nhanh chóng đả kích người khác trong cơn tức giận? Liệu bạn có thể đối phó bằng cách bỏ đi đâu đó, thậm chí chỉ cần hít thở sâu và đếm đến mười là được?

Bạn đã hình thành một thói quen ứng xử có hại đối với sức khỏe của mình như uống hoặc ăn quá nhiều? Liệu có khi nào thay đổi môi trường sống hoặc mạng lưới xã hội sẽ đem đến một lối sống lành mạnh hơn?

Đừng đổ lỗi cho ai

Thật dễ dàng để từ chối chịu trách nhiệm cho cảm xúc hoặc hành động của mình. Nhưng đổ lỗi cho người khác cũng có thể gây nguy hiểm đến mối quan hệ của bạn với người đó, đồng thời khiến họ cảm thấy thật tồi tệ.

Thay vào đó, bạn có thể thành thật nói cho họ biết những gì thực sự đang xảy ra. Chẳng có gì xấu hổ khi phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Đôi khi, đón nhận một quan điểm khác có thể đem lại một sự cải thiện rõ rệt và khiến bạn cảm thấy ít cô đơn hơn.

Đừng phủ nhận những cảm xúc tiêu cực trong bạn[2]

Việc chấp nhận cảm xúc cá nhân có tác dụng giải phóng bản thân rất tốt. Không ai là hoàn hảo, và không ai nên khao khát trở nên hoàn hảo. Luôn có những điều tồi tệ xảy đến, và khi đó, đừng lo lắng khi bản thân cảm thấy tồi tệ.

Đừng cố kìm nước mắt nếu bạn thực sự muốn khóc, bởi nước mắt là cách giúp bạn tìm được sự vỗ về mà bản thân đang cần đến.

Phát huy một phong cách sống lành mạnh

Mặc dù có thể không thay đổi được hoàn cảnh của bạn, việc nuôi dưỡng cơ thể, tâm trí và tinh thần bằng những hoạt động tích cực hơn sẽ góp phần tác động đến cảm xúc và cơ chế phòng vệ của bạn.

Bạn hãy thử nghiệm thay đổi chế độ ăn uống và làm những hoạt động như tập thể dục, ngồi thiền hoặc kết hợp một sở thích nào đó khiến bạn cảm thấy phấn chấn hơn.

Nguồn ảnh bìa: Stocksnap từ stocksnap.io

Tài Liệu Tham Khảo

Không tìm thấy nội dung