5 tháng trước
Tại Sao "Thời Gian Có Thể Chữa Lành Mọi Vết Thương" Là Một Lời Nói Dối?
847

14K
Lượt xem
1444
Lượt chia sẻ
288
Lượt bình luận

Thật khó khăn để chấp nhận mất đi một người bạn yêu thương, dù cho đó là kết quả của cái chết hoặc một cuộc chia tay. Thông thường, ở các giai đoạn khác nhau của sự đau thương, bạn sẽ phải đấu tranh với hàng loạt cảm xúc/phản ứng từ trong chính mình.

Bạn đã từng thấy nhiều người, sau nỗi buồn chia tay, tạo cho ta ấn tượng về khả năng vực dậy và tiến tới của họ. Đôi khi, sự vực dậy này diễn ra gần như ngay lập tức. Bạn thấy trên phương tiện truyền thông xã hội những bức ảnh họ tiệc tùng say xỉn và được bao quanh bởi những người cùng chung vui với họ. Hoặc có thể là những cập nhật trạng thái khó hiểu trích dẫn các câu nói ngẫu nhiên của bất kỳ ai, từ Đức Phật cho đến Adele.

Tuy nhiên, bạn không hề nhìn thấy những đêm họ ngồi than khóc, xin được người khác khuyên nhủ và chìm trong tâm trạng lo buồn. Có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm cho đến khi họ có thể hoàn toàn bắt đầu cuộc sống mới.

Trên thực tế, theo mô hình của Kubler-Ross, nỗi đau của con người phải trải qua tổng cộng 7 giai đoạn:[1]

  • Sốc – Bạn cảm thấy tê liệt và hoài nghi - sự hoài nghi giúp bảo vệ bạn không bị choáng ngợp bởi luồng cảm xúc đang dâng trào trong mình.
  • Phủ nhận – Một khi cơn sốc đã qua đi, bạn cảm thấy không thể tin được rằng điều này đang xảy ra, và mọi sự bỗng như thể bạn đang ở trong một giấc mơ.
  • Tức giận – Giai đoạn tiếp theo sẽ nhường chỗ cho sự tức giận, thậm chí bạn có thể tìm cách đả kích người khác.
  • Mặc cả – Bạn cảm thấy cực kỳ bối rối và kết quả là, bạn tìm kiếm những phương thế tuyệt vọng nhằm chạy thoát khỏi nỗi thống khổ của mình.
  • Trầm cảm – Khoảng thời gian này, bạn bị xâm chiếm bởi nỗi đau buồn, và bắt đầu suy ngẫm về mất mát của bản thân. Bạn cảm thấy chìm trong cô đơn và tuyệt vọng.
  • Thử nghiệm – Sự thực bắt đầu thấm vào bạn, và bạn bắt đầu thử nghiệm một số việc cần làm để giúp mình tiếp tục đi tới.
  • Chấp nhận – Ở giai đoạn cuối này, bạn đã học được cách chấp nhận thực tế và bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới.

Vượt qua tất cả các giai đoạn trên không bao giờ là dễ dàng cả, song tất cả đều cần phải tiến đến giai đoạn cuối cùng để có thể tiếp tục cuộc sống của mình. Cảm nghiệm của mỗi người trong từng giai đoạn là không giống nhau - đó là do khác biệt về các mối quan hệ cũng như cách kiềm chế cảm xúc của từng người chúng ta.

Đối với những ai phải chịu nỗi đau mất người thân, chấp nhận không có nghĩa là bằng lòng với mất mát

Nói đúng hơn, bạn đã chấp nhận thực tế rằng họ không còn tồn tại nữa. Dù vẫn nhớ đến họ, thế nhưng cách bạn suy nghĩ về họ không còn giống như trước nữa.

Tâm điểm chú ý của bạn đã thay đổi. Nếu trước đây, bạn bị nhấn chìm trong nỗi tiếc thương, thì giờ đây, bạn đã ổn định lại cuộc sống và quay về với sinh hoạt thường ngày (hoặc cũng có thể là một lối sinh hoạt khác). Mặc dù cuộc sống có thể không bao giờ được như trước nữa, nhưng bạn vẫn tiến về phía trước và thậm chí bắt đầu thấy hy vọng nhiều hơn về tương lai.

Đối với những ai phải chịu nỗi đau mối quan hệ tan vỡ, chấp nhận có nghĩa là chào đón một cuộc sống mới

Với sự hiểu đời sâu sắc hơn, bạn dễ dàng nhận ra nguyên nhân mối quan hệ không đạt tới thành công và tại sao nên chấp nhận điều này.

Mỗi khi điện thoại reo, bạn không còn hy vọng rằng đó là người yêu cũ của bạn nữa. Bạn không tiếp tục theo dõi họ trên các phương tiện truyền thông xã hội vì không còn cảm thấy hứng thú hay quan tâm đến những gì họ đang làm trong cuộc sống.

Họ không còn chiếm vị trí quan trọng trong đời bạn, còn bạn thì bắt đầu hẹn hò, gặp gỡ người khác hoặc vui vẻ với cuộc sống độc thân. Bạn không còn nuôi hy vọng về việc đôi bên quay lại với nhau nữa.

Để thực sự bước tiếp, đừng trông chờ vào thời gian

Không phải là thời gian chữa lành vết thương. Nói đúng hơn, với thời gian trôi qua, những điều bạn làm sẽ giúp hàn gắn nỗi đau trong lòng.[2]

Chẳng hạn, bạn có thể khóc lớn tiếng, ngồi suy niệm hoặc chuyển hướng đầu tư nguồn lực. Các giai đoạn đau buồn có thể không giống nhau đối với mọi người, và mỗi người sẽ có cách tự chữa lành riêng.

Đau khổ là một cảm xúc bình thường, bởi đó là hệ quả của một con tim biết yêu. Việc không tìm cách chống lại các giai đoạn của nỗi đau buồn sẽ đặt nền móng để bạn bắt đầu hướng tới một tương lai ít tăm tối hơn.[3]

Chấp nhận sự hỗ trợ của người khác không đồng nghĩa với yếu đuối

Bạn hoàn toàn có thể hạ bức tường rào cản của bản thân xuống và tìm đến bạn bè hoặc gia đình để được hỗ trợ. Hãy để cho bản thân được chào đón bởi tình yêu thương và những người quan tâm đến bạn. Họ sẽ giúp bạn trở nên mạnh mẽ vào những thời điểm bạn không thể tìm được sức mạnh cho chính mình.

Đối với những ai không có mạng lưới bạn bè hoặc gia đình vững mạnh, cuộc sống đôi khi vẫn có những cách thật kỳ diệu để đưa ta đến với những người bạn mới vào đúng thời điểm ta cần đến họ.

Bạn cũng có thể tham vấn với bác sĩ để có cơ hội tiếp xúc với một nhóm người hỗ trợ. Nếu muốn, bác sĩ của bạn cũng có thể cho lời khuyên về cách tìm kiếm một chuyên gia tư vấn cho bạn.

Chuyển hướng tập trung vào những điều tích cực không chỉ đem lại niềm hạnh phúc, mà còn truyền cảm hứng cho bạn trưởng thành hơn

Hãy tìm cách để tâm trí bạn tập trung vào một việc gì khác. Chẳng hạn, bạn có thể thử viết lách, đọc sách hoặc vẽ tranh.

Một số cách khác có thể kể đến là cầu nguyện, ngồi thiền hoặc bất kỳ hoạt động nào khác mà bản thân cảm thấy phù hợp. Ví dụ, tôi thường thích đọc tạp chí về đề tài vật lý lượng tử hoặc vật lý thiên văn - hoạt động này giúp nhắc nhở tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và thế giới.

Dù thế nào đi nữa, hãy luôn luôn có một giải pháp khả quan để kiểm soát cảm xúc của bạn.

Đừng ép buộc bản thân quá mức, nhưng hãy bước tiếp một cách từ tốn

Nếu bạn chưa đạt được thành công như mong muốn, thì hãy nhớ rằng không có vấn đề gì cả. Cứ từ tốn từng bước một.

Và trong trường hợp vẫn cảm thấy tuyệt vọng, hãy ghi nhớ điều này: bạn không cần phải đau khổ. Ánh sáng của cuộc sống vẫn luôn chiếu soi cho những người đang nằm dưới đáy vực của nỗi bất hạnh. 

Tài liệu tham khảo