8 tháng trước
Cái Giá Của Đố Kỵ: Đố Kỵ Bòn Rút Động Lực Của Bạn Như Thế Nào
236

2834
Lượt xem
194
Lượt chia sẻ
63
Lượt bình luận

Trong một môi trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay, chúng ta rất dễ trở nên đố kỵ với thành công của người khác. Ví dụ như: ở lĩnh vực startup, luôn có một số hiện tượng cá nhân có thể nổi bật nhanh chóng với công việc của họ. Tôi có biết một người đã làm ra một ứng dụng thu về đến 20 triệu người dùng trong khoảng thời gian ngắn, và một người khác giành chiến thắng vài giải thưởng kinh doanh nổi bật, từ đó thu hút rất nhiều sự quan tâm từ truyền thông. Ngoài ra, có một startup nữa cũng nhanh chóng có được tới 200 nhân viên.

Khi bị đồng nghiệp qua mặt, chứng kiến cuộc sống năng động của một người bạn, hay nhìn thấy người khác có được một mối quan hệ "có vẻ" hoàn hảo, bạn sẽ rất dễ bị kích động. Chúng ta gần như không dám thừa nhận những thứ cảm xúc ấy, nhưng trong lòng lúc nào cũng cuồn cuộn sóng.

Dù muốn hay không, thì ai cũng phải chấp nhận rằng mình đã từng ganh ghét với một người nào đó trong quá khứ.

Cảm xúc cạnh tranh và ghen tỵ là một chiến lược mang tính thích nghi. Con người về bản chất đã có khuynh hướng so sánh bản thân mình với người khác bởi vì việc vượt trội hơn so với người khác để sinh tồn là điều rất cần thiết.

Mặc dù việc ghen tỵ hay bực bội với người khác là biểu hiện tự nhiên nhưng cảm xúc đó có hại nhiều hơn lợi.

Đố kỵ sẽ thiêu đốt tâm trí bạn


Nguồn ảnh: Source

Lòng đố kỵ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng suy nghĩ và hành động của mỗi con người. Thay vì làm việc để gặt hái được thành công lớn, những người đố kỵ chỉ tập trung vào những thứ họ còn thiếu. Họ hoàn toàn không có định hướng, bởi động lực duy nhất là có được những gì mà người khác đã có. Nếu không có mục tiêu rõ ràng, những cá nhân này rất dễ đánh mất động lực của chính họ.

Những người chỉ tập trung vào thành quả cuối cùng của người khác thường không nghĩ đến cuộc hành trình mà đối phương phải trải qua để có được thành tích đó. Người đố kỵ không thể ý thức được ưu điểm của bản thân và khuyết điểm của người khác.

Nếu bạn dành cả đời chỉ để ganh ghét với người khác vì "họ năng suất hơn, dễ thăng tiến hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn" thì bạn sẽ chẳng bao giờ khá nổi. Những người bỏ phí thời gian để nghĩ ngợi về thành công của đối phương sẽ không thể nhìn ra tiềm năng của bản thân. Kể cả khi đã có được thành công, những người này vẫn chỉ chăm chăm để ý đến người khác, vì thế gần như không thể tự thưởng được. Vòng lặp hằn học cứ vậy mà kéo dài, khiến ngươi ta chẳng bao giờ thấy thỏa mãn.

Thực tế là luôn có người nào đó khỏe mạnh hơn, sáng suốt hơn, toàn diện hơn mỗi chúng ta. Tính đố kỵ huyễn hoặc chúng ta vào một cuộc sống mà ở đó, chữ "đủ" không tồn tại. Sự thỏa mãn sẽ chẳng bao giờ có. Song, chúng ta cần phải hiểu rằng động lực hướng tới thành công có tác động tích cực hơn rất nhiều so với việc oán thán về thành quả của người khác.

Đối mặt với sự thật và đừng dựa dẫm vào lòng đố kỵ 


Nguồn ảnh: Source

Tôi hiểu rằng ngay cả những người vị tha và lạc quan nhất cũng có thể bị con quỷ đố kỵ chi phối. Nhưng khi đối mặt với thứ cảm xúc này, tôi sẽ xem lại mục đích và động lực để gặt hái thành công của chính mình. Kiên định với tầm nhìn của mình chính là cách mà tôi thúc đẩy bản thân đi lên.

Khi tôi mới bắt đầu Lifehack, mọi thứ rất khó khăn. Vào thời điểm này, mạng Internet đã bắt đầu phổ biến hơn qua từng ngày, và rất nhiều công ty đã xuất hiện để tranh giành chỗ đứng. Cùng lúc đó, tôi được nghe về một startup hàng xóm đã phát triển đến mức có thể sở hữu một văn phòng khổng lồ. Tòa nhà của họ có 4 tầng, mặt tiền sang chảnh, căng tin rộng rãi, và cả một phòng nghỉ với bể bơi cùng bảng phóng phi tiêu. Tôi gần như ngay lập tức nghĩ: "Chà! Chỗ đó tuyệt quá. Ước gì mình cũng có những thứ như thế. Hẳn là sẽ tuyệt lắm." Tôi có ấn tượng, nhưng không thể tránh khỏi việc so sánh chính mình với họ, cảm giác đó chẳng dễ chịu chút nào.

Tôi có thể đã day dứt với suy nghĩ trên, những thay vì thế, tôi kịp quay đầu để nhớ ra điều gì mới thật sự quan trọng. Tôi tự nhắc bản thân rằng mình muốn tạo ra một môi trường thúc đẩy năng suất. Bất cứ thứ gì không phục vụ điều đó là không cần thiết, thậm chí có thể sinh ra sự phân tâm.

Sau đó, tôi nghĩ về mục tiêu trong công việc. Tôi muốn tạo ra một sản phẩm có tác động tích cực với người khác. Văn phòng của tôi không sang trọng cũng được. Quan trọng là thành quả của chúng tôi sẽ thay đổi cuộc sống như thế nào,

Đội ngũ của tôi chẳng cần những thứ hào nhoáng để có một môi trường vui vẻ. Họ tự tạo cho mình sự  vui tươi và sáng tạo. Nếu tôi dành thời gian chỉ để lo về độ khang trang của văn phòng, tôi sẽ phiền muộn với bản thân vì đã không thể cung cấp cho đồng nghiệp của mình những gì mà nhiều startup khác đang sở hữu. Tôi sẽ để mặc cảm làm cản trở bước tiến của mình mất.

Khi tôi tập trung vào nguồn cảm hứng và làm việc để cải thiện bản thân, quãng đường đến với thành công tự khắc được rút ngắn. Hiểu rõ mình thật sự cần gì là thứ động lực hiệu quả nhất, nó xóa bỏ lòng đố kỵ tốt hơn là nỗ lực hão huyền để có được thứ mà người khác đang có. Tôi chẳng có lý do gì để ganh ghét với người khác cả, vì nó không đem lại lợi ích cho công ty của tôi.

Giải phóng mình khỏi lòng đố ky cũng đã giải thoát tôi khỏi những mong muốn xa vời và phản tác dụng. Tôi có thể nhìn được con đường mình đã đi, cũng như là lĩnh vực mà mình thật sự muốn phát triển. Tôi muốn công ty của mình đứng vững trên giá trị của nó, chứ không phải trên cán cân với những đối thủ khác.

Thoát khỏi tính đố kỵ không chỉ khiến chúng ta tập trung vào những thứ thật sự quan trọng, nó còn làm cuộc sống thêm dễ chịu. Tán dương thành công của người khác mà không có phản ứng tiêu cực sẽ tạo ra nhiều cơ hội và mối quan hệ hơn cả lúc chúng ta tự có được thành công.

Khi bạn bắt đầu thèm muốn thành công của người khác, hãy định hình lại tầm nhìn của mình, và nhận ra rằng chúng ta đều đi chung một con đường để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất.

Nguồn ảnh bìa: chibird từ chibird.com

Tài liệu tham khảo

Không tìm thấy nội dung