8 tháng trước
Lớn Lên Thì Dễ, Trưởng Thành Mới Khó
189

2755
Lượt xem
279
Lượt chia sẻ
77
Lượt bình luận

Từ khi chúng ta bắt đầu có thể suy nghĩ, chúng ta đã hướng tới tương lai. Chúng ta tưởng tượng ta sẽ trông như thế nào khi lớn lên, kiểu người mình sẽ trở thành. Thậm chí ta kỳ vọng những thứ đó cho bản thân mà không hề nhận ra, vì tất cả mọi thứ dường như đều có thể. Từ khi còn nhỏ ta đã nghe rất nhiều lần câu nói "Bạn có thể làm được bất kỳ điều gì bạn muốn". Khi còn chưa bị bóp nghẹt bởi sự khắc nghiệt của cuộc sống, ta đã tin vào điều đó.

Ý tưởng lớn lên mang đến những lời hứa về sự tự do. Ở tuổi này bạn có thể lái xe, ở tuổi kia bạn có thể đi bầu cử. Cuối cùng bạn sẽ theo đuổi một nghề nghiệp hoặc một lối sống đặc biệt nào đó. Bạn nghĩ rằng khi lớn lên, bạn có thể trở thành bất kì ai bạn muốn. Khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn yêu thích đánh trống và luôn muốn sẽ trở thành một người đánh trống. Nhưng tôi đã được khuyên rằng tốt hơn là nên tập trung vào việc học trước khi theo đuổi đam mê âm nhạc. Nên tôi biết mình phải chờ tới khi lớn hơn để có thể trở thành một người đánh trống tự xưng tôi đã từng mơ ước.

Nhưng khi chúng ta bắt đầu lớn lên, những người đã ở trong tuổi trưởng thành trước ta từ lâu khuyên rằng hãy nên hưởng thụ tuổi trẻ. Hãy tận dụng lợi thế của sự tự do ta đang có hiện giờ. Tự do à? Nhưng chúng ta nghĩ tự do đi kèm với tuổi trưởng thành; khi ta đưa ra lựa chọn cho tương lai. Đó là bởi vì chúng ta lãng mạn hoá khái niệm lớn lên chứ không phải trưởng thành. Thuận lợi đi cùng với tuổi tác, và trách nhiệm cũng vậy. Đáng buồn là ta không hề biết điều này cho đến khi nó tới.

Lớn lên không phải luôn đồng nghĩa với trưởng thành

Vậy tại sao phải vội vã nhỉ? Điều gì làm chúng ta muốn nhảy cóc đến vậy? Tôi đoán có lẽ vì những đặc quyền và thuận lợi trong tưởng tượng.

Khi chúng ta còn nhỏ, người lớn dường như có tất cả mọi thứ. Trong suốt quá trình trưởng thành chúng ta được dạy rằng hãy tuân theo những giới hạn nhất định dựa trên số tuổi của ta, ví dụ như uống cà phê hay nhuộm tóc. Thật ra không có luật lệ nào kể đến những vấn đề này cả, nhưng những tiêu chuẩn xã hội quy định phải đến bao nhiêu tuổi bạn mới được phép làm một số việc nhất định.

Rồi có những chuẩn mực được quy định bởi luật pháp cho một số hành động nhất định như đánh bạc, uống rượu, hoặc lái xe. Việc không thể làm những việc này một cách tự do khi "chưa-đến-tuổi" làm chúng ta mong chờ đến thời điểm khi ta có thể có quyền quyết định lựa chọn của mình.

Trưởng thành nên được xác định dựa trên sự trải nghiệm, không phải số tuổi

Hãy đối mặt với điều này. Tuổi trưởng thành thật tệ, và tất cả chúng ta đều biết điều đó. Tại sao nó lại trở nên như thế? Chúng ta đã sai ở đâu? Sự thật là, tuổi trưởng thành có vẻ tệ bởi vì kỳ vọng của ta không giống như thực tế. 

Trưởng thành khác với lớn lên, vì lớn lên là không thể tránh được. Sự hiện diện của sự chín chắn, mang theo hiểu biết và trải nghiệm, báo hiệu sự trưởng thành. Trải nghiệm định hình bản thân bạn, xác định con người bạn hiện tại, và con người bạn tiếp tục trở thành. Sự trưởng thành được xác định bằng cách bạn lĩnh hội trải nghiệm, cách bạn phản ứng với chúng, tự nhìn nhận bản thân sau sự việc, và cách bạn tiếp tục sau khi sự việc xảy ra.

Bất kỳ khó khăn hay trải nghiệm nào cũng là cơ hội để định hình bản thân bạn. Bạn thật sự chỉ có hai lựa chọn, để kết quả làm bạn mạnh mẽ hơn, tốt hơn; hoặc để nó làm bạn suy sụp. Hãy đối mặt với trách nhiệm, và tìm ra giải pháp. Đây là những hành động của một người trưởng thành.

Ý nghĩ "Ta có thể làm nhiều việc hơn khi ta lớn lên" chỉ là ảo tưởng

Giống như việc nhận ra rằng ông già Noel không hề có thật (cảnh báo tiết lộ), chúng ta trưởng thành để nhận ra rằng tuổi trưởng thành không phải là tất cả những gì ta tưởng tượng khi còn trẻ. Đó là một cuộc sống khó khăn vất vả. Thay vì tự do, ta có những giới hạn, rất nhiều giới hạn. Có hàng ngàn luật lệ và tiêu chuẩn xã hội để làm theo khi là người lớn; và chúng ta có thể bị tổn thương bởi sự phán xét nếu ta gạt đi những tiêu chuẩn đó.

Trong thế giới công việc, bạn không được đánh giá qua việc bạn là ai như một người lớn. Thay vào đó bạn được đánh giá qua việc bạn người lớn như thế nào. Bạn có trách nhiệm không? Có tổ chức? Có đúng giờ? Có lưu loát? Bạn cần trông có vẻ như bạn có tất cả những điều đó. Và ta càng lớn lên, càng có nhiều trách nhiệm và kỳ vọng được "quẳng" cho chúng ta. Điều tuyệt nhất là gì? Sẽ chẳng ai giúp đỡ hoặc chỉ bạn cách vượt qua cả.

Bạn là người lớn mà, tự tìm cách đi.

Không có ai thật sự biết cách "làm người lớn"

Khi nói đến người lớn, không ai thật sự biết họ đang làm gì cả. Tất cả chúng ta chỉ đang cố gắng hết sức. Rất nhiều người nhìn có vẻ rất giỏi với việc này, nhưng sâu bên trong có thể họ cũng đang tự hỏi chính bản thân mình thôi. Điều tốt nhất ta có thể làm là hỏi xin lời khuyên từ những người thông thái hơn, những người bạn lớn hơn và gia đình. Không một ai có thể thật sự nói cho bạn biết phải làm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng họ có thể nói cho bạn biết họ sẽ làm gì. Chúng ta đều muốn thứ gì đó khác biệt trong cuộc sống, vì thế nên ta đều đưa ra những quyết định khác nhau để ủng hộ động cơ của mình. Ta dành cả cuộc đời để cố gắng tìm ra nó, nắm lấy cơ hội và hy vọng điều tốt nhất sẽ đến. 

Trưởng thành cũng giống như việc làm cha mẹ. Không ai sẵn sàng, và không ai thật sự biết họ đang làm gì. Khi lớn lên, bạn nhận ra những câu chuyện cũ rích mà cha mẹ thường dùng để tra tấn bạn có ẩn chứa vài sự thật trong đó. Thật ra bạn cũng khá giống họ đấy. Càng lớn bạn càng tôn trọng cha mẹ hơn và nhận ra rằng họ cũng chỉ là những người đang cố gắng hết sức để làm những việc họ có thể làm.

Bạn thật sự cần dành thời gian cho những việc bạn muốn làm

Không thì chúng sẽ không xảy ra đâu. Đừng tự nói với bản thân là "Khi nào lớn thì làm". Vì cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng thời gian đã vuột khỏi tầm tay, và tất cả những gì bạn còn lại là ước mơ. Bạn càng lớn tuổi thì thời gian dường như càng trôi đi nhanh chóng. Đó là bởi vì thời gian của bạn đã được sử dụng. 

Ví dụ bạn ngủ 8 tiếng mỗi đêm, làm việc 8 tiếng một ngày. Hãy trừ đi 3 tiếng cho việc ăn uống, đi lại, và tắm rửa. Giờ bạn chỉ còn lại 5 tiếng mỗi ngày thôi. Bạn không còn trẻ như trước nữa, và có thể bạn cũng không thấy tràn đầy năng lượng và có động lực để theo đuổi sở thích riêng của mình. Thật khó để dành ra chút thời gian để làm những việc bạn thích khi bạn đã có những việc cố định hàng ngày. Đừng dựa vào lời hứa của tương lai. Bạn cần dành thời gian cho chúng ngay bây giờ.

Không ai nghĩ về bạn (hoặc tấm hình hài hước bạn vừa chia sẻ)

Khi ta lớn hơn, ta đều mệt mỏi vì trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều như vậy. Và đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều tập trung vào bản thân mình một cách đáng kinh ngạc. Vì chúng ta phải như vậy. Thời gian rất khác biệt khi chúng ta còn thiếu niên, khi ta dường như có tất cả thời gian trên thế giới này chỉ để gặp nhau và tán gẫu. 

Ta không có sự tự do để vô lo vô nghĩ khi ta lớn lên. Ta phải chăm sóc bản thân mình. Những người đã có gia đình và con cái thậm chí còn có nhiều trách nhiệm hơn. "Đi chơi" không còn là ưu tiên nữa, mà nó đã được thay thế bởi những mục tiêu và trách nhiệm. Sự chú ý của chúng ta được hướng đến những vấn đề thực tế được đưa tin trên thời sự và truyền thông. Phần lớn mọi người có cùng ý kiến và sở thích giống ta, vậy nên ta có xu hướng giảm hứng thú với những người đó và cuộc đời của họ. 

Tuổi trưởng thành rất mơ hồ, không có sai hay đúng

Cuộc sống của một đứa trẻ rất rõ ràng. Người lớn thường xuyên nói cho ta sự khác biệt giữa đúng và sai. Nhưng khi ta lớn lên, mọi thứ không chỉ đi theo một hướng duy nhất. Và những điều bạn từng tin tưởng bắt đầu lộ ra mặt khác của chúng khi bạn lớn lên. Có hai mặt của mỗi ý kiến hay một vấn đề nào đó, và ta phải lựa chọn mình theo bên nào.

Ví dụ: Bạn được dạy rằng việc thải khí CO2 rất tồi tệ, và rất có hại cho môi trường. Mặc dù câu đó đúng, nhưng chúng ta sẽ gặp khó khăn để có phương tiện đi lại đáng tin cậy nếu không thải ra khí CO2. Để tôi nói bạn nghe, mâu thuẫn này còn được biết tới với tên gọi Bất hoà nhận thức.

Phấn đấu đạt được ước mơ = 99% chịu đựng + 1% cơ hội thành công

Khi ta còn nhỏ, thật dễ dàng để tưởng tượng chính xác ta sẽ trở thành người như thế nào. Cha mẹ và thầy cô khuyến khích ta theo đuổi ước mơ vì những lợi ích chúng mang lại. Nếu ta muốn làm bác sĩ, ta có thể cứu người. Nếu ta muốn làm kiến trúc sư, ta có thể thiết kế những toà nhà và những cây cầu tuyệt đẹp để mọi người có thể đi lại và sống thật thoải mái. 

Điều họ không nói với bạn là sẽ khó khăn thế nào để đạt được những ước mơ đó. Điều đó cần rất nhiều nỗ lực và hy sinh, và cuối cùng có thể vẫn không thành công. Đây là phần mà người lớn thường bớt lại. Điều họ nên nói với chúng ta là nếu muốn làm bác sĩ thì bạn phải học cực kì chăm chỉ, không có ngày nghỉ nào hết, bạn cần làm việc trong bệnh viện khi đang học, việc này làm bạn cực kì khó duy trì một cuộc sống cân bằng. Và tệ nhất là, bạn không thể nào cứu sống tất cả các bệnh nhân.

Ngày nay chúng ta không thể đổ lỗi cho bản thân vì đã từ bỏ dễ dàng. Ta được hướng dẫn để tin rằng nếu ta thật sự muốn ai đó đủ nhiều họ sẽ là của ta, nhưng ta chưa bao giờ được dạy làm thế nào để phấn đấu vì họ. Ta chưa bao giờ được dạy rằng phải chịu đựng nhiều thế nào để theo đuổi một giấc mơ.

Lớn lên thì dễ, nhưng trưởng thành mới khó

Để trở thành người tốt nhất bạn có thể, bạn cần trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Nắm bắt lấy những trải nghiệm này và để chúng định hình bạn thành một người mạnh mẽ hơn, thông minh hơn, và tốt đẹp hơn. Mọi thứ sẽ liên tiếp tấn công vào điểm yếu của bạn, nên hãy học cách thích nghi. Luôn giữ tâm trí của mình cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận kiến thức. Thời điểm bạn ngừng học hỏi cũng chính là lúc bạn ngừng trưởng thành.