Phủ nhận là một phần bản chất của con người. Chúng ta phủ nhận sự việc để cố gắng bảo vệ bản thân khỏi những sự thật chúng ta không chịu đối mặt. Tất cả chúng ta đều làm việc này vào một thời điểm nào đó. Chúng ta phủ nhận cái chết, chúng ta phủ nhận một mối quan hệ đã kết thúc, chúng ta phủ nhận rằng ta đã nói dối một người bạn. Đôi khi, sự phủ nhận có tính lành mạnh; chúng ta phủ nhận mong muốn ngừng làm một bài luận ở trường hoặc một dự án trong công việc bằng cách tự nói với mình rằng chúng ta không mệt, ta có thể làm được! Nhưng phủ nhận cũng có thể gây nguy hiểm. Khi chúng ta phủ nhận điều gì đó tới mức nó tác động tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta (ví dụ: một mối quan hệ độc hại, một đam mê không lành mạnh), thì ta đã tự tạo khó khăn cho chính mình.
Khi một người bạn yêu thương mất đi, thì giai đoạn đầu tiên của sự đau buồn là phủ nhận. Điều đó hợp lý phải không? Ta không chịu tin rằng họ có thể thực sự đã ra đi. Với việc không thể chấp nhận sự thật, chúng ta cho phép mình chấp nhận thực tế một cách từ từ chậm rãi. Nhưng một khi ta đã vượt qua nỗi đau và cú sốc, ta có thể cứng rắn hơn và bắt đầu chấp nhận những gì đã xảy ra.[1] Nhưng làm cách nào ta có thể vượt qua sự phủ nhận khi ta không cảm thấy mạnh mẽ, hoặc khi những gì ta đang phủ nhận là điều ta phải đối mặt?
Việc chấp nhận thực tế có thể khó khăn khi ta cảm thấy còn có việc ta chưa hoàn thành
Nếu ai đó qua đời và ta không thể nói lời tạm biệt, hoặc nếu ta không bao giờ có được lời chia tay mình cần từ một mối quan hệ tan vỡ trước khi tiếp tục một mối quan hệ mới, ta có thể cảm thấy bản thân đang bỏ lỡ điều gì đó.[2]
Đôi khi, thứ ta mất không nhất thiết phải là một thứ gì đó đa cảm như nói lời tạm biệt. Thực tế, ta có thể trải qua cảm giác phủ nhận khi ta không có cơ hội bày tỏ sự giận dữ với ai đó. Có thể bạn thấy mình đang phủ nhận một mối quan hệ đã kết thúc không phải vì bạn vẫn còn yêu người đó, mà bởi vì bạn không bao giờ có cơ hội nói với người đó họ đã khiến bạn giận dữ ra sao. Tương tự, bạn có thể giận dữ khi ba hoặc mẹ qua đời do những gì họ viết trong di chúc, nó khiến bạn phủ nhận việc họ đã thật sự ra đi và bạn không thể làm được gì khác.
Phủ nhận trở thành vấn đề khi ta sử dụng nó để tránh những cảm xúc tiêu cực
Mặc dù phủ nhận là phản ứng tự nhiên trước những tình huống khó khăn, nhưng nó có thể là một điều tồi tệ nếu bạn dùng nó một cách cố ý. Nếu bạn cố tình sử dụng sự phủ nhận để tránh đối mặt với những cảm xúc bạn đang trải qua, thì bạn có thể sẽ cản trở quá trình chữa lành bản thân.
Trong cuốn sách đã được chuyển thể thành series phim Netflix “13 Lý do Tại sao”, một nữ sinh trung học tên Hannah đã tự tử. Bộ phim xoay quanh cuộc vật lộn của cha mẹ và bạn bè cô bé để hiểu được tại sao việc này lại xảy ra. Có một cảnh phim gây sửng sốt tổng kết một cách trọn vẹn trạng thái phủ nhận của bố mẹ cô bé tại một bữa tối. (Nếu bạn chưa xem thì xin báo trước là có sự tiết lộ phim!) Mẹ của Hannah bắt chuyện với một người bảo trợ khác, là mẹ của một cô bé. Người phụ nữ lạ mặt hỏi họ có con không. Mẹ của Hannah đột nhiên nói với người phụ nữ rằng họ có một cô con gái. Cô bé 17 tuổi và đang tìm trường đại học. Người chồng có vẻ bối rối, nhưng bà mẹ tiếp tục nói về ngành học cô gái có thể vào, và các vấn đề khác trong cuộc sống của cô. Bà hoàn toàn không chấp nhận thực tế và giải thích rằng bà đã có một cô con gái, nhưng cô đã mất. Đó thật là một bi kịch và đau xé lòng, nhưng người chồng đã cố gắng để đối mặt. Đó là lý do vì sao ông ta bối rối trước cách người vợ trả lời câu hỏi.
Trạng thái phủ nhận bà đang trải qua chỉ khiến hai người cãi nhau và rồi suy sụp. Nó không giúp ích cho bất kỳ ai trong họ. Mặc dù đây là một ví dụ không có thật, nhưng nó là một ví dụ chính xác. Vì mẹ Hannah không biết vì sao con gái mình tự sát, hay thậm chí có cơ hội để thuyết phục cô đừng làm thế, hoặc nói lời tạm biệt, bà không thể chấp nhận rằng cô sẽ không trở lại.
Dù sự thực có khó chấp nhận đến đâu, thì việc vượt qua thực sự là lựa chọn duy nhất
Có vẻ như phủ nhận là cách an toàn để bảo vệ bản thân bạn khỏi thực tại khó chấp nhận, nhưng trên thực tế thì nó hoàn toàn ngược lại. Việc biết rằng bạn cần vượt qua sự phủ nhận là không đủ để vượt qua nó. Thực tế, khi bạn nhận ra mình đang tự buộc bản thân phải lờ đi sự thật và không chịu chấp nhận, bạn có thể thấy mình thậm chí nặng nề hơn và tự hỏi phải bắt đầu từ đâu. Như phần lớn các trường hợp cần một lời chia tay, viết một lá thư mà bạn sẽ không bao giờ gửi có thể có tác dụng như một cách giải tỏa. Nhưng có những cách khác để đối mặt với sự phủ nhận và bắt đầu sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mặc dù bạn rõ ràng bạn phải chấp nhận tình huống đúng như nó vốn thế và đối mặt với sự thật rằng bạn đang trong trạng thái phủ nhận, nhưng có những bước bạn có thể thực hiện để thực sự vượt qua những cảm xúc này và bắt đầu bước tiếp.
Chấp nhận sự giận dữ mà bạn có thể đang cảm thấy
Nếu sự phủ nhận của bạn đi kèm với cảm giác giận dữ hoặc rất thất vọng, thì việc cảm thấy những cảm xúc đó là hết sức bình thường. Hãy biết rằng những cảm xúc của bạn là đúng. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bạn nên chạy quanh, đấm vào tường và la mắng mọi người, nhưng bạn có thể hét lên. Hãy đi dã ngoại, leo núi, đến một nơi mà thứ duy nhất bị tiếng động làm phiền là thiên nhiên hoang dã và hãy xả nó ra. Hét, gào, khóc, và ném đồ vật nếu bạn cần phải làm thế. Bạn sẽ không thể tương tác tích cực với bất kỳ ai ngay cả khi từ đầu họ không phải là nguyên nhân của những cảm xúc này, trừ khi khi bạn giải phóng được sự giận dữ đó.[3]
Chỉ biết rằng bạn đang phủ nhận không phải là cách đối phó
Chấp nhận việc bạn đang trong trạng thái phủ nhận là không đủ. Rất tiếc vì điều đó. Mặc dù đó là bước đầu tiên để vượt qua, nhưng bạn cần bước qua từng bước. Chúng ta đều đã biết cơ chế phòng vệ có mục đích của nó, nhưng một khi bạn đã cảm thấy sẵn sàng giải tỏa với một ai đó, thì bạn phải làm điều đó. Hãy đảm bảo khi bạn sẵn sàng nói chuyện, thì người nghe là người mà bạn tin tưởng và có sự tôn trọng. Những gì bạn sắp trải qua là đúng, và bạn cần nói với một người hiểu điều đó.[4]
Đừng chạy theo các giai đoạn
Mặc dù phủ nhận là giai đoạn đầu tiên của vượt qua đau buồn, đừng bị ám ảnh với việc theo sát từng giai đoạn. Mỗi người đối mặt với sự việc một cách khác nhau, và có nhiều khả năng bạn sẽ thấy mình bỏ qua bước nọ bước kia. Điều đó không có nghĩa là bạn không thực sự đối phó hay đau khổ “đúng cách”. Và nếu bạn đang cố gắng giúp ai đó đó trải qua nỗi đau và vượt qua sự phủ nhận, bạn phải kiên nhẫn. Mặc dù chúng ta có thể không biết thời gian cần thiết cho ai đó chấp nhận cái chết hoặc một sự mất mát khác là bao lâu, nhưng người đó đang đối mặt với chúng theo khả năng của họ.[5]
Sau đây là các giai đoạn trải qua để bạn tham khảo:
- Phủ nhận: Cơ chế phòng vệ để đối phó với những nỗi buồn sâu sắc.
- Giận dữ: Thất vọng và bất lực đi kèm với một bi kịch thường dẫn đến cảm giác giận dữ.
Thương lượng: Bạn nghĩ mình đã có thể ngăn việc đó xảy ra nếu bạn [viết lý do vào đây].
Trầm cảm: Nỗi buồn khủng khiếp thường đi cùng giai đoạn đối phó khi nỗi đau của bi kịch bắt đầu trỗi dậy.
Chấp nhận: Bạn sẽ luôn cảm thấy một nỗi buồn nào đó, nhưng bạn sẽ bắt đầu tiếp tục cuộc sống của mình.
Bạn không cần phải mạnh mẽ và bạn không cần phải lãng quên
Vượt qua sự phủ nhận không có nghĩa là bạn phải vô cảm. Bạn được phép khóc và bạn được phép tiếp tục sống cuộc sống của mình trong khi vẫn mang sự mất mát đó bên mình. Không có cách nào “đúng” để cảm nhận nỗi đau hay chấp nhận điều gì đó làm biến đổi cuộc sống bạn. Bạn sẽ luôn mang sự kiện đó trong tim mình, nhưng bạn sẽ vượt qua cảm xúc giận dữ và sự đổ lỗi. Mặc dù điều đó rất khó và bạn sẽ luôn cảm thấy đau đớn khi nghĩ về nó, nhưng vượt qua sự phủ nhận là cách duy nhất để giành lại quyền kiểm soát cuộc đời bạn.[6]
Cùng với việc cho phép bản thân mình kiên nhẫn khi bạn phải đối mặt với sự phủ nhận, hãy nhớ rằng, trước hết, bất kể những gì bạn đang trải qua khiến bạn có cảm giác phủ nhận đó, đều là đúng. Người ta có thể đau buồn vì ai đó qua đời, vì phải xa nhà, khi tốt nghiệp hoặc thậm chí do thay đổi công việc. Nếu bạn đang đau buồn hay tổn thương, thì hãy thừa nhận điều đó. Bạn không nên so sánh nỗi đau của mình với bất kỳ ai. Cảm xúc của bạn quan trọng, và hạnh phúc của bạn cũng vậy. Vượt qua sự phủ nhận của bạn là sống trong hạnh phúc.