9 tháng trước
Những Người Khác Sẽ Phán Xét Bạn Ngay Cả Khi Chưa Từng Gặp Bạn, Và Đây Là Lí Do
375

4209
Lượt xem
24
Lượt chia sẻ
13
Lượt bình luận

Chúng ta ai cũng có một người bạn mà ta phải cảnh báo người khác trước khi đôi bên gặp mặt. Khi bạn chuẩn bị gặp người đó, bạn của bạn nói rằng hãy chuẩn bị tinh thần bởi đôi lúc anh ta cư xử hơi thô lỗ. Anh ta thích châm chọc người khác, nhưng bởi đã quen biết nhau lâu nên cô bạn của bạn đã quen rồi. Nhưng giờ đây, ngay khi thậm chí còn chưa gặp mặt, bạn đã có ấn tượng không tốt về anh ta rồi.

Xu hướng phán xét ngay cả khi chưa gặp ai đó là chuyện rất bình thường. Ai cũng nói ấn tượng ban đầu rất quan trọng, nhưng đôi khi bạn có thể tạo ấn tượng với người khác ngay cả khi chưa gặp họ.

Phán xét chóng vánh

Ấn tượng để lại ngay tức thì. Chỉ cần 100 mili giây là đủ để tạo ấn tượng rồi. Khi hình thành ấn tượng ban đầu, hai khu vực của bộ não được kích hoạt: hạch hạnh nhân (amygdala) và vùng đai sau vỏ não (posterior cingulated cortex - PCC).

Hạch hạnh nhân xử lý những thông tin được các giác quan tiếp nhận và tìm ra mối tương quan giữa chúng và những tín hiệu xã hội (social signals). Vùng đai sau vỏ não lại có liên quan đến cảm xúc và ký ức, giúp liên kết các trải nghiệm cuộc sống tới cảm xúc của bạn. Hai phản ứng trên giúp bạn nhanh chóng đưa ra quyết định liệu bạn có thích người này và muốn dành thời gian với họ hay không.[1]

Việc nhanh chóng đánh giá xem liệu ai đó có mang lại mối nguy nào không nằm trong bản năng sinh tồn của chúng ta. Từ những yếu tố như cách ăn mặc hay cư xử ban đầu giúp bạn đánh giá họ ngay từ phút đầu tiên khi gặp mặt. Nhưng chỉ cần nghe về cách hành xử khi chưa gặp cũng đủ để bạn có thành kiến về họ rồi.


Khi tiếp nhận thông tin này, bộ não của bạn sẽ thử tìm mối liên hệ với một ký ức có liên quan. Nhưng nếu bạn không có ký ức nào như vậy, bộ não sẽ cố gắng phân tích theo cách bù đắp cho sự thiếu hụt thông tin này.

Lý do bộ não hoạt động như vậy là để bạn có thể nhanh chóng phân tích giá trị của người chưa gặp này và liệu có đáng để gặp lại họ lần nữa không. Cũng như vậy, nếu ai đó gần gũi với bạn bày tỏ ý kiến về một người bạn chưa gặp bao giờ, điều đó cũng sẽ khiến bạn có thành kiến về người này.


Khi đã có một hình ảnh mơ hồ về người nói trên, bộ não bắt đầu tưởng tượng ra những câu chuyện về họ. Bạn sẽ hình dung rõ hơn về họ với những thông tin ít ỏi ban đầu.

Phán xét tức thì có thể sai sót

Dù không cố ý, giờ bạn đã có thành kiến về họ dù bạn thực sự không biết họ là ai. Một khi đã có suy nghĩ tiêu cực về ai đó bạn chưa gặp, sẽ rất khó để khiến bạn thay đổi thái độ về họ. Bạn thậm chí còn có thể thể hiện thành kiến với họ một cách hoàn toàn vô ý nữa.

Cuối cùng khi cả hai gặp mặt, bất cứ điều gì họ nói hay làm cũng củng cố suy nghĩ của bạn về họ. Bất cứ hành vi nào đối ngược với thành kiến đó cũng bị cho là ngoại lệ, bởi bạn nghĩ rằng bạn đã hiểu được bản chất của họ rồi. Việc có thành kiến trước khi gặp như vậy có thể hủy hoại một mối quan hệ đáng lẽ ra là tốt đẹp.

Ngược lại, nếu một người thân với bạn khen một ai đó trước khi bạn gặp họ, trong đầu bạn lại hình thành những suy nghĩ tích cực về họ. Những suy nghĩ này khó mà bị lung lạc, bởi dù nó là suy nghĩ tích cực, đó cũng vẫn là ý nghĩ chủ quan mà thôi.


Một kẻ xấu tính mà lại được kể tốt với bạn sẽ có lợi thế bởi bạn đã chấp nhận con người của họ rồi. Việc này sẽ giúp họ có nhiều cơ hội hơn để chứng tỏ họ là người tốt mặc dù họ có rất nhiều biểu hiện xấu. Ý kiến chủ quan như thế này có thể khiến bạn xây dựng một mối quan hệ với một người mà thực ra bạn không cần họ trong cuộc sống của mình.

Người khác cũng phán xét bạn như vậy

Nhiều người có thể đã có những định kiến về bạn mặc dù chưa gặp bạn. Nếu những người đồng trang lứa được nghe những thông tin tích cực về bạn trước, việc đó có thể sẽ giúp bạn hòa nhập với họ tốt hơn bởi vốn họ đã có ấn tượng tốt về bạn rồi.

Điều ngược lại xảy ra nếu họ được nghe những thông tin tiêu cực về bạn. Dù cho họ không cố tình nói xấu bạn, việc này vẫn có thể tạo ra khoảng cách lớn giữa bạn và những người mới quen.


Để tránh không rơi vào cái bẫy của việc hình thành một mối quan hệ độc hại, hay vô tình khiến ai đó có ấn tượng xấu về người khác, hãy bắt đầu với việc chấn chỉnh cách suy nghĩ của bạn.

Hãy suy nghĩ độc lập

Mặc dù việc có ấn tượng với ai đó qua lời kể của người khác là bình thường, đừng nghĩ vậy. Bộ não của chúng ta vốn được lập trình để đưa ra những phân tích như thế. Nhưng bạn có thể đặt câu hỏi cho chúng. Tạm đừng tin vào chúng. Hãy cho họ một cơ hội để chứng tỏ bạn đã sai.

Giữ tâm thế cởi mở. Bạn không biết liệu còn có yếu tố gì khác ảnh hưởng đến thái độ của họ hay không. Hãy thử quan sát khách quan hành vi của họ. Không chỉ là tương tác giữa bạn với họ, mà giữa họ với những người khác nữa.

Khi bạn không để tâm tới ý kiến của người khác nữa, bạn sẽ cởi mở hơn trong việc phát triển những mối quan hệ bền chặt với những người bạn chưa từng cho họ cơ hội. Bạn có đủ khả năng để tự đưa ra nhận xét và quyết định ai xứng đáng là một phần trong cuộc sống của bạn.

Suy nghĩ kĩ trước khi nói

Đừng nói xấu người khác. Không chỉ bởi đó là việc không nên làm, mà còn bởi bạn đang khiến người khác có ý nghĩ không tốt về một người bạn thực sự quý mến.

Ví dụ, người ta thường phàn nàn về bạn trai/gái khi cả hai đang gặp bất đồng. Không phải họ không muốn ở bên nửa kia nữa, mà họ chỉ đang cần xả giận thôi. Nhưng giờ đây những ai đã nghe họ phàn nàn rồi thì nghĩ rằng nửa kia của họ chẳng tốt đẹp gì và họ nên sớm chia tay thôi.

Hãy nhớ rằng những gì bạn nói có thể ảnh hưởng và định hình cách người khác nhìn nhận thực tế. Bạn có thể dùng mẹo này để tạo cái nhìn thiện cảm cho ai đó mà bạn muốn giới thiệu với những người quan trọng với bạn.

Bằng cách giúp tạo ấn tượng tốt về ai đó trước khi giới thiệu họ với người khác, bạn đã tạo ra cơ hội cho một mối quan hệ tích cực giữa hai bên và cả với bạn nữa được nảy nở.

Tài liệu tham khảo