10 tháng trước
Tại Sao Hãy Cứ Yêu Bản Thân Mình Trước, Rồi Mới Yêu Bạn Đời Mình Sau
442

5038
Lượt xem
15
Lượt chia sẻ
2
Lượt bình luận

Tất cả chúng ta đều mang trong mình những "giọng nói nội tại" đồng hành cùng ta trong cuộc sống hằng ngày. Tất cả chúng ta đều thực hiện những cuộc đối thoại nội tâm xoay quanh việc đánh giá và phân tích những hành động của bản thân và người khác. Và chính giọng nói nội tại đó là chỉ dấu thể hiện cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với bản thân mình.

Giọng nói nội tâm đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi như thế nào

Lần lâu nhất là khi giọng nói nội tâm của tôi đóng vai một kẻ bắt nạt xấu xa theo tôi đến khắp mọi nơi. Khi đó còn đang ở tuổi thanh thiếu niên và tuổi trẻ, tôi nhớ là mình đã luôn sống trong trạng thái lo lắng thường trực về mọi thứ. Dù tôi đã có những người xung quanh yêu thương mình, nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy không yên tâm và bị quá tải. Và chính kẻ bắt nạt bên trong tôi đã tạo ra những cảm giác này trong cuộc sống của tôi.

Kẻ bắt nạt đó sẽ nói với tôi những lời như "Cậu chưa đủ giỏi! Cậu chưa đủ xinh! Cậu không nên cảm thấy thế này hay thế khác! Dù mọi người nói là họ quan tâm đến cậu nhưng thực ra họ chẳng phải vậy đâu. Họ sẽ làm cậu tổn thương và bỏ rơi cậu bởi vì cậu chưa đủ giỏi!"

Nghe thật kinh khủng phải không? Tôi phải thừa nhận là tôi thậm chí đã không hề ý thức được rằng mình có một giọng nói nội tại làm kẻ đồng hành xấu xí đến vậy. Những suy nghĩ kia sẽ tự động lướt qua tâm trí tôi và bỏ mặc tôi với cảm giác đau khổ kiệt quệ.

Do bị bắt nạt nội tâm, nên tôi đã không thể tin tưởng bản thân mình, và tôi thấy lo lắng mỗi khi phải ra quyết định. Tôi cũng chẳng thể tin tưởng những người khác, nhất là một người mà tôi đã từng gắn bó với một mối tình lãng mạn. Tôi cứ liên tục nghi ngờ sự quan tâm mà anh ấy dành cho mình, tôi ghen tuông và cứ luôn tìm kiếm những sự an ủi thường trực để trấn an nỗi lo lắng của mình.

Mặc dù những lời động viên của anh ấy có giúp ích đôi chút, song chúng chẳng bao giờ đủ sức dẹp yên những lời chỉ trích nội tâm của tôi. Giờ đây nhìn lại, tôi có thể nhận ra ba thực thể đã tồn tại trong mối quan hệ tình cảm riêng tư của mình: bạn trai tôi, kẻ bắt nạt và tôi.

Đó là một mối quan hệ tay ba tồi tệ làm tôi vô cùng khổ tâm. Tôi trở nên lệ thuộc vào sự an ủi của bạn trai mình trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Và có cảm giác như hạnh phúc của tôi hoàn toàn được quyết định bởi những lời anh ấy nói. Điều đó tạo ra một sự tương quan không lành mạnh trong mối quan hệ giữa chúng tôi và đặt một gánh nặng khổng lồ lên đôi vai anh ấy.

Thật dễ dàng để nhìn ra bức tranh tổng thể từ vị trí của tôi hiện nay, già dặn hơn khoảng 15 năm, và có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Nhưng vào thời điểm đó, tôi không thể nói được tại sao mình lại cảm thấy quá bất an và đau khổ như vậy. Kết quả là tôi cứ chịu đựng lối mòn đó cùng với toàn bộ những hệ quả tai hại mà nó gây ra cho những mối quan hệ khác.

Việc có một mối quan hệ lành mạnh với chính bản thân mình đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào

Mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi với tôi khi tôi bắt đầu nhận ra giọng nói bắt nạt nội tại của mình, tự vấn về nó và nuôi dưỡng một giọng nói ủng hộ tích cực thay thế nó. Đó không phải là thành công một sớm một chiều, nhưng nó có hiệu quả!

Khi tôi bắt đầu tự trò chuyện với bản thân theo một cách đầy thấu hiểu và tràn đầy động lực, tôi đã nhận thấy những sự thay đổi mạnh mẽ. Tôi đã có thể ra quyết định mà không hoảng sợ. Tôi có thể tự dành cho mình một lời khen ngợi và nhận lại được sức mạnh cho bản thân. Tôi có thể toàn tâm toàn ý hòa mình với mọi người và tận hưởng niềm vui khi có họ ở bên.

Tóm lại, tôi đã trở thành một người bạn tốt của chính mình! Chính từ điểm khởi đầu này của tình bạn với chính mình mà tôi đã có thể nuôi dưỡng một mối quan hệ bền vững của đời mình với một "người quan trọng" khác. Với lối suy nghĩ mới mẻ đó, tôi không còn cảm thấy quá lệ thuộc hay yếu đuối nữa; thay vào đó, tôi cảm thấy vững tâm và an toàn hơn.

Khi đã trải qua sự "lột xác" này trong mối quan hệ với bản thân và giúp đỡ những người khác bằng cách tương tự, tôi đã xác định được một vài bước đi thiết yếu cần có để đạt được thành công.

1. Hãy ý thức về những lời chỉ trích nội tâm của bạn

Đã đến lúc tìm hiểu xem giọng nói nội tại của bạn thuộc dạng nào, và nó nói gì với bạn trong cuộc sống hằng ngày. Nếu không có sự ý thức này, chúng ta sẽ không thể biến giọng nói nội tâm đầy nguy hại kia thành một người bạn được.

Nó khơi nguồn cảm hứng hay vùi dập tinh thần của bạn? Nó làm bạn sợ hãi hay cho bạn sự tự tin? Nó nói rằng bạn có giá trị của riêng mình, hay bạn chỉ là một kẻ thất bại?

Để giúp bạn hình thành được ý thức đó, tôi gợi ý bạn nên xem qua Những cái bẫy trong Cách suy nghĩ này. Đây là những cách suy nghĩ phi thực tế phổ biến mà tất cả chúng ta đều mắc phải, khiến ta cảm thấy bản thân mình thấp kém. Hãy tìm ra những điều nào đã tạo thành cái bẫy của riêng bạn.

2. Hãy thách thức lời chỉ trích nội tâm của bạn và đừng bao giờ để nó vùi dập bạn

Khi bạn đã quen hơn với sự cằn nhằn và bắt nạt mà giọng nói chỉ trích nội tại tạo ra, bạn có thể bắt đầu đặt câu hỏi về nó.

Cũng như đa số mọi người, tôi đã không bao giờ nghi ngờ về giọng nói chỉ trích nội tại của mình, và lúc nào cũng cảm thấy nó là đúng đắn. Nhưng tôi đã bắt đầu đặt câu hỏi, tôi nhận ra rằng chẳng có một bằng chứng nào ủng hộ cho bất kì một lời bắt nạt nào cả. Bằng chứng duy nhất ủng hộ nó là niềm tin của chính tôi mà thôi. Tôi đã chọn cách mù quáng tin vào nó.

May mắn thay, tôi đã bắt đầu phá bỏ niềm tin đó bằng một vài câu hỏi khôn khéo mà giọng nói chỉ trích nội tại kia không thể trả lời thỏa đáng được.

Sau đây là một vài ví dụ về những câu hỏi mà tôi đã dùng để đối phó với kẻ bắt nạt nội tâm của mình:

a. Bằng chứng nào ủng hộ cho suy nghĩ đó? Và bằng chứng nào không ủng hộ nó?

b. Đó là một ý nghĩ hay là một sự thật?

c. Niềm tin của mình dành cho ý nghĩ đó có dựa trên cảm giác của mình không?

d. Mình sẽ nói gì với một người bạn nếu người đó có suy nghĩ như vậy?

3. Hãy nhìn nhận một cảm giác chỉ thật sự là một cảm giác mà thôi 

Việc lẫn lộn một ý nghĩ với một cảm giác là nguồn gốc quan trọng gây ra bối rối cho nhiều người trong số chúng ta. Một cảm giác thường là thứ mà ta có thể miêu tả bằng một từ nào đó như lo âu, không thoải mái, hạnh phúc hoặc buồn bã. Trái lại, một ý nghĩ thường là sự đánh giá của chúng ta về một trải nghiệm nào đó, và được miêu tả bằng một hoặc vài câu dài.

Giọng nói chỉ trích nội tại của bạn sử dụng sự lẫn lộn này để chống lại bạn. Ngay khi bạn vừa cảm thấy không thoải mái hoặc lo âu, kẻ bắt nạt sẽ hiện ra và bắt đầu bảo rằng có gì đó không ổn với bạn. Trong khi thực tế là chẳng có gì không ổn cả. Sẽ là bình thường khi bạn trải qua cảm giác khó chịu lúc này hay lúc khác, và điều đó không có nghĩa là bạn đã làm sai chuyện gì hay bạn là một người không tốt.

Do đó một trong những cách phòng thủ mạnh mẽ nhất của bạn để chống lại giọng nói chỉ trích nội tại là hãy nắm bắt và nhấn mạnh điều này với bản thân.

Bạn có thể nâng cao nhận thức của mình bằng cách nói những câu như "Chuyện X đã xảy ra và giờ mình cảm thấy lo lắng hoặc buồn bã. Cũng là bình thường khi trải qua cảm giác này, và nó sẽ qua thôi. Chỉ riêng việc mình cảm thấy như vậy không có nghĩa là có chuyện gì đó không ổn với bản thân mình hoặc những việc mình làm".

Mời bạn hãy tự tạo ra những câu thần chú cho riêng mình dựa theo câu nói ở trên, từ đó bạn có thể sử dụng chúng để tách biệt cảm giác của mình với cách diễn giải tiêu cực về nó.

4. Bạn cần phải xây dựng mối quan hệ, nó không đến ngay tức thì được đâu

Phải có thời gian để đưa những yếu tố thiết yếu này vào thực tiễn. Có thể bạn đã phải chịu đựng kẻ bắt nạt nội tại kia trong hơn 10 năm hay 20 năm. Những lời chỉ trích nội tại đó đã được luyện tập quá nhiều rồi. Do đó bạn sẽ phải bỏ công sức ra luyện tập lại để có thể nuôi dưỡng một giọng nói nội tại mang tính ủng hộ và cảm thông hơn.

Khi bạn làm theo những bước này để hoàn thành việc lột xác bản thân trong mối quan hệ với chính mình, bạn cũng có thể bắt đầu tận hưởng vô số lợi ích trong mối quan hệ tình cảm riêng tư.

Giờ đây bạn sẽ nuôi dưỡng những mối quan hệ này không phải vì nhu cầu cần thiết hay nỗi lo âu, mà vì ý muốn và sự tự tin của bản thân bạn.

Thay vì bị suy sụp bởi việc phân tích những điều người khác nghĩ về mình, thì bạn sẽ bắt đầu tận hưởng từng khoảnh khắc ở bên "người quan trọng" của cuộc đời mình.

Và thay vì khổ sở với sự nghi ngờ và ghen tuông, bạn sẽ có thể trải nghiệm cảm giác tin tưởng và an toàn trong mối quan hệ của mình.

Xin hãy nhớ rằng, trong một mối quan hệ tình cảm riêng tư đích thực sẽ không có chỗ cho những kẻ bắt nạt và những lời chỉ trích cay nghiệt. Đã đến lúc tự biến mình thành một người bạn đích thực của bản thân, nhờ đó bạn cũng có thể là một người bạn trong mắt "nửa kia" của mình.

Không tìm thấy nội dung