4 tháng trước
Táo Bón: Nguyên Nhân, Cách Điều Trị Và Biện Pháp Phòng Ngừa
325

3581
Lượt xem
117
Lượt chia sẻ
8
Lượt bình luận

Táo bón là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến hầu hết mọi người và các thú cưng lúc này hay lúc khác. Tuy nhiên việc biết rằng mọi người ai cũng cùng chung cảnh ngộ với mình sẽ không thực sự giúp ích được gì khi bạn đang phải đối mặt với những hệ quả tiêu cực đi kèm với vấn đề y khoa này, bao gồm đau bụng, buồn nôn và chướng bụng.

Tin vui là có những cách để giảm đến mức tối thiểu khoảng thời gian kéo dài của tình trạng táo bón và sự khổ sở do nó gây ra. Bạn cũng có thể áp dụng một vài sự thay đổi đơn giản cho lối sống của mình để phòng ngừa vấn đề này xảy ra trong tương lai.

Mối liên quan giữa táo bón với các vấn đề sức khỏe khác

Khi bạn bị táo bón, hệ tiêu hóa của bạn hoạt động chậm lại. Qua thời gian, tình trạng đó có thể diễn tiến tới sự tắc nghẽn khiến các chất thải không thể lưu thông qua được. Điều đó có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng hơn chứ không chỉ là cảm giác khó chịu.

Một nghiên cứu[1] đã chỉ ra rằng những người mắc chứng táo bón có nguy cơ gặp các rối loạn về đường tiết niệu, bệnh trĩ, đại tiện không tự chủ, nứt hậu môn và các vấn đề về đại tràng cao hơn. Một vấn đề y khoa nghiêm trọng khác có thể phát sinh từ chứng táo bón là hiện tượng ứ phân (fecal impaction). Tình trạng này đi kèm với những hệ quả thêm nữa như:

• Đau đầu

• Nôn ói

• Sụt cân

• Nhịp tim nhanh

• Sốt

• Tiểu tiện không tự chủ

• Cơ thể bị mất nước

• Lú lẫn

• Thở gấp

Đáng buồn là nếu một người hoặc một con vật đã diễn tiến đến giai đoạn ứ phân và không được hỗ trợ y tế thì người đó hoặc con vật đó thực sự có thể chết[2] do không có đủ những lần đi đại tiện có hiệu quả. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với loài mèo, bởi chúng có thể bị ứ phân nghiêm trọng chỉ sau hai hay ba ngày[3] bị táo bón. Những người nuôi thú cưng luôn cần phải để ý đến việc đi đại tiện của vật nuôi để tránh việc chúng bị chết một cách bất ngờ.

Cơ thể con người thường tạo ra 1 ounce (khoảng 28 gram) phân[4] mỗi ngày, tính trên mỗi 12 pound (khoảng 5,4kg) thể trọng. Điều này có nghĩa là một người nặng 170 pound (khoảng 77kg) sẽ thải ra 0,88 pound (khoảng 0,4kg) phân trong một ngày. Tất nhiên là quy tắc nào cũng có ngoại lệ, và có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ thực sự đi cân lượng phân mà mình thải ra cả.

Đối với hầu hết mọi người, thói quen đi đại tiện sẽ được xem là khỏe mạnh bình thường nếu một người thải phân với tần suất nằm trong khoảng từ một lần mỗi ba ngày cho tới ba lần trong một ngày. Điều quan trọng là bạn phải biết mức bình thường của mình là như thế nào, và phải có hành động gì đó khi phát hiện sự thay đổi bất thường.

Nguyên Nhân

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn bị táo bón. Một vài yếu tố nguy cơ thường gặp nhất bao gồm:

• Không ăn đủ chất xơ

• Cơ thể bị mất nước

• Ăn quá nhiều các sản phẩm từ sữa

• Tiêu thụ quá nhiều caffeine hoặc đồ uống có cồn

• Ăn các thực phẩm nhiều đường và chất béo

• Ít tập thể dục

• Tình trạng căng thẳng

• Thay đổi chế độ ăn đột ngột

• Do một số loại thuốc nhất định được kê đơn

• Hội chứng ruột kích thích

• Bệnh tiểu đường

• Do mang thai

Các vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn tới táo bón

Nếu không một yếu tố nguy cơ nào kể trên có vẻ là thủ phạm khiến bạn bị táo bón thì bạn có thể đang mắc phải một vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn tới tình trạng táo bón. Bạn cần để ý thêm tới một vài vấn đề khác như:

Bệnh nhược giáp

Những người mắc bệnh nhược giáp sẽ dễ bị táo bón hơn. Nếu đang mắc phải tình trạng này thì bạn cần chủ động thực hiện những bước giúp phòng ngừa những vấn đề về việc đi đại tiện. Tương tự, nếu bạn còn trẻ và bị táo bón thường xuyên thì hãy nói chuyện với bác sĩ rằng, phải chăng bạn đang mắc bệnh nhược giáp nhưng lại bị bỏ sót và không được chẩn đoán.

Việc tiêu thụ quá nhiều sôcôla

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng sôcôla có thể là thủ phạm[5] gây ra nỗi khổ táo bón ở một số người. Nếu bạn thường xuyên nuông chiều bản thân bằng món đồ ngọt này thì có lẽ bạn nên thử giảm bớt lượng ăn vào hoặc loại bỏ nó hoàn toàn, nếu việc đó giúp bạn không bị táo bón nữa.

Các thực phẩm bổ sung chứa nhiều sắt và canxi

Một trong những lý do mà bạn được khuyên là nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào, là vì một số loại có thể gây ra các vấn đề sức khỏe không mong muốn. Các thực phẩm bổ sung chứa nhiều canxi và sắt có liên quan với chứng táo bón, nên tốt nhất là không nên sử dụng chúng trừ khi thật sự cần thiết. May mắn là những người buộc phải dùng các loại thực phẩm bổ sung này có thể sử dụng thuốc làm mềm phân (stool softener) để giúp cân bằng mọi thứ lại.

Chứng trầm cảm và các thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm đôi khi có thể gây táo bón. Nếu điều này xảy ra với bạn thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về khả năng bạn cần sử dụng thuốc làm mềm phân. Trước khi bạn cân nhắc việc thay đổi hoặc bỏ hẳn thuốc chống trầm cảm vì bị táo bón, hãy lưu ý rằng chứng trầm cảm cũng có thể tác động tiêu cực đến quá trình thải phân của bạn.

Cách điều trị tốt nhất

Nếu bạn đang bị táo bón thì bạn cần thực hiện những bước để khắc phục vấn đề này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn. Có vô số sự lựa chọn sẵn có cho bạn, nhưng xin hãy lưu ý rằng mỗi cách, khi được áp dụng vào cơ thể của bạn, có thể đem lại hiệu quả cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường. Do đó bạn có thể sẽ cần phải thử một vài cách khác nhau trước khi tìm ra đúng cách phù hợp với mình.

Khi mới bắt đầu bị táo bón, bạn có thể thực hiện ngay một vài biện pháp đơn giản tại nhà như:

• Đi bộ thể dục với tốc độ chậm một lần mỗi ngày

• Uống thêm nhiều nước

• Lập thời gian biểu để có đủ thời gian cho việc đi đại tiện, nhờ đó bạn sẽ không cảm thấy phải vội vàng

• Ăn thêm thật nhiều chất xơ

• Bổ sung thêm rau củ quả và trái cây vào chế độ ăn của mình

• Chống chân trên một chiếc ghế đẩu cao 6 inch (khoảng 15cm) khi đi đại tiện

Nếu những phương pháp trên không có hiệu quả sau vài ngày thì bạn có thể tìm đến các biện pháp hỗ trợ dễ dàng mua được và không cần kê đơn như:

• Các loại thuốc Metamucil, Citrucel hoặc Perdiem

• Các thuốc làm mềm phân

• Hãy thử dùng thuốc nhuận tràng

Mặc dù chứng táo bón có vẻ là một vấn đề rất riêng tư và có thể là khá tế nhị "khó nói", nhưng bạn cần phải "cầu viện" đến sự hỗ trợ y tế nếu những biện pháp tại nhà tốt nhất cũng không thể đem lại kết quả như mong muốn trong vòng một tuần. Hãy luôn cảnh giác phát hiện những vấn đề khác sẽ khiến bạn phải đến gặp bác sĩ sớm hơn nữa, bao gồm việc xuất hiện máu trong phân, cơn đau ở trực tràng và són phân không kiểm soát được.

Hãy nhớ: nếu tình trạng táo bón kéo dài quá lâu thì bạn có thể bị ứ phân. Từ đó các biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe có thể phát triển dần và thậm chí bạn có thể tử vong nữa đấy.

Tử vong do táo bón rất hiếm gặp, nhưng chuyện đó đã xảy ra với một cô gái 16 tuổi người Anh vào năm 2013[6]. Một ví dụ thú vị khác là bác sĩ của Elvis Presley đã từng tuyên bố[7] là ông tin rằng chứng táo bón mạn tính chính là nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của danh ca này.

Cách phòng ngừa

Một đợt táo bón là quá đủ để khiến hầu hết mọi người phải tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa. Có nhiều cách thay đổi lối sống đơn giản sẽ giúp ích trong việc này.

Tập thể dục đều đặn thường xuyên

Bệnh viện Mayo Clinic khuyến cáo chúng ta nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày để duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Bạn có thể áp dụng rất nhiều hoạt động thể chất khác nhau, từ chạy bộ đến tập Thái Cực Quyền. Việc đi bộ 30 phút mỗi ngày là một cách tuyệt vời để đáp ứng đủ nhu cầu tập thể dục của cơ thể.

Hãy tránh để cơ thể bị mất nước

Bạn đã bao giờ thấy đói bụng mà không rõ lý do chưa? Nhiều khả năng là lúc đó cơ thể bạn thực ra đang rơi vào trạng thái mất nước. Nhiều người không uống đủ lượng nước tối thiểu cần uống mỗi ngày theo khuyến nghị, đó là tám ly nước mỗi ngày, và điều đó dẫn tới các vấn đề như chứng táo bón và đau đầu.

Các nghiên cứu đã phát hiện[8] rằng nữ giới thực tế cần uống ít nhất 9 ly nước mỗi ngày, và nam giới thường cần 13 ly. Những con số này cũng có thể tăng hơn nữa nếu bạn hoạt động thể chất nhiều.

Hãy chuyển sang chế độ ăn nhiều chất xơ

Nếu bạn đang ăn không đủ lượng chất xơ thì rốt cuộc bạn sẽ rất dễ phải đối mặt với nhiều đợt táo bón. Những nguồn dồi dào chất xơ bao gồm rau củ quả, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.

Tùy theo tuổi và giới tính, bạn nên ăn từ 21 đến 38 gram[9] chất xơ mỗi ngày. Một lời hướng dẫn đơn giản là hãy cố gắng kết hợp đủ 14 gram chất xơ cho mỗi 1.000 calo năng lượng trong thức ăn.

Hãy giảm bớt căng thẳng và lo âu

Khi bạn bị căng thẳng và lo âu đến mức quá tải, cơ thể thường sẽ phản ứng theo cách tiêu cực. Táo bón là một trong những hệ quả thường đi kèm với tình trạng căng thẳng và lo âu cao độ.

Để làm giảm yếu tố nguy cơ này, hãy dành ra một ít thời gian mỗi ngày để giảm căng thẳng bằng cách tập thiền, tập Thái Cực Quyền, đọc sách, đi bộ trong khung cảnh nhiều cây cối, chợp mắt một chút hoặc tham gia một hoạt động thư giãn khác mà bạn yêu thích. Tốt nhất là nên tránh xa các màn hình và thiết bị điện tử trong suốt khoảng thời gian mà bạn thư giãn.

Quẳng gánh lo đi mãi mãi

Bất kỳ ai có lẽ cũng sẽ trải qua tình trạng táo bón ít nhất là một lần trong đời, nhưng bạn không nhất thiết phải để nó diễn tiến thành một vấn đề kéo dài mạn tính. Thay vào đó, hãy chủ động ngay hôm nay bằng cách ăn thêm thật nhiều chất xơ, bắt đầu hình thành thói quen tập thể dục mỗi ngày, uống thêm nhiều chất lỏng và giảm bớt mức độ căng thẳng của mình. Kể cả khi đang có một lối sống bận rộn thì bạn vẫn có thể giải tỏa căng thẳng chỉ trong 45 giây mà thôi[10]!

Tài liệu tham khảo