5 tháng trước
Những Loại Thực Phẩm Mà Người Theo Lối Sống Thuần Chay Được Ăn Và Không Được Ăn
348

4304
Lượt xem
212
Lượt chia sẻ
6
Lượt bình luận

Bạn đã từng băn khoăn không biết sẽ thế nào nếu mình chỉ ăn toàn những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và loại bỏ hoàn toàn tất cả các loại thịt ra khỏi chế độ ăn? Thế thì hãy hỏi một người theo lối sống thuần chay nhé! Thuần chay là một khái niệm không thực sự dùng để nói về một chế độ ăn, mà đúng hơn thì lối sống theo kiểu thuần chay không chỉ có nghĩa là bạn sẽ tránh dùng bất kỳ loại thực phẩm nào có nguồn gốc từ động vật, mà còn có nghĩa là bạn sẽ tránh dùng bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ động vật. Mặc dù khái niệm "chay" và "thuần chay" thường được liên hệ qua lại với nhau, nhưng bạn nhất thiết phải nhận thức được sự khác biệt rõ rệt giữa chúng. Trong khi người ăn chay chỉ tránh việc ăn thịt thì người sống theo kiểu thuần chay lại hoàn toàn loại bỏ tất cả các sản phẩm làm từ động vật và có nguồn gốc từ động vật khỏi lối sống hằng ngày của họ - điều này không chỉ áp dụng cho thịt và các nguồn thực phẩm mà cả các sản phẩm không ăn được như túi xách làm bằng da động vật chẳng hạn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bàn luận: thế nào là thuần chay, nó bắt nguồn từ đâu, những loại thực phẩm mà bạn có thể ăn và, tất nhiên, những thứ mà người sống theo kiểu thuần chay không được ăn.

Lối sống thuần chay đã trở nên phổ biến hơn ra sao trong những năm gần đây?

Hiệp hội Thuần chay (Vegan Society) lần đầu được thành lập vào năm 1944, nhưng những dấu hiệu đầu tiên của lối sống thuần chay đã xuất hiện từ khoảng năm 500 trước Công nguyên, theo báo cáo của Hiệp hội Thuần chay.[1] Ở thời điểm đó, các dấu hiệu nói về một chế độ ăn tương đồng với chế độ ăn chay nhiều hơn, nhưng việc đề cập đến khám phá này là một việc có ý nghĩa quan trọng, bởi nó đánh dấu điểm khởi đầu cho quá trình phát triển của lối sống thuần chay. Vào năm 1860 sau Công nguyên, lối sống thuần chay được phát triển thêm, khi nó được "nâng cấp" bằng việc loại bỏ trứng và các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên lối sống thuần chay như chúng ta thấy ngày nay được phát triển vào năm 1944 bởi Donald Watson – và hiện nay nó còn được gọi là lối sống thuần chay hiện đại. Hiện nay lối sống này bao gồm kế hoạch chế độ ăn lành mạnh, cùng với việc loại bỏ bất kỳ vật dụng nào trong cuộc sống của bạn được làm từ bất kỳ loại vật liệu nào có nguồn gốc từ động vật,[2] bao gồm da, lông và nhiều thứ khác nữa.

Chế độ ăn thuần chay đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong những năm gần đây. Cũng tương tự như việc mọi người đã thay đổi cuộc sống của mình để thích nghi với việc trở thành người ăn chay hay áp dụng những kiểu chế độ ăn nhất định, như chế độ ăn kiểu thượng cổ (paleo) chẳng hạn, thì nhiều người đã khám phá ra rằng lối sống thuần chay là một cách sống lành mạnh, và các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật vẫn có thể cung cấp cho cơ thể con người các dưỡng chất thiết yếu cần thiết để nâng cao sức khỏe tổng quát và tuổi thọ.[3] Theo báo cáo thì ít nhất 2,5% toàn bộ dân số của Mỹ hiện đang áp dụng lối sống thuần chay, và mức tiêu thụ thịt đang giảm liên tục trên cả nước, với mức giảm 12,2% được ghi nhận trong khoảng thời gian năm năm từ năm 2007 đến 2012.[4]

Những loại thực phẩm nào có mặt và không có mặt trong chế độ ăn thuần chay?

Nhiều người đã quen với việc tiêu thụ thịt hằng ngày, điều đó thường dẫn tới lối suy nghĩ rằng chất đạm và một vài dưỡng chất khác chỉ có thể được cung cấp cho chúng ta thông qua thịt. Tuy nhiên điều này là không đúng. Mặc dù có một ngoại lệ đặc biệt nên được xem xét - đó là vitamin B12 - nhưng tất cả các dưỡng chất khác đều có thể được cung cấp với lượng đầy đủ thông qua chế độ ăn thuần chay để hỗ trợ sự sản sinh các tế bào hồng cầu, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, hỗ trợ đạt mức cân nặng có lợi cho sức khỏe và đảm bảo toàn bộ cơ thể của chúng ta hoạt động hiệu quả mà không giảm sút đi chút nào so với bình thường cả.

Trang web SF Gate giải thích rằng các dưỡng chất sau đây là quan trọng trong chế độ ăn thuần chay, và đưa ra các ví dụ tuyệt vời về những nguồn thực phẩm cung cấp chúng:[5]

• Chất đạm – Chất đạm là thành phần thiết yếu đối với sức khỏe tổng quát của các cơ quan nội tạng, xương và da. Nó cũng giúp giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và góp phần quan trọng đối với sự tăng trưởng khối cơ. Trong chế độ ăn bình thường, hầu hết chất đạm được tiêu thụ thông qua thịt và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như trứng và các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên trong chế độ ăn thuần chay, chất đạm được cung cấp từ những nguồn thực phẩm như đậu gà, đậu nành, hạnh nhân, các loại hạt, các loại quả hạch, đậu lăng, đậu đen, đậu phụ và bơ lạc.

Canxi – Canxi cũng là một dưỡng chất quan trọng được xếp vào nhóm khoáng chất. Khoáng chất này là yếu tố quyết định để giữ cho xương và răng khỏe mạnh, cũng như đóng vai trò quan trọng đối với toàn cơ thể. Mặc dù các sản phẩm từ sữa không được sử dụng trong chế độ ăn thuần chay nhưng bạn vẫn có thể nhận được lượng canxi dồi dào từ rau chân vịt, bông cải xanh, đậu phụ, sữa đậu nành và rau cải xoăn.

Sắt và các axit béo omega 3 – Sắt và các axit béo omega 3 cũng là những dưỡng chất thiết yếu mà người ăn thuần chay nhận được thông qua những nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên vitamin B12 lại cần được cung cấp từ những thực phẩm bổ sung hoặc những sản phẩm được tăng cường dinh dưỡng, chẳng hạn như sữa đậu nành được tăng cường hoặc ngũ cốc được tăng cường.

Chúng ta không nên chỉ tập trung vào những loại thực phẩm không được sử dụng trong chế độ ăn thuần chay, mà phải lưu ý cả những thực phẩm nên được tránh dùng hoàn toàn khi bạn áp dụng lối sống thuần chay. Trang web Chuyên Gia Dinh Dưỡng (Authority Nutrition) cho biết rằng những loại thực phẩm sau đây là không được chấp nhận khi nói đến chế độ ăn thuần chay:[6]

• Bất kỳ loại thịt nào, bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt động vật hoang dã, nội tạng động vật và thịt lợn.

• Thịt gia cầm, hải sản và cá cũng không được có mặt trong chế độ ăn thuần chay.

• Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như kem mềm tách từ sữa, bơ, pho mát, sữa, kem lạnh và sữa chua.

• Bất kỳ loại trứng nào cũng nên được tránh sử dụng, bao gồm trứng cá, trứng cút và trứng gà.

• Sữa ong chúa, mật ong và phấn ong (phấn hoa đã được ong lấy về) cũng không được phép có mặt trong chế độ ăn thuần chay.

• Những loại phụ gia chuyên biệt trong một số sản phẩm có nguồn gốc từ động vật cũng nên được tránh sử dụng.

• Gelatin cũng là một sản phẩm không được dùng trong chế độ ăn thuần chay.

• Bất kỳ sản phẩm nào có chứa casein, lactose hay whey.

• Các loại bánh nướng có chứa L-Cysteine.

• Các loại kẹo nhất định được sản xuất với gelatin cũng không được dùng trong chế độ ăn thuần chay.

• Các loại mì, nui thường có chứa trứng nên cũng không được phép sử dụng.

Thuần chay không chỉ là một chế độ ăn mà là một lối sống thúc đẩy việc loại bỏ một số loại sản phẩm nhất định

Việc trở thành một người theo lối sống thuần chay có thể là một cuộc hành trình gian nan nếu bạn đã quen với việc ăn thịt, trứng và pho mát. Không giống như việc trở thành một người ăn chay, lối sống thuần chay cũng đòi hỏi bạn phải loại bỏ những sản phẩm tiêu dùng nhất định trong cuộc sống, chẳng hạn như túi xách và giỏ xách làm bằng da, bởi những sản phẩm này chứa các vật liệu có nguồn gốc từ động vật. Do đó việc giáo dục về ý nghĩa chính xác của chế độ ăn thuần chay nên được xem là một bước thiết yếu để hướng tới việc tiếp cận với sự thay đổi về lối sống này, bởi nó sẽ cho phép bạn xác định xem liệu việc lựa chọn lối sống này có phù hợp với bản thân mình hay không.

Tài liệu tham khảo