7 tháng trước
Học Cách Yêu Bản Thân Bạn Nhiều Hơn
473

5815
Lượt xem
638
Lượt chia sẻ
22
Lượt bình luận

Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình đã chẳng hề quan tâm yêu quý bản thân.

Nếu ở tuổi 20, có ai đó đặt câu hỏi với tôi: “Bạn có yêu bản thân không”, tôi tin chắc mình sẽ trả lời ngay: “Có chứ”. Thực tế thì, về nhiều phương diện nhỏ nhặt, tôi đã không thèm tôn trọng nhu cầu, tiếng nói, biểu cảm và suy nghĩ cá nhân. Sự thiếu quan tâm này thể hiện ở rất nhiều mặt. Tôi đã chú ý nhiều đến nhu cầu của người khác mà quên mất mong muốn của bản thân. Chưa bao giờ tôi tự hỏi: “Mình cần gì?”. Tôi đã chọn nói “Có” khi tôi thực sự cần nói “Không”. Khi bước ra từ một cuộc đối thoại, tôi cảm thấy tâm hồn kiệt quệ và trống rỗng. Tôi từ chối chia sẻ cảm xúc và quan điểm cá nhân đơn thuần để giữ gìn hòa khí.

Làm sao để bạn yêu quý bản thân mình hơn?

Khi nghe đến câu hỏi này, thậm chí chỉ một cụm từ “yêu bản thân” thôi, bạn có ngay lập tức liên tưởng đến hai chữ “ích kỷ” không? Rất nhiều người trong chúng ta được dạy rằng phải đặt nhu cầu của tha nhân lên hàng đầu. Đây là một giáo huấn cao qúy, nhưng đôi khi chúng ta thực hành quá triệt để đến mức quên rằng: Người quan trọng nhất trong cuộc sống là chính bản thân mình. Khi tôi cảm thấy bị vắt kiệt sức bởi công việc, các mối quan hệ và nhịp độ cuộc sống, tôi biết rằng đã đến lúc chuyển hướng chú tâm từ mọi người chung quanh về lại chính tôi. Điều tôi hoàn toàn không ngờ là sự thay đổi này sẽ đặt nền móng cho tôi bước đi trên hành trình quan trọng nhưng đầy thử thách để yêu thương chính mình.

Cách Để Bắt Đầu Yêu Qúy Bản Thân

Học cách yêu chính mình là hành trình suốt một đời chứ không phải sự thay đổi một sớm một chiều

Đôi khi tôi vẫn nói “Có” khi thực sự cần phải nói “Không”. Tôi vẫn quên tự hỏi “Mình cần gì” khi tìm cách giải quyết khó khăn với người khác. Tuy nhiên, điều khác biệt là việc quan tâm đến bản thân hiện đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong đời tôi và không còn là một ý niệm khó chịu về lòng ích kỷ. Với thời gian, tôi dần dần xây dựng một nền tảng thói quen và thái độ vững chắc để từ đó đưa mình quay trở về với bản thân mỗi khi tôi vô tình lặp lại những phương thức hành động cũ. Dưới đây là một số gợi ý mang tính nền tảng để bạn học cách yêu thương chăm sóc chính mình. Dù có thể bạn sẽ không cảm thấy hiệu quả ngay lập tức, việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp bạn luôn vạch ra được con đường trở về mỗi khi cảm thấy lạc lối trong cuộc sống.

Học cách lắng nghe nội tâm

Trong tất cả chúng ta, luôn tồn tại một tiếng nói khôn ngoan trong sâu thẳm nội tâm mỗi người. Trước đây, đâu đó trong khoảng thời gian từ đại học đến khi trưởng thành, tôi đã để đánh mất sự kết nối với tiếng nói nội tâm và phải tìm cách khôi phục lại sợi dây kết nối đó. Tôi khởi đầu bằng cách suy nghĩ ít hơn, đồng thời lắng nghe bản thân nhiều hơn. Đây thực sự là một thay đổi quan trọng. Việc suy nghĩ quá nhiều ngăn chặn bạn cảm nghiệm sự khôn ngoan trong chính mình. Để lắng nghe nội tâm tốt hơn, hãy chuẩn bị một cuốn sổ và một cây viết. Suy niệm về một tình huống khó khăn và tự đặt những câu hỏi sau: “Mình cần gì?”, “Mình cảm thấy thế nào?”, “Mình muốn gì?”

Sau đó, viết ra bất cứ câu trả lời nào đến với tâm trí bạn. Hình dung như thể bạn đang đối thoại và lắng nghe một người khác nói. Viết ra chính xác những gì bạn nghe được. Đừng suy xét gì cả, nhưng hãy tin tưởng và ghi chép lại tất cả. Nếu không quen viết, thì bạn có thể sử dụng điện thoại hoặc máy tính để ghi âm tiếng nói của chính bạn. Thực tập điều này hàng tuần để hình thành thói quen “nghe đài” tiếng nói nội tâm của mình.

Hành động theo tiếng nói của bản năng

Hãy dành trọn một ngày để chỉ làm những gì bạn mong muốn làm. Chẳng hạn, hãy đánh một giấc ngủ trưa khi bạn cảm thấy cần nghỉ ngơi. Bạn muốn đi ăn tối và xem phim với bạn bè ư? Hãy đặt bàn và mua vé ngay. Bạn thấy một vũng nước mưa và muốn nhảy giỡn trên đó đúng không? Đừng ngần ngại gì cả, làm ngay đi. Chỉ làm những gì mình thích suốt một ngày, từ đó bạn sẽ dần quen với việc quan tâm đến xúc cảm cá nhân hơn. Một trở ngại chung mà phần lớn chúng ta gặp phải là tìm cách kiểm soát mong muốn cá nhân quá mức để phục vụ một danh sách những điều ta cho là “cần làm” trong tâm trí.

Xu hướng này vô hình chung ngăn cản ta cảm nghiệm niềm vui, sự giải trí và bình yên của cuộc sống, khi ta đặt mục tiêu, thành tích cá nhân và mong muốn của người khác lên trên bản thân mình. Việc bạn chủ tâm làm những điều mình muốn thường xuyên sẽ góp phần hình thành thái độ tôn trọng các nhu cầu cá nhân. Khi đó, ta sẽ thấy vui thú với cuộc sống và cảm nghiệm sâu sắc hơn về việc bản thân mình được yêu thương.

Luyện tập tự do biểu lộ quan điểm cá nhân

Hãy tìm mọi cách để biểu lộ quan điểm cá nhân một cách công khai. Tôi nhận thấy rằng đây là một trong những phương thức tuyệt vời nhất để đạt tới tình yêu đối với bản thân. Bạn cần cho phép bản thân được thể hiện ra bằng bất kỳ cách gì, dù là nhảy múa, vẽ tranh, làm thủ công, viết truyện hay xây dựng. Hãy làm điều này một cách tự do và đừng xét đoán gì cả. Chẳng hạn, khi vẽ tranh, hãy làm đơn thuần vì niềm vui, vì khao khát thể hiện ý tưởng bạn muốn truyền tải thay vì quan tâm đến việc hành động đó có “tốt” hay không. Muốn chia sẻ những tâm tư sâu kín với bè bạn ư? Hãy làm đi và để lại đằng sau lưng bộ lọc sợ hãi của bạn. Tập luyện biểu lộ quan điểm một cách công khai mà không cần phán xét, tính toán hay được thấu hiểu. Điều này sẽ góp phần tạo một khoảng không gian an toàn và thiêng liêng để bạn thực sự học cách tôn trọng bản thân hơn.

Yêu bản thân như yêu mọi người

Tại sao không dành cho chính bản thân sự quan tâm, tôn trọng và quý mến mà ta dành cho người mình yêu thương? Chẳng phải chính ta cũng cần đến tình yêu thương đó sao? Để làm được điều này, có một cách hiệu quả là xem xét vấn đề theo chiều ngược lại. Hãy tự hỏi bạn muốn điều gì cho người bạn đời, người bạn thân nhất hay người bạn yêu thương mỗi khi đối diện với một quyết định, nghỉ một ngày phép hoặc chuẩn bị cho một cuộc gặp mặt. Bạn mong ước điều gì cho họ, cả trong những khoảnh khắc trọng đại và thường nhật? Bạn sẽ cho họ lời khuyên gì?

Xác định những mong muốn và lời khuyên bạn muốn dành cho họ, sau đó áp dụng với chính mình. Bạn muốn khuyên người bạn thân nhất dành một ngày nghỉ phép để đi du lịch? Vậy hãy chuẩn bị đi ngay đi. Bạn muốn khuyên người bạn đời đòi hỏi khoản tăng lương mà anh ta/chị ta xứng đáng được hưởng? Hãy chuẩn bị kế hoạch làm điều tương tự để đặt nền móng cho cơ hội phát triển chính mình!

Đối xử dịu dàng với bản thân

Mỗi khi tiếng nói chỉ trích từ trong nội tâm bạn cất tiếng, hãy hành xử thật dịu dàng. Hình dung nó giống như bạn khi còn là đứa trẻ lên bảy đang cảm thấy sợ hãi, muốn được chú ý, được thể hiện. Khi tiếng nói phê phán đó bắt nguồn từ những phán xét, “chuyện cần làm” và sự tự dằn vặt, điều đó có nghĩa là ta đang cố gắng cảm thấy được yêu thương mà không biết rằng bản thân mình xứng đáng được hưởng tình thương vào khoảnh khắc đó.

Khi điều này xảy ra, tôi thường thích hình dung cảnh một phiên bản thời trẻ của mình đang truyền tải những thông điệp chỉ trích từ trong nội tâm. Nhìn thấy chính tôi thời con gái trong tiếng nói đó khiến tôi bớt nghiêm khắc hơn, suy nghĩ sáng suốt và khoan dung với bản thân hơn, vì biết rằng đơn giản là khi đó, cái tôi của chính mình đang khao khát tình yêu thương. Hành xử với tiếng nói chỉ trích trong nội tâm như thể một bậc cha mẹ đối xử với đứa con duy nhất của mình. Hãy yêu thương, tha thứ và tìm cách thấu hiểu nguồn cơn nỗi sợ hãi của nó. Điều này sẽ thắp lên ngọn lửa của lòng tự trắc ẩn và mở lối đưa bạn đến với tình yêu chính mình.