6 ngày trước
10 Phương Pháp Hiệu Quả Để Nhanh Chóng Cải Thiện Điểm Tín Dụng
368

4090
Lượt xem
146
Lượt chia sẻ
29
Lượt bình luận

Trong nhiều tháng qua, bạn đã cố gắng cải thiện điểm tín dụng của mình nhưng không đạt được nhiều tiến triển. Và khi bạn dự định mua sắm bằng những khoản tiền lớn thì bạn bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng.

Vấn đề là bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Khi tiếp xúc với quá nhiều nguồn thông tin, bạn trở nên tê liệt vì sợ hãi. Nhưng bạn biết rằng mình cũng không thể ngồi yên mãi. Vậy bước tiếp theo của bạn là gì?

Hãy học hỏi từ những người đã thành công

Ví dụ với trường hợp của tôi, hiện tại điểm tín dụng của tôi là trên 750, tuy nhiên không phải lúc nào điểm số cũng ở mức này. Có thời kỳ tôi chẳng có điểm tín dụng nào và bị mất hơn 100 điểm. Từ việc thử sai cho đến học hỏi những người khác, tôi đã biết được phương pháp nào là phù hợp.

Bạn không cần đến những chiến lược phức tạp, bạn chỉ cần một vài phương pháp hiệu quả là đủ. Những phương pháp trong danh sách này cũng chính là những phương pháp mà tôi đã từng sử dụng để gia tăng điểm tín dụng. Dù điểm tín dụng của bạn không thể cải thiện qua một đêm nhưng nó vẫn sẽ cải thiện nhanh hơn so với khi áp dụng các phương pháp khác.

Dưới đây là 10 phương pháp mà bạn có thể sử dụng để cải thiện triệt để điểm tín dụng của mình:

1. Rà soát lại các sai sót

Trước khi cố gắng cải thiện điểm tín dụng của mình, hãy kiểm tra lại vị trí hiện giờ của bạn. Hãy lấy một bản báo cáo tín dụng miễn phí và kiểm tra thông tin của bạn đã chính xác hay chưa. Ví dụ, hãy kiểm tra các lỗi sai chính tả, sai địa chỉ và những tài khoản nào không thuộc về bạn.

Nếu có bất kỳ thông tin sai sót nào, hãy liên hệ với công ty cung cấp báo cáo tín dụng. Để tránh gặp phải bất kỳ vấn đề nào về lâu về dài, hãy kiểm tra điểm tín dụng của bạn ít nhất mỗi năm một lần. Theo luật pháp Liên bang, bạn được quyền nhận miễn phí một bản báo cáo tín dụng từ cả 3 hãng báo cáo tín dụng khác nhau.

Hãy tải về ứng dụng Credit Karma hoặc Credit Sesame để theo dõi điểm tín dụng của bạn. Điều này sẽ giúp bạn có thêm động lực để thay đổi những thói quen xấu nhằm cải thiện điểm tín dụng của mình.

2. Ngưng lệ thuộc vào tín dụng

Một nguyên nhân chính khiến điểm tín dụng không cao là do bạn có nhiều khoản tín dụng khác nhau. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc trả dần các khoản vay tín dụng và chỉ sử dụng một tài khoản tín dụng duy nhất. Hãy tiết kiệm tiền bằng cách gộp toàn bộ số tiền tín dụng vào một thẻ tín dụng có lãi suất 0%.

Sau khi đã gộp toàn bộ hoặc phần lớn các tài khoản tín dụng vào cùng một chỗ, hãy thanh toán mua hàng nhiều hơn mức cần thanh toán tối thiểu. Tại sao? Bởi vì bạn có thể tốn hàng năm trời để trả hết những khoản vay nhỏ nhất.

Bạn có thể cảm thấy quá tải khi phải theo dõi nhiều thẻ tín dụng và nhiều chi phí khác nhau. Tin vui là có một giải pháp đơn giản, đó là sử dụng các ứng dụng như Mint để theo dõi dòng tiền của bạn một cách hiệu quả hơn.

3. Nói không với thẻ tín dụng mới

Điều khôi hài là điểm tín dụng của bạn càng cao thì bạn càng nhận được nhiều lời đề nghị mở thẻ tín dụng. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên mở hàng tá thẻ tín dụng mới. Hãy tự hạn chế chỉ mở từ 1 đến 4 thẻ tín dụng.

Nếu thấy mình có nhiều hơn 4 thẻ tín dụng, hãy tập trung loại bỏ những thẻ nào bạn không dùng đến hoặc loại thẻ có phí thường niên. Nhiều công ty và cửa hàng cố gắng thuyết phục bạn mở thẻ mới sẽ được tặng thêm một khoản tiền. Đừng vội nghe theo những lời "mật ngọt chết ruồi" đó.

4. Cài đặt tự động thanh toán hóa đơn

Bởi vì bạn là con người nên chắc chắn có lần bạn sẽ trễ hạn thanh toán. Có một cách thức tuyệt vời để tránh trễ hạn là cài đặt tự động thanh toán hóa đơn. Hiện nay, đa phần các ngân hàng lớn đều có một tính năng "thanh toán hóa đơn" cho phép bạn cài đặt tự động thanh toán định kỳ.

Kiểm tra lại lịch sử thanh toán thẻ tín dụng và viết ra ngày đến hạn trên một tờ giấy. Bạn cần phải hiểu về dòng tiền của mình để biết được bạn còn lại bao nhiêu tiền vào mỗi tháng. Hãy sử dụng khoản tiền còn lại để tiếp tục tiêu dùng.

Tạo thêm động lực cho mình bằng cách đặt ra hạn chót để thanh toán nợ thẻ tín dụng. Sau đó chia nhỏ khoản tiền trong thẻ tín dụng theo từng tháng. Ví dụ, nếu bạn muốn trả hết nợ trong 16 tháng với khoản tiền 5.000 đô la Mỹ trong thẻ tín dụng, hãy thanh toán 313 đô la Mỹ mỗi tháng ($5.000/16).

Đảm bảo rằng bạn sẽ chọn một thời điểm khả thi và một khoản tiền bạn đủ khả năng thanh toán. Tốt hơn là bạn nên thanh toán một khoản tiền nhỏ hơn nếu thấy phù hợp.

5. Điều chỉnh các hóa đơn cho phù hợp với bạn

Chu kỳ thanh toán của mỗi người sẽ không giống nhau, do đó hãy điều chỉnh thời điểm đến hạn thanh toán cho phù hợp với bạn. Nếu hóa đơn của bạn đến hạn vào ngày 1 hàng tháng nhưng bạn nhận lương vào ngày 7, hãy điều chỉnh lại cho phù hợp.

Đôi khi việc thay đổi ngày đến hạn sẽ cực kỳ phiền phức hoặc không thể thay đổi được. Trong trường hợp này, hãy cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán.[1] Tuy nhiên, ngay khi những khoản thanh toán này được liệt kê vào thẻ tín dụng, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ thanh toán đầy đủ.

6. Cân nhắc tránh tiêu xài quá mức

Hãy giữ tỷ lệ tiền vay nợ (credit utilization) dưới 30%. Càng tiêu dùng nhiều, các công ty cho vay tín dụng càng có xu hướng nhận định rằng bạn đang gặp khó khăn về tài chính. Hãng tư vấn tín dụng Vintagesscore đưa ra lời khuyên không nên để tỷ lệ tiền vay nợ vượt quá 30%.

Tỷ lệ tiền vay nợ là gì? Hãy chia toàn bộ khoản nợ tín dụng còn lại cho toàn bộ hạn mức tín dụng của bạn. Ví dụ, nếu khoản nợ tín dụng còn lại là 3.000 đô la Mỹ với hạn mức tín dụng là 10.000 đô la Mỹ thì tỷ lệ tiền vay nợ của bạn là 30%. Bây giờ hãy rà soát lại toàn bộ thẻ tín dụng của bạn và tính toán tỷ lệ tiền vay nợ của bạn.

Bạn sử dụng thẻ tín dụng vào lúc nào? Chỉ mua sắm bằng thẻ tín dụng nếu bạn có thể thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán trong vòng một tháng.

Không nên sử dụng thẻ tín dụng vào việc chi tiêu hàng ngày, thay vào đó hãy sử dụng thẻ ghi nợ. Bạn sẽ ít có khả năng chi tiêu bốc đồng và chỉ mua những gì mình cần. Điều tuyệt vời nhất là bạn sẽ bắt đầu loại bỏ những thói quen cũ khiến bạn mất điểm tín dụng như trước đây.

7. Đừng lạm dụng việc thẩm tra tín dụng

Hãy cẩn thận với việc thẩm tra tín dụng để vay tiền (hard credit inquiries). Những kiểu thẩm tra tín dụng như thế có thể khiến bạn mất đi một vài điểm tín dụng. Một vài điểm nghe có vẻ không nhiều, tuy nhiên chúng sẽ tích tiểu thành đại về sau.

Thẩm tra tín dụng để vay tiền là điều cần thiết ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời bạn, tuy nhiên bạn cần phải lên kế hoạch khi sử dụng phương thúc này.

Dưới đây là một vài ví dụ về thẩm tra tín dụng để vay tiền:

  • Vay mua ô tô
  • Thế chấp
  • Vay học phí
  • Vay tiêu dùng cá nhân
  • Vay mua nhà

Hãy lập kế hoạch cho mỗi khoản chi tiêu lớn. Bằng cách này, bạn sẽ tránh được việc phải trải qua nhiều lần thẩm tra tín dụng vay tiền, từ đó tránh ảnh hưởng đến điểm tín dụng của mình.

Hãy lập thời gian biểu cho những khoản chi tiêu lớn để biết được liệu điểm tín dụng của bạn có đang ở mức tốt hay không.

8. Trở thành người dùng ủy quyền

Hãy bắt đầu xây dựng uy tín tín dụng bằng cách trở thành người dùng ủy quyền đối với tài khoản của người khác. Khi trở thành người dùng ủy quyền, bạn sẽ có thể mua sắm bằng chính thẻ tín dụng của mình. Tuy nhiên chủ sở hữu thẻ vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán nợ đúng hạn.

Không dễ để tìm được người sẵn sàng cho phép bạn trở thành người dùng ủy quyền đối với tài khoản của họ. Hãy bắt đầu đề nghị những người họ hàng thân thiết hoặc bạn bè của bạn. Trở thành người dùng ủy quyền là một cách thức tuyệt vời để xây dựng uy tín tín dụng về sau, do đó hãy thật kiên nhẫn.

9. Xem trọng lịch sử tín dụng của bạn

Đừng khóa những thẻ tín dụng có lịch sử tốt. Thẻ tín dụng có lịch sử tốt sẽ cho người vay thấy bạn có đủ khả năng trả nợ đúng hạn trong khoảng thời gian gia hạn.

Thay vào đó, nếu bạn quyết định không sử dụng đến thẻ tín dụng đó nữa, hãy để ở một nơi nào đó khuất tầm mắt.

Hãy khóa những thẻ tín dụng đang thu phí thường niên hoặc có lịch sử tín dụng ngắn. Hãy khóa những thẻ tín dụng này vào thời điểm bạn không chi tiêu những khoản tiền lớn.

10. Đạt được mục tiêu bằng lòng kiên trì

Trên thực tế, xây dựng điểm tín dụng không hề dễ dàng, tuy nhiên điều đó rất đáng để làm. Để có thêm động lực, hãy viết ra những lý do chính khiến bạn muốn cải thiện điểm tín dụng của mình.

Ví dụ, nếu bạn muốn mua nhà, hãy đặt ra một ngày cụ thể để nỗ lực đạt được mục tiêu. Sau đó hãy bắt đầu tìm hiểu xem mình cần bao nhiêu điểm tín dụng để mua được nhà. Từ đó, hãy chia nhỏ mục tiêu của bạn thành những bước nhỏ để thực hiện mỗi ngày.

Dưới đây là một tháng làm mẫu để tham khảo:

  • Tuần 1: Bỏ thẻ tín dụng ở nhà
  • Tuần 2: Gọi điện cho ngân hàng để hỏi về mức điểm tín dụng cần có
  • Tuần 3: Chọn một ngày để trả hết nợ thẻ tín dụng với số dư tối thiểu
  • Tuần 4: Tiết kiệm 10 đô la Mỹ để thanh toán nợ gốc của thẻ tín dụng

Điều quan trọng vẫn là kiên trì. Tốt nhất là nên bắt đầu với những mục tiêu nhỏ và bước những bước đều đặn. Khi bạn bắt đầu thấy được thành công, hãy hướng đến những mục tiêu lớn hơn.

“Đa số mọi người đều đánh giá quá cao những điều họ có thể làm mỗi ngày và đánh giá quá thấp những điều họ có thể làm mỗi tháng.” – Matthew Kelly

Hãy khiến ước mơ mua sắm của bạn dễ dàng trở thành hiện thực

Hãy tưởng tượng bạn sẽ thức dậy khi nghe thấy có tiếng chuông. Đó là khi điện thoại thông báo rằng điểm tín dụng của bạn đã đạt được 700 điểm. Bạn mỉm cười, cầm lấy tách cà phê và bắt đầu buổi sáng với tâm trạng mình là người vô địch.

Điều đó không hề dễ dàng, tuy nhiên sau khi đã làm việc vất vả cùng với tinh thần kỷ luật, bạn có thể cải thiện được điểm tín dụng của mình.

Điều tuyệt vời nhất là tình hình tài chính của bạn hiện giờ đã tốt hơn bao giờ hết. Bạn có một khoản ngân sách để dựa vào. Tuyệt vời phải không nào?

Hiện giờ bạn đã có 10 chiến lược hiệu quả để cải thiện điểm tín dụng của mình. Hãy thử áp dụng từng phương pháp nhưng nhớ phải kiên trì. Gia tăng điểm tín dụng không phải là điều xuất hiện thần kỳ chỉ qua một đêm. Tuy nhiên bạn sẽ định hình được những thói quen khiến bạn thay đổi cuộc đời mình về sau.

Bạn còn chờ đợi gì nữa? Hãy bắt đầu ngay thôi.

Nguồn ảnh bìa: Pixabay từ pixabay.com

Tài liệu tham khảo